Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Thanh Niên vừa tổ chức buổi họp báo, thông tin về “Tuần lễ Sách của người làm báo”.
Diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22-6-2023, tại đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, quận I), “Tuần lễ Sách của người làm báo” sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các cơ quan báo chí và những người làm báo tới đông đảo bạn đọc, đưa đến những trang viết mang đậm hơi thở thời cuộc, gắn liền với dòng chảy thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo góp phần đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam.
Mục đích của tuần lễ sách là muốn giới thiệu đến công chúng Thành phố Hồ Chí Minh và ngay chính đội ngũ những người làm báo về những tác phẩm hay, hấp dẫn do các đồng nghiệp thực hiện. Thông qua góc nhìn của nhà báo, các tác phẩm được thể hiện bằng... sách lại càng đa dạng, hấp dẫn và gây bất ngờ hơn với người đọc.
Phát động cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”
Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa tổ chức phát động Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi dành cho những người yêu hội họa, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên mỹ thuật và các trường văn hóa - nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài với phong cách thể hiện tự do.
Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức muốn tạo điều kiện để các họa sĩ trẻ có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình; qua đó khuyến khích, động viên, tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu di sản văn hóa trong giới trẻ hiện nay. Dự kiến, việc công bố giải thưởng, trao giải cho các tác giả có tác phẩm đạt giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2023).
Thêm 12 di sản trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa công bố các quyết định ghi danh 12 di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trang phục của người Hà Nhì. Ảnh: THÀNH ĐẠT |
Ở hạng mục Nghệ thuật trình diễn dân gian, có Hát ru của người Tày, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn); Nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn (Yên Bái); Nghệ thuật múa của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên). Ở hạng mục Nghề thủ công truyền thống có Nghề dệt thổ cẩm của người Tày, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (Cao Bằng); Nghề rèn của người Mông, tỉnh Điện Biên. Ở hạng mục Tập quán xã hội và tín ngưỡng, có Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên); Tri thức về cọn nước của người Tày, xã Trung Hà, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang); Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang); Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ở hạng mục Tri thức dân gian có Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ở hạng mục Lễ hội có truyền thống Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang); Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin