Đền Bảo Ninh - một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng linh thiêng

09:37, 24/02/2023

Trong số các di sản văn hóa ở huyện Hải Hậu, Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương được nhiều người biết đến bởi có bề dày lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo cùng những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Sự trầm lắng, trang nghiêm thường ngày hay rộn ràng của lễ hội tại chốn thiêng - Đền Bảo Ninh đã tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống và trở thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Quang cảnh gác chuông Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương.
Quang cảnh gác chuông Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương.

Giá trị di sản văn hóa truyền thống đậm đặc

Đền Bảo Ninh là di tích lịch sử - văn hóa đươc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1999. Đền được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) được làm lại với quy mô như hiện nay. Đền Bảo Ninh tọa lạc tại xóm 10, trên một khu đất rộng rãi với tổng diện tích hơn 3.000m2 gồm nhiều công trình thờ tự liên đới thể hiện rõ phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Xung quanh đền bảo tồn được nhiều cây lưu niên, tạo cảnh quan di tích thêm phần uy nghiêm. Phía trước đền là hệ thống cột đồng trụ, nghi môn được tạo dáng đẹp, trang trí đa dạng các đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Khu thờ tự được xây dựng gồm 6 tòa với 30 gian lớn, nhỏ; trong đó, đền chính 15 gian, dáng dấp “tiền chữ Nhật, hậu chữ Công”. Hai bên Đền Bảo Ninh là Nhà thờ Tổ và Phủ thờ Mẫu đều được thiết kế kiểu chữ Đinh, có kiến trúc độc đáo, các chi tiết trang trí được chạm nổi cách điệu lá lật, long chầu mặt nguyệt, hổ phù, rồng bay, phượng múa, hoa lá, lưỡng long chầu nguyệt..., thể hiện tài nghệ điêu khắc độc đáo của các nghệ nhân xưa. Các công trình này đã góp phần bổ trợ, tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh. Ngoài vẻ đẹp quy mô kiến trúc, Đền Bảo Ninh còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị như: ngai, khám, nhang án, hoành phi, câu đối, đại tự… với nghệ thuật chạm khắc công phu, sơn thếp lộng lẫy. Theo các tư liệu, văn bia cổ hiện còn lưu giữ tại di tích, Đền Bảo Ninh là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Bát Hải Long Vương, Vân Hương Thánh Mẫu. Hải Hậu là mảnh đất được hình thành từ sự nghiệp khai hoang, lấn biển nên Đền Bảo Ninh còn thờ những người có công lao mở đất, lập làng: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (Tứ Tổ khai sáng), các họ: Lại, Nguyễn, Lê, Đỗ, Bùi, Phan, Đoàn, Trần, Vũ (cửu tộc khai cơ) cùng những thế hệ con cháu kế tiếp sau này, trong đó có nhà khoa bảng đầu tiên của quê hương Hải Hậu, người có công khai khẩn Tổng Quế Hải xưa (một trong 4 tổng ngày đầu thành lập huyện Hải Hậu năm 1888) - Tiến sĩ, Dinh Điền sứ Đỗ Tông Phát. Không chỉ là nơi thờ tự những người có công với quê hương, đất nước, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đền Bảo Ninh còn là cơ sở cách mạng, hội họp của Ủy ban Mặt trận Việt Minh, thường xuyên tổ chức các cuộc họp bí mật của tỉnh, huyện và là điểm tập kết của lực lượng bộ đội, dân quân du kích, cứu chữa thương binh, mai táng bộ đội và du kích hy sinh trong trận đánh bốt Văn Đàn và Đông Biên. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đền Bảo Ninh được Huyện ủy Hải Hậu chọn làm địa điểm mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, tổ chức kết đảng viên mới, rồi trở thành trụ sở làm việc, hội họp của hợp tác xã, sau đó dùng làm trường học cho con em địa phương.

Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 3 âm lịch, chính quyền và nhân dân xã Hải Phương lại long trọng tổ chức lễ hội Đền Bảo Ninh. Đây là dịp mở hội đông vui nhất tại đền nên người dân tất bật trang trí, dọn dẹp lại nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để chuẩn bị đường rước kiệu, đón bà con ở khắp mọi miền về dự hội truyền thống của quê hương. Cùng với các nghi thức tế lễ, rước kiệu trang trọng, lễ hội Đền Bảo Ninh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: cờ tướng, tổ tôm điếm, múa sư tử, hát chèo, hát văn, ngâm thơ… làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc

Trải qua hơn 150 năm tồn tại, Đền Bảo Ninh được chính quyền và nhân dân địa phương nhiều lần trùng tu, tôn tạo các hạng mục đã xuống cấp và xây dựng một số công trình phụ trợ cho di tích. 7 năm qua, ông Vũ Thanh Bình, thủ nhang Đền Bảo Ninh và Ban quản lý di tích cùng các tầng lớp nhân dân đã kêu gọi, phát tâm công đức, cúng tiến để xây dựng, tu bổ nhiều hạng mục công trình như: tháp chuông, hồ bán nguyệt, cổng chào và hệ thống đường đi vào khu di tích… Năm 2020, được sự đồng ý của các cấp chính quyền, Đền Bảo Ninh được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Về Đền Bảo Ninh, người dân không chỉ vãn cảnh di tích, lễ bái, tham dự lễ hội truyền thống mà còn được hòa mình vào không gian linh thiêng qua các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông Vũ Thanh Bình, thủ nhang Đền Bảo Ninh là một trong 5 nghệ nhân dân gian của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) loại hình tập quán xã hội, tín ngưỡng, có nhiều tâm huyết gìn giữ, kế thừa, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 thế hệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại ngôi đền thờ Thánh Mẫu (Thanh Linh Từ), xã Hải Thanh, nên từ nhỏ ông Bình đã được học hỏi, tham gia thực hành các nghi lễ hầu Thánh. Ông Bình là một trong những học trò tiêu biểu xuất sắc của thanh đồng, Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Duyên (Phủ Dầy) và được thụ pháp làm thầy (trình đồng, mở phủ) năm 2000. Nắm giữ những yếu tố quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, NNƯT Vũ Thanh Bình luôn tâm niệm và cố gắng gìn giữ, trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp hàm chứa trong dòng chảy của di sản qua năm tháng. Ông tích cực truyền dạy cho các học trò, đệ tử những kỹ năng, kiến thức các vấn hầu, phép tắc chuẩn mực trong thực hành các nghi lễ, các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Học trò của ông đều là những đồng đền, thủ nhang, thanh đồng sinh hoạt tại khắp các đền, phủ, điện trong và ngoài tỉnh.

Thủ nhang Đền Bảo Ninh, NNƯT Vũ Thanh Bình cho biết: “Nghi thức hầu Thánh (hầu đồng) trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự giao tiếp của các thanh đồng, đệ tử - những người có “căn” với các bậc tiên thánh tiền nhân để gửi niềm tin, khát vọng, cầu mong cuộc sống bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong học tập, lao động và công tác. Người hầu đồng cần phải có tâm trong sáng, giữ gìn kiêng kị, ăn chay, tránh sát sinh trước khi thực hành các vấn hầu, đặc biệt phải thành tâm, an tưởng thì mới được Thánh giáng. Đối với người hầu đồng, một năm có nhiều khóa lễ để hầu đồng như: hầu xông đền chào năm mới, hầu tiết Thượng nguyên, hầu ngày tiệc của các vị Thánh, hầu nhập hạ, tán hạ, hầu tất niên và đặc biệt là hầu vào dịp tháng ba giỗ Mẹ”.

Năm 2021, Hội Bảo vệ và Phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt huyện Hải Hậu được thành lập gồm hơn 150 hội viên là những thanh đồng, đạo quan, pháp sư, cung văn, hầu dâng và những người tâm huyết với di sản tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn huyện. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội, NNƯT Vũ Thanh Bình cùng các hội viên đã đẩy mạnh quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đúng đắn, tránh phô trương.

Giá trị văn hóa truyền thống gắn với di tích lịch sử - văn hóa Đền Bảo Ninh vẫn đang được các thế hệ người dân, các nghệ nhân dân gian gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng hôm nay; góp phần quy tụ cộng đồng, con cháu../.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com