Lan tỏa phong trào “Học không bao giờ cùng”

08:39, 04/01/2023

Thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã tích cực triển khai phong trào “Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng” nhằm hình thành và phát triển phương thức học tập có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên theo hướng học trực tiếp và trực tuyến, học ở trường lớp, nơi làm việc, tại nhà… trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt.

Quỹ Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho người lao động.
Quỹ Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho người lao động.

Sau nhiều năm thực hiện mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng khuyến học” để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục xây dựng, thực hiện các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Công tác khuyến học, khuyến tài hướng tới việc xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế tri thức góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xây dựng phong trào học tập suốt đời trong nhân dân và xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện từ tỉnh đến các huyện, xã, khu phố và cộng đồng dân cư. Qua đó, tạo thành phong trào toàn xã hội tích cực tham gia học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện trách nhiệm, quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời; tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Duy trì và nâng cao chất lượng việc tổ chức công nhận danh hiệu các mô hình học tập; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ, tham gia và cộng đồng trách nhiệm của các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân thông qua các phong trào, mô hình xã hội học tập, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, mục đích, ý nghĩa, vai trò lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập trong toàn dân. Trong phong trào “Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng” đã xuất hiện nhiều cá nhân là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi và những người lao động tự học vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như anh Phạm Quốc Văn, sinh năm 1980, xã Xuân Phương (Xuân Trường). Vợ chồng anh Văn đều làm nông nghiệp, không có nghề phụ, nuôi hai con ăn học nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Năm 2014, anh Văn không may bị tai nạn dẫn đến không có khả năng lao động, gia đình rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, được địa phương bình xét, công nhận là hộ nghèo trong 5 năm. Không cam lòng chứng kiến các con chịu cảnh thiếu thốn, anh Văn đã cố gắng vươn lên để chữa bệnh và đi làm thuê tại xưởng cơ khí. Tại đây, anh có cơ hội được học nghề. Sau thời gian học tập, đến nay, anh đã mở được cơ sở gia công cơ khí tại nhà và từng bước thoát nghèo. Có điều kiện kinh tế, anh tích cực chăm lo cho cuộc sống gia đình và tham gia các hoạt động của địa phương. Với nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, gia đình anh được công nhận là gia đình văn hóa. Còn với gia đình ông Lê Văn Trọng, 68 tuổi, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) đã tích cực theo học các khóa nuôi trồng thủy sản và áp dụng vào mô hình trang trại “vườn, ao, chuồng” của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, 51 tuổi, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) làm nghề tự do, nuôi hai con ăn học. Chồng mất sớm, bản thân chị Hương với công việc bấp bênh, nguồn thu nhập không đều, lại thường xuyên bị ốm đau phải đi viện nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Không chịu cảnh nghèo, đầu năm 2022 chị mạnh dạn vay mượn ngân hàng, người thân để đầu tư thiết bị máy may, chịu khó học hỏi để nâng cao tay nghề, từ đó công việc ổn định, có thu nhập thường xuyên và đã thoát nghèo. Mới đây, chị đã cải tạo, xây mới được nhà ở. Em Nguyễn Thị Hồng Ánh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mất sớm, mẹ thường xuyên ốm đau không có khả năng nuôi em ăn học. Ánh đã tranh thủ thời gian đi làm thêm lấy tiền đóng học phí và tự lo chí phí sinh hoạt cho bản thân. Tuy khó khăn, vất vả nhưng Ánh đã vươn lên trở thành sinh viên có học lực giỏi.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến học Việt Nam (Hội Khuyến học Việt Nam), Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức trao tặng học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ nhất nhằm động viên khích lệ các tấm gương tiêu biểu xuất sắc của tỉnh với 150 suất học bổng cho 58 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên vượt khó, đạt thành tích tốt trong học tập và 92 lao động tự học vươn lên thoát nghèo của 10 hội, đoàn thể chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù của tỉnh gồm: Hội Người mù, Hội Người khuyết tật, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam. Đây là một món quà động viên tinh thần mỗi học sinh, sinh viên, người lao động trong việc “Học không bao giờ cùng”, giúp cho các thành viên lớn tuổi, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên có thêm động lực học tập vươn lên trong quá trình nâng cao kiến thức “học nữa, học mãi”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng”, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội; ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ngành, huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh đó, phong trào hưởng ứng học tập suốt đời đã lan tỏa sâu rộng, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, khu phố và cộng đồng dân cư, giúp mọi người, ở mọi lứa tuổi có cơ hội được học tập suốt đời để có nghề, lao động hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng, phát triển gia đình, quê hương hạnh phúc, ấm no./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com