Minh Thuận bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa địa phương

08:13, 31/03/2023

Xã Minh Thuận (Vụ Bản) từng là vùng đất tịch điền của các vị vua thời Lý, Trần. Trên địa bàn xã còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa truyền thống với các di tích đình, đền, chùa, miếu cổ. Tiêu biểu là hai di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Hướng Nghĩa và Từ đường họ Đào Duy tại làng Bịch.

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Hướng Nghĩa được xây dựng vào thời Lý (khoảng năm 1112). Theo tài liệu cổ để lại, Đình Hướng Nghĩa thờ 3 vị thần có nhiều công lao với dân, với nước gồm: Hậu Tắc hoàng đế, Câu Mang đại vương và Đương Chu đại vương. Hậu Tắc hoàng đế là vị thần về lương thực, có công dạy dân cách thức trồng lúa thóc và cây cối. Câu Mang đại vương là một danh tướng thời Hùng Vương. Đương Chu đại vương là người có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đình Hướng Nghĩa tọa lạc trên một khu đất cao, quay hướng tây với kiến trúc kiểu chữ “Nhị”. Bao quanh đình là những hàng cây ăn quả lâu năm tỏa bóng xum xuê cùng hệ thống tường bao bảo vệ càng làm cho ngôi đình thêm phần uy nghiêm. Đình gồm hai tòa chính gồm tiền đường và hậu cung. Tiền đường có 5 gian, khung gỗ lim theo kiểu dựng 4 hàng cột, 6 bộ vì. Hai bộ vì hồi làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”. Các con rường thân soi chỉ, đầu chạm vân; các bức mê ở giữa kẻ ngồi và xà nách là tranh “tứ linh” sinh động “thượng giá chiêng, hạ kẻ truyền”. Giữa tiền đường và hậu cung là một khoảng sân rộng hơn 2m. Hậu cung có 3 gian, tường hồi xây bít dốc, hai mái phẳng lợp ngói nam. Trong gian giữa của hậu cung hiện đang đặt ngai và bài vị thờ của ba vị thần chủ ngôi đình, hai gian bên thờ các vị thần tướng và thần hậu. Trải qua những thăng trầm lịch sử, đến nay, tại Đình Hướng Nghĩa còn gìn giữ được nhiều di vật có giá trị, tiêu biểu như hệ thống sắc phong, ngai và bài vị thờ, đại tự, câu đối gỗ, biển thờ.

Lễ rước Thánh tại Đình làng Hướng Nghĩa. 
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Lễ rước Thánh tại Đình làng Hướng Nghĩa.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đình Hướng Nghĩa là địa điểm cách mạng, nơi thành lập tổ chức “Nông Hội đỏ” đầu tiên của huyện Vụ Bản. Nông Hội đỏ Hướng Nghĩa đã có nhiều hoạt động sôi nổi như làm cổng chào, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, treo cờ Đảng trên cây đa đầu làng, trên núi Ngăm... Đình cũng là nơi các gia đình trong làng tiễn con em lên đường tòng quân đánh giặc. Làng đã có 109 người lên đường ra chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó có 13 người đã anh dũng hy sinh. Cứ hai năm một lần, từ mùng 3 đến mùng 4 tết, thôn tổ chức hội rước Thành hoàng làng, lễ rước kiệu quanh thôn. Có thời gian dài, đình là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng xóm, nơi tổ chức các hoạt động hội họp của các tổ chức, đoàn thể; phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập...

Đào Duy không chỉ là dòng họ lớn nhất làng Bịch mà còn là dòng họ lớn ở xã Minh Thuận với truyền thống về y đức. Tính từ đời thượng tổ Đào Đăng Chí, đến nay dòng họ đã truyền được 16 đời. Ngày nay nhiều con cháu trong dòng họ là những y, bác sĩ giỏi. Theo lời các cụ trong dòng họ kể lại, các cụ tổ họ Đào Duy có gốc từ miền sông Lấp - Hà Tây, cùng các cụ tổ họ khác về xứ Thiên bản lập ấp, khai khẩn đất đai dựng lên làng Bịch hiện nay. Ngày ấy, trong họ có cụ Đào Đăng Chí là người học rộng tài cao thi đỗ làm quan dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng. Ông được nhà vua tin dùng và phong tước hầu thuộc vào hàm Tứ trụ triều đình (Khâm sai đại thần). Năm 1941, từ đường dòng họ được xây dựng lần đầu theo kiến trúc cổ. Tuy nhiên theo thời gian, từ đường xuống cấp và không còn giữ được hiện trạng ban đầu. Đến năm 2014, con cháu trong dòng họ đã góp công sức tôn tạo, xây dựng lại 3 gian nhà thờ; trong từ đường vẫn còn lưu giữ được 1 đạo sắc phong từ thời Vua Lê Cảnh Hưng. Năm 2021, Từ đường dòng họ Đào Duy đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, có 2 lễ giỗ chính vào ngày mùng 9 tháng giêng và giỗ Thượng tổ Đào Đăng Chí (ngày 9 tháng 8). Đây là dịp để con cháu gần xa hội ngộ, thăm hỏi, báo công với tiên tổ thành tích học tập, tình hình làm ăn; tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài với mong muốn khuyến khích, động viên con em trên địa bàn làng, xã vượt lên trong học tập, từ đó xây dựng quê hương ngày một tốt đẹp.

Ngoài bảo lưu những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa truyền thống, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Minh Thuận thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là thế hệ trẻ, về truyền thống lịch sử của cha ông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá của địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản quê hương./.

Huyền Trang

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com