Đặc sắc những di tích bằng đá ở Nam Định
.

Đặc sắc những di tích bằng đá ở Nam Định

08:33, 10/03/2023

Với truyền thống lịch sử văn hiến, Nam Định có hơn 760 năm hình thành và phát triển. Trải qua các triều đại, đến nay tỉnh còn lưu giữ nhiều công trình di tích bằng đá độc đáo, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Tiêu biểu như: Đền Đá (Nam Trực), Lăng Mẫu Liễu Hạnh (Vụ Bản), Đền Xuân Bảng (Xuân Trường), Chùa Phổ Minh, Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên)

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực) là công trình đền thờ được xây dựng bằng đá theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thờ Vũ Uy Công thời Hùng Vương thứ 18. Đền được xây dựng gồm 4 tòa chính và tòa dải vũ ở phía bắc. Kiến trúc đặc sắc nhất của Đền Đá được thể hiện tại tòa bái đường được làm bằng đá gồm 5 gian xây dựng từ năm 1941-1943. Tất cả các cấu kiện như cột, xà, hệ thống cửa võng, các đấu trụ bằng đá khối được nghệ nhân dân gian tuyển chọn kỹ lưỡng. Tòa tiền đường được giữ bởi 8 cột đá, chân cột đặt trên trụ đá có họa tiết lá sen chạm khắc công phu. Nghệ thuật điêu khắc tài hoa của các thợ đá xưa thể hiện khéo léo khi tạc trên 8 cột đá những bức phù điêu rồng vờn mây, cá chép bơi lượn… Ngoài trụ, cột, mỗi gian bái đường đều tạo một bộ cửa võng bằng đá chạm khắc tỉ mỉ với mặt hổ phù, rồng bay, rồng cuốn nước. Phía trên các cửa võng được trang trí các họa tiết cánh sen, bầu rượu, cỏ cây, hoa lá sinh động. Tại Đền Đá còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: bộ bàn ghế đá, sập bằng đá...

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Xuân Bảng (thị trấn Xuân Trường) thờ tướng quân Ngô Miễn, người có công khai hoang mở đất và hai anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng có công giúp dân củng cố các tuyến đê, xây dựng xóm làng và các công trình văn hóa. Đền được xây vào đời Vua Tự Đức năm thứ 22 (1869). Hiên tiền đường đền chính được xây chồng lâu thành ba tầng, giữa các tầng tạo cửa cuốn hình bán nguyệt; mái giả ngói ống cùng đầu đao, lan can chạm họa tiết hoa văn chữ thọ mềm mại. Gánh đỡ toàn bộ phần hiên tiền đường là bộ khung với xà, cột bằng đá được chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Tiền đường ngôi đền gồm 9 gian với ba tòa nhà xây dọc theo kiểu hai tầng bốn mái ghép lại với nhau. Nối tiếp tiền đường là tòa trung đường ba gian. Cũng giống như tiền đường, phần chịu lực chính của trung đường hoàn toàn bằng đá bao gồm 6 cây cột và 6 cây xà dọc, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tuy nhiên kích thước của các cấu kiện bằng đá tại trung đường nhỏ hơn so với tiền đường. Trên các xà đá, cột đá được chạm các hình cuốn thư, sơn thủy, tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu. Tiếp giáp trung đường là tòa chính tẩm gồm ba gian được xây chồng lâu hai tầng tám mái. Trong chính tẩm có đặt nhang án, bài vị và ngai thờ của vợ chồng tướng quân Ngô Miễn và bài vị thờ 2 anh em Đỗ Thận Đoan, Đỗ Nhân Tăng.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Đá, thôn Thức Vụ, xã Yên Cường (Ý Yên) thờ Triệu Việt Vương là công trình thờ tự chủ yếu bằng chất liệu đá được các nghệ nhân xưa tuyển chọn kỹ lưỡng. Từ ngoài nhìn vào là một sân rộng với lư hương, đôi voi bằng đá kết hợp với cảnh quan ao sen, cây cổ thụ càng làm tăng thêm sự tôn nghiêm cho di tích. Lan can bái đường là chấn môn chạm khắc tinh xảo cùng hệ thống 4 cửa bằng gỗ lim, mỗi cửa có 4 cánh cùng 2 hàng cột trụ chạm nổi chữ Hán. Ngoài trụ, cột, các cấu kiện, hạng mục bên trong di tích có sự liên kết chặt chẽ, trạm trổ công phu các hình tượng: hổ phù, long vờn mây, long cuốn thuỷ, phượng hàm thư, hoa lá sinh động. Ngoài ra, Đền Đá còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, tượng Triệu Việt Vương, cỗ kiệu, bài vị…

Những năm qua, các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện chỉ đạo các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Đoàn Thanh niên các địa phương đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, ngoài nguồn vốn từ ngân sách xã, kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Nhờ đó, các di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc độc đáo bằng đá đều được trùng tu, tôn tạo đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong đó, tiêu biểu là Đền Đá, xã Tân Thịnh từ năm 2016 đến nay đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Ông Trần Thanh Cảnh, Trưởng ban quản lý di tích đền cho biết: 

Việc phát huy giá trị các di tích kiến trúc bằng đá cũng được chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm qua việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống. Tại xã Yên Cường, vào ngày 13-8 âm lịch, chính quyền và nhân dân tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày kỵ của Triệu Việt Vương với nhiều hoạt động phong phú. Bên cạnh phần tế, lễ trang trọng, phần hội thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: Thi bắt trạch trong chum, thi kéo co, thi đẩy gậy… Ở xã Tân Thịnh, lễ hội Đền Đá được tổ chức với quy mô lớn, 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Lễ hội diễn ra vào đầu tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức tế, lễ, rước và nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của vùng văn minh lúa nước. Trong lễ hội, có tục giao hiếu giữa ba làng Nam Hà, Võ Lao Hạ, Võ Lao Thượng. Lệ này thể hiện quan hệ anh em của ba vị thần, khẳng định tinh thần đoàn kết, khăng khít giữa ba thôn.

Các kiến trúc bằng đá tại một số di tích tiêu biểu ở tỉnh ta có giá trị văn hoá bền vững, thể hiện công sức sáng tạo của các bậc tiền nhân. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình mang dấu ấn của các thời kỳ lịch sử vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện sự trân trọng, thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh tài năng, trí tuệ của cha ông./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 
 


Xem thêm bình luận