Thấp thoáng sau những vòm cây cổ thụ là ngôi chùa làng quen thuộc.
Ngôi chùa cổ kính, sạm màu rêu phòng, có tên chữ là Kim Liên Tự. Cứ như gia phả của làng thì chùa đã có hàng trăm năm. Trước kia, chùa chỉ là một ngôi miếu cổ. Qua biến cố của thời gian, làng đã trùng tu và mở rộng chùa. Đến nay, chùa toạ lạc trên một vùng đất cao, khá rộng rãi và thoáng mát. Nổi bật hơn cả là phần tiền đường, các vỉ xà, câu đối với nét chạm khắc công phu thể hiện kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân dân gian... Trong nội tự có nhiều pho tượng Phật nhưng chúng tôi sợ nhất là hai ông hộ pháp đứng gác hai bên, mặc áo giáp kiểu võ sĩ, tay nâng viên ngọc, tay cầm binh khí... Đẹp nhất là bức tượng Phật Quan Âm toả ánh hào quang nơi thượng điện. Đức Phật từ bi có nghìn mắt, nghìn tay cứu độ cho chúng sinh.
Hàng năm, vào dịp tháng ba âm lịch, làng mở hội to lắm. Cờ ngũ sắc cắm dọc theo trục đường làng lên tận cổng chùa. Bọn trẻ con ngày thường nô nghịch là thế, nay bỗng trở nên “ngoan ngoãn” lạ! Trong sân chùa, người ken như nêm cối. Các cụ ông, cụ bà khăn xếp, áo the... tay lần tràng hạt nghiêm cẩn lầm rầm khấn vái... Hương khói nghi ngút. Khách thập phương cũng đổ về sắm sanh lễ vật, thành kính dâng hương cầu mong mưa thuận gió hoà, gia đình an khang thịnh vượng.
Tiếng chuông chùa gióng lên ba hồi nghe như tiếng dội của đấng quyền năng vô hình vào cõi nhân sinh. Không gian trở nên trang nghiêm và huyền bí. Khung cảnh ấy như nới rộng không gian, làm tiêu tan những bộn bề, lo toan vật chất đời thường và xoá đi sự nhọc nhằn, lam lũ của những người nông dân quê tôi.
Sau lần lễ, làng mở hội thi. Nhóm này thi cấy lúa, nhóm kia thi thổi cơm... Thanh niên, trẻ con thi đập niêu đất, bịt mắt bắt dê... Tiếng nói cười huyên náo, vui vẻ cả một vùng quê. Ai cũng hồ hởi, tất bật! Con trẻ được dịp chạy từ nơi này đến nơi khác, vỗ tay, reo hò không ngớt.
Tôi cùng bà vào gian thờ Mẫu, chắp tay khấn vái rồi cắm nén tâm nhang lên bát hương lớn. Hương trầm lan toả những sợi tơ mỏng manh như bay về một cõi vô hình, gửi gắm những ước nguyện của con người về chốn tâm linh. Tôi còn nhớ trong những năm chống Mỹ cứu nước, trường học tôi sơ tán về đây. Cánh cổng chùa được tháo ra làm bàn ghế. Lớp học tối tăm, chật chội. Một đơn vị bộ đội cũng đóng ngay trong chùa làng cùng dân quân tự vệ tham gia trực chiến. Mùa tháng năm, dân làng gặt hái đi qua cổng chùa, ngồi nghỉ dưới gốc cây xoài, cây nhãn xum xuê hay uống ngọm nước mưa trong vắt trong cái bể có mái cong cong to bằng gian nhà của nhà chùa.
Đằng sau chùa là khu rừng Mả San. Gọi là rừng vì đây là nơi cây cối rậm rạp, dày đặc, có nhiều cây cổ thụ và cây leo. Chúng tôi vẫn thường ngày ra vào kiếm củi, ngắt những ngọn chua me tím sẫm và các loại hoa dại làm đồ chơi “đám cưới”. Ngày nay, khu rừng quanh chùa đã bị phá để làm khu nghĩa địa của làng.
Ngôi chùa làng với biết bao kỷ niệm, gắn bó với người dân quê tôi, là một phần của “hồn làng” không chỉ trong những năm tháng chiến tranh mà ngay cả thời bình. Cũng như bao người con của làng, dù đi đâu xa, tôi cũng luôn hướng về nguồn cội. Ánh sáng tâm linh từ ngôi chùa làng là một phần chỗ dựa tinh thần cho tôi về “chân, thiện, mỹ”, về cái thiện luôn chiến thắng cái ác, giúp tôi vượt qua những khó khăn, bất trắc trong dâu bể cuộc đời./.
Lưu Thị Hoà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin