“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07 về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng là một trong 5 nội dung của Kế hoạch số 46-KH/BCĐ ngày 15-6-2022 triển khai Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” mà tỉnh đã đề ra, đảm bảo phát triển sâu rộng, thực chất và ngày càng bền vững.
Tiết mục hát chèo của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” Xuân 2023. |
Sức lan toả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh cho biết: “Triển khai Kết luận số 75, hơn một năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành VH, TT và DL đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, gắn nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đã đạt được những kết quả tích cực trên các phương diện. Những chỉ tiêu chủ yếu, nội dung cốt lõi của Kết luận số 75 đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, đến năm 2022, toàn tỉnh có trên 93% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa, 100% thôn, xóm, tổ dân phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao; trên 94% thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Việc thực hiện nếp sống văn hóa công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp” được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, phát huy tinh thần đồng thuận xã hội và hình thành những chuẩn mực về nếp sống văn hóa, lối sống văn minh của cả cộng đồng. Tại các thôn, xóm, tổ dân phố, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã trở thành một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, góp phần quan trọng vào việc phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã rà soát 2.477 hương ước, quy ước; sửa đổi, bổ sung 548 hương ước, quy ước phù hợp với nội dung của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Năm 2022, Sở VH, TT và DL đã xuất bản ấn phẩm “Những điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Nam Định” nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá để các địa phương nghiên cứu, tham khảo, áp dụng những cách làm hay, mô hình sáng tạo phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó nhân rộng các điển hình trong thực hiện nếp sống văn hóa”.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh”, năm 2022, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành VH, TT và DL tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm như: Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại tỉnh Vĩnh Phúc và Festival “Tràng An - Kết nối di sản” tại tỉnh Ninh Bình; tổ chức các hoạt động: trưng bày chuyên đề quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; trình diễn, trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực Thành Nam… tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Đặc biệt, khu trưng bày “Không gian văn hóa ẩm thực Nam Định” tại SEA Games 31 tổ chức tại Nam Định đã thu hút đông đảo người dân đến trải nghiệm đặc sản ẩm thực quê hương, tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè khu vực Đông Nam Á và truyền thông quốc tế. Phát huy giá trị văn hóa các di sản, năm 2022, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học 1 di tích trình Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia; 18 di tích trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; đồng thời khảo sát, thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh bổ sung 15 di tích vào Danh mục kiểm kê. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản và truyền thống văn hóa đất và người Nam Định được chú trọng.
Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện 2 tập phim tài liệu giới thiệu toàn cảnh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Nam Định là: “Khám phá Thành Nam” và “Về với Thiên Trường xưa” phát trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện, Nam Định có khoảng 1.350 di tích lịch sử - văn hóa trong danh mục kiểm kê; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 319 di tích cấp tỉnh. Năm 2022, tỉnh ta vinh dự có thêm 1 di sản được Bộ VH, TT và DL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội “Thái bình xướng ca”, làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản), 1 di sản được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia là Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở Chùa Tháp Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), đưa tổng số toàn tỉnh có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 5 Bảo vật quốc gia và hơn 25 nghìn tài liệu, hiện vật cổ lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và hàng nghìn di vật, cổ vật lưu giữ tại các di tích lịch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được quan tâm, ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 câu lạc bộ (CLB) TDTT cơ sở, gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 CLB văn hóa, nghệ thuật duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia với hơn 700 buổi hoạt động mỗi năm.
Những kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa là thành quả từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trở thành sức mạnh nội sinh tạo động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Về các làng quê ở Nam Định hôm nay sẽ thấy những ngôi nhà cao tầng san sát, hệ thống giao thông nông thôn hiện đại, sạch đẹp, hàng cây ven đường xanh mướt, lề đường rực rỡ sắc hoa tô điểm cho cảnh sắc các vùng quê; các lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, văn minh góp phần hướng con người quan tâm đến truyền thống, cội nguồn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
Hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Kết luận 75 tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên. Việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số nơi có dấu hiệu chững lại, chưa có nhiều điển hình tiêu biểu, tạo phong trào sôi nổi tại cơ sở. Công tác quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn...
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, thực chất và bền vững theo Kết luận 75, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tích cực vận động người dân thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng, nhân rộng các điển hình, điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn hóa thời kỳ mới. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; huy động các nguồn lực xây cơ sở vật chất văn hóa, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch văn hóa; xã hội hóa các hoạt động đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục, phóng sự giới thiệu về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, các điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa con người, quê hương Nam Định tới du khách trong nước và quốc tế.
Với bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá, Nam Định luôn có vị thế trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Các giá trị văn hóa của quê hương đã và đang hội tụ, ngày càng lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, tín ngưỡng, góp phần hun đúc nên cốt cách con người Nam Định, hướng tới giá trị “chân - thiện - mỹ”./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin