Mùa xuân, hơi cỏ thơm mát từ đầu làng thổi ràn rạt trên những mái ngói quanh năm rêu phủ. Từ đầu làng đến cuối xóm tiếng cười nói ríu rít, râm ran. Nhằm những ngày đầu năm ấm áp, mưa xuân lây rây hạt, làng tôi mở hội lớn. Cả làng tíu tít, bận rộn, hồ hởi hẳn so với thường ngày. Lễ hội năm nay ngoài phần chính là lễ thành hoàng còn có phần hát và một số trò chơi dân gian. Để chuẩn bị cho lễ hội, mẹ đã nghỉ việc đồng áng từ cách đó hơn một tuần và tham gia vào nhóm hát quan họ của xóm. Bố thì cùng với những người đàn ông khác đánh trần xẻ gỗ, ghép ván dựng sân khấu. Ông tôi đêm ngày bận rộn lo viết kịch bản, bố trí người tế lễ, đoàn rước kiệu... Đám trẻ con chúng tôi vừa thảnh thơi nhất nhưng cũng là “lực lượng” bận rộn nhất. Lũ tôi chạy khắp nơi nghe ngóng tình hình về lễ hội, chờ người lớn sai vặt hoặc đơn giản là bày trò nghịch ngợm. Cả làng cứ thế náo động…
Ngày chính hội, mới tờ mờ sáng đã nghe tiếng trống dồn dập, thúc giục ngoài sân đình rồi tiếng ông tôi thông báo chương trình lễ hội trên loa. Khi tôi còn lười nhác nằm trong chăn thì tiếng hát đã vang lảnh lót khắp thôn, tiếng bước chân người dồn dập đi về phía đình làng. Mắt mũi kèm nhèm, tôi bật dậy, chạy như bay, luồn lách qua từng đám người vào sân đình rồi bỗng khựng lại. Chao ôi, cái đình làng quanh năm rêu xanh phủ kín 4 đầu mái ngói hôm nay như được mặc áo mới, sạch sẽ, tươi rói sắc màu. Cờ đuôi nheo, cờ lễ xanh đỏ, hồng vàng chăng khắp lối. Sân đình vắng lặng nay chật như nêm. Hoa quả tươi, đồ lễ thơm nức được đặt ở những vị trí trang trọng. Ơ đây là bố và mẹ tôi đấy ư? Trong trang phục áo the, khăn xếp, váy tứ thân mớ ba mớ bảy, bố mẹ tôi biến thành những liền anh liền chị, thành những anh chàng, cô nàng duyên dáng hết sức. Sau làn nón nghiêng nghiêng, mắt mẹ tôi lúng liếng, sắc ngọt như dao cau cất tiếng hát: “Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa. Con mắt liếc lại, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Bố tôi từ một bên cánh gà tiến ra: “Anh còn son, em cũng còn son. Anh còn son, em cũng còn son. Ước gì ta được, ước gì ta được làm con một nhà. Anh về thưa với mẹ cha. Để đôi ta được làm con một nhà”… Người xem vỗ tay tán thưởng rào rào, có tiếng người hô, hát hay quá, như ca sĩ… Hội làng náo động suốt cả ngày lẫn đêm, đêm chính hội cả làng náo nức không ngủ. Nam thanh nữ tú hào hứng xung phong chơi những trò vật, nổ pháo đất, kéo co, bơi chải, cướp cờ... Có những đôi lặng lẽ rời hội tìm chỗ vắng người hò hẹn. Tiếng cười rúc rích, vui vẻ trong đêm khuya thanh vắng càng làm cho mùa xuân thêm nồng nàn.
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay. Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ. Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”, tiếng mẹ tôi hát nghe trên loa vẫn ngọt lắm, trẻ trung lắm lắm. Ông tôi bảo, trong thơ vậy thôi, chứ từ lễ hội làng, thể nào mùa xuân này cũng có người theo chồng bỏ cuộc chơi. Giờ ít có cô nào phải buồn, phải luyến tiếc như cô gái trong bài thơ kia. Để mỗi mùa hội về, làng tôi sau đó lại tưng bừng ăn mừng ngày “pháo đỏ, rượu nồng./.
Nguyễn Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin