Tháng hành động Vì bình đẳng giới năm 2022 diễn ra từ 15-11 đến 15-12 trên toàn tỉnh với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là đợt cao điểm để truyền thông rộng rãi về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; huy động sự vào cuộc, tham gia và cam kết thực hiện của cộng đồng để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Câu lạc bộ Dưỡng sinh nữ xã Giao Phong (Giao Thủy) thu hút hơn 100 hội viên. |
Toàn tỉnh có khoảng 1,88 triệu người, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (chiếm hơn 80%); trong đó nữ giới chiếm khoảng 51% dân số. Qua 15 năm triển khai Luật Bình đẳng giới (2007-2022), công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của tỉnh luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB và XH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 42/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 26/KH-UBND thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch số 38/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch triển hai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm... Toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn các nội dung về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho hơn 7.000 lượt người; tập huấn kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và kỹ năng công tác; tổ chức các buổi toạ đàm: “Tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh”, “Tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong y tế”, “Tọa đàm về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”. Hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh: số lượng lao động nữ được dạy nghề, tạo việc làm và phụ nữ được tham gia các chương trình tín dụng, giảm nghèo năm sau cao hơn năm trước; số phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ y tế tăng, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đã giảm đáng kể (113 bé trai/100 bé gái)... Khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đời sống xã hội được rút ngắn. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng; trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội ngày càng được nâng lên.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quan tâm, tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó tập trung tạo nguồn và tăng tỷ lệ cán bộ nữ kế cận được quy hoạch, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ. Trong cơ quan hành chính Nhà nước, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nữ so với tổng số cán bộ, công chức đã được nâng lên so với giai đoạn 2015 (từ 28,4% năm 2015 lên 39,5% năm 2022); Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động của đơn vị nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo niềm tin và thêm động lực để phụ nữ học tập nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức nhằm đáp ứng được các nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020: cấp tỉnh có 8/55 đồng chí (14,55%), cấp huyện 65/544 đồng chí (11,94%), cấp cơ sở 1.697/6.239 đồng chí (27,20%); nhiệm kỳ 2020-2025: cấp tỉnh có 6/53 đồng chí (11,32%), cấp huyện có 72/488 đồng chí (14,75%), cấp cơ sở có 1.200/5.594 đồng chí (18,02%). Sau bầu cử đại biểu Quốc hội khoa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đã có 4/8 đại biểu Quốc hội là nữ (tỷ lệ 50%), nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 15/61 đại biểu (tỷ lệ 24,59%), nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 90/350 biểu (tỷ lệ 25,71%) và nữ đại biểu HĐND cấp xã là 1.396/5.552 đại biểu (tỷ lệ 25,14%).
Chất lượng lực lượng lao động nữ được nâng lên, tỷ lệ nữ qua đào tạo có việc làm tăng từ 8,45% năm 2007 lên 17,50% năm 2022. Các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động; trong đó, đào tạo nghề cho hơn 54 nghìn lao động nữ, hơn 368 nghìn lượt lao động đã được giải quyết việc làm mới, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 50%. Tỷ lệ nữ ở nông thôn có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100%. Có 2.122 chủ doanh nghiệp là nữ, chiếm tỷ lệ 20,7% tổng số doanh nghiệp. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, trẻ em ngày càng được chú trọng, các chương trình y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được thực hiện thường xuyên hàng năm. Tỷ lệ giới tính khi sinh (trẻ em trai/trẻ em gái) đã giảm từ 120/100 năm 2011 xuống còn 113/100 năm 2022.
Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ- TB và XH cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/ KH-UBND về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là một chiến dịch truyền thông tập trung lớn nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Theo đó, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an các cấp triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán người, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo và chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh. Tăng cường hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngành GD và ĐT tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới cho học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong trường học, trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ... dành cho học sinh và giáo viên về chủ đề của Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới. Toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu đến năm 2025: 60% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%. 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2025, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin