Người nhà quê

08:30, 10/03/2023

Cái nón mẹ mới mua về hôm qua tôi chẳng ưng tí nào. Vứt lỏng chỏng ở góc nhà tôi bảo: “Để mai con mang về cho người nhà quê”!

Người nhà quê ấy là bác dâu tôi. Bác hiền lành, giản dị như củ khoai, hạt lúa. Tôi nhớ mãi mùa hè năm ấy, chúng tôi được bố mẹ cho về quê vui chơi thỏa thích. Nào lội ruộng bắt cua, bắt cá, nào theo anh Thúy cất vó tép ở con sông nhỏ trước làng... Lúc về, quần áo dính đầy bùn đất bẩn thỉu. Bác chẳng la mắng các cháu mà còn nhắc cháu con cẩn thận chơi đùa nơi sông nước. Bác chăm lo cho chúng tôi từng tí, từng tí một. Bác dậy từ sớm, lủi thủi nấu cơm nấu cháo, dọn dẹp. Bóng bác in trên vách bếp liêu xiêu, chập chờn ánh lửa. Khuôn mặt đỏ hồng, lấm tấm những giọt mồ hôi trên trán, bác tươi cười gọi các con, các cháu dậy ăn sáng.

Đã bước vào vụ gặt. Trong xóm, ngoài làng, ai cũng hối hả liềm hái ra đồng. Cánh đồng làng tôi, cả một màu vàng trải dài tít tắp, mọi người đều quang quang gánh gánh xuống ruộng. Bác nhặt bông lúa rơi trên bờ, nói với tôi “Người nhà quê tiết kiệm từng hạt thóc, cháu ạ!”. Tôi nhìn bác, lạ hoắc. Đúng, người nhà quê!

Cái áo nâu bạc màu, sờn vai, tay áo xắn lên, bên cao, bên thấp. Chiếc nón cũ gãy vành được buộc lại cẩn thận bằng một sợi lạt mỏng. Đôi tay gầy, đen sạm, dáng đi tất tả, lo toan. Bác quê mùa, giản dị nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Bàn tay tần tảo thu vén việc nhà, việc họ. Vườn cây ăn quả nhà bác nhìn không chán mắt. Rặng nhãn, rặng vải quả lúc lỉu, căng mọng. Mấy cây mít góc vườn sai chi chít từ gốc tới ngọn, khế ngọt vàng ươm. Bên bờ ao, hàng chục gốc chanh, gốc bưởi mỗi độ xuân về nở hoa thơm ngát. Mùa quả chín, bác chắt chiu dành dụm trảy cho con cháu khắp trong làng, ngoài xóm. Hoa quả của người nhà quê chỉ có thế mà ngọt ngào, thảo thơm suốt tuổi thơ tôi!

Có lần, biết tôi bị ốm, bác tất tả đến thăm. Nắn tay, nắn chân, bác dỗ dành tôi uống từng viên thuốc. Quà quê của bác là vài chục trứng gà, bơ đỗ xanh hay mươi cân gạo tám xoan. Người nhà quê vốn thật thà, tốt bụng. Nhặt nhạnh, bòn mót vài hạt thóc nhưng cũng sẵn lòng gói ghém cho con cho cháu vài yến gạo thơm, vài thùng thóc mới. Không lo cho mình mà họ luôn lo cho người khác, san sẻ từng miếng cơm manh áo cho người thân. Bác tôi, người nhà quê ấy còn là chỗ dựa tinh thần cho gia đình tôi mỗi khi gặp chuyện không may...

Có năm, trời làm rét đậm. Mẹ tôi biếu bác cái áo bông. Bác cất đi để dành, không dám mặc, coi đó như một vật quý giá. Vậy mà có lần, ông cụ ăn xin đi qua, vừa đói vừa rét, bác tặng luôn ông cái áo bông. Hàng xóm, ai cơ nhỡ, bác sẵn lòng chia sẻ. Rộng rãi, xởi lởi và thương người, bác được cả làng quý mến. Người nhà quê chất phác, đạm bạc. Có bát canh riêu, họ cũng í ới gọi biếu nhau qua rào. Đêm ngủ, ít khi phải đóng cổng. Xóm nhỏ yên bình, gặp nhau vồn vã hỏi chào, sớm lửa tắt đèn có nhau nên trọng tình làng, nghĩa xóm. Cũng có lúc xảy ra va chạm, họ sẵn sàng tha thứ, bao dung, nhất là với những đứa con lầm lỗi.

Vào dịp hội hè, quê tôi tưng bừng náo nhiệt, làng trên xóm dưới treo đèn kết hoa. Vào hội, các ông khăn xếp, áo the; các bà nón quai thao, yếm thắm trông duyên dáng lạ. Tôi không nhận ra người bác lam lũ hôm nào, cứ nhìn bác trân trân. Bàn tay ram ráp, chai sạn vơ từng gốc cỏ, nhặt từng hạt thóc ấy, nay mềm mại múa quạt, múa cờ. Tiếng hát chèo ngọt ngào, say đắm hòa lẫn tiếng đàn, tiếng trống cứ y như đoàn văn công chuyên nghiệp về biểu diễn. Bao vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường như tan biến, mang đến cho làng quê không khí vui tươi, náo nức.
Tôi nhớ như in hồi báo tử bác trai. Mọi người kéo đến chật sân, đầy ngõ. Nước mắt của bà, của mẹ, của cả làng thổn thức qua lời thăm hỏi, sẻ chia. Họ coi nhau là một gia đình lớn. Bác được đùm bọc trong gia đình ấy, dần nguôi ngoai. Bác vẫn tự hào: Người nhà quê chúng tôi giàu tình cảm...

Vốn hay lam, hay làm, chắt chiu, sẻn nhặt nên cơ ngơi của bác, của người dân quê tôi đã thay da, đổi thịt. Nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc lên dưới ánh sáng của hai dãy đèn cao áp. Làng quê đang dần đổi mới như một phép nhiệm màu. Nhưng người nhà quê vẫn giữ được nét mộc mạc, chân quê, giàu tình cảm và giữ tròn đạo lý. Hương gạo quê thấm đượm tình người là nhịp cầu nối liền quê hương với thành thị. Chúng tôi lớn lên cũng nhờ những con tôm con tép quê gầy, nhờ hạt gạo dẻo thơm nơi đồng chiêm được làm nên bởi một nắng hai sương khó nhọc của người dân quê. Để mỗi lúc nhớ về những người nhà quê ấy, lòng lại rưng rưng./.

Lưu Thị Hòa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com