Hiệu quả tích cực từ công tác xã hội hóa hoạt động của hệ thống thư viện

08:25, 24/02/2023

Thư viện là một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đọc, nâng cao tri thức của các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động của hệ thống thư viện phù hợp điều kiện thực tế địa phương, giúp giảm ngân sách Nhà nước, khuyến khích, động viên các cá nhân, tập thể tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thư viện là một trong những giải pháp quan trọng được xác định trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg năm 2017.

Học sinh Trường THCS Hồng Thuận (Giao Thủy) đọc sách tại thư viện của nhà trường.
Học sinh Trường THCS Hồng Thuận (Giao Thủy) đọc sách tại thư viện của nhà trường.

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu của độc giả trong tình hình mới, Thư viện tỉnh đã không ngừng sáng tạo, mở rộng phạm vi hoạt động, tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đa dạng các nguồn sách, báo, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước vào nhiệm vụ phát triển vốn tài liệu, nhờ tích cực liên hệ, vận động các thành phần kinh tế - xã hội chung tay phát triển văn hóa đọc, mỗi năm, Thư viện tỉnh tiếp nhận trung bình từ 1.000-1.500 bản sách từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà xuất bản trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, gia đình cố Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Tú Châu đã trao tặng tủ sách với trên 700 cuốn sách cùng nhiều báo, tạp chí, kỷ yếu cho kho tư liệu Thư viện tỉnh. Tủ sách gồm nhiều cuốn sách là những công trình nghiên cứu chuyên sâu, được sưu tầm, tổng hợp trong 40 năm công tác tại Viện Văn học Việt Nam của nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Tú Châu; trong đó có nhiều đầu sách có giá trị về văn học Việt Nam, cùng nhiều bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Việt, Hán Nôm… Cũng trong năm 2018, Nam Định là 1 trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước được nhận hỗ trợ xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện (tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng) từ Dự án “Xe ô tô thư viện lưu động - Ánh sáng tri thức” do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai. Với xe ô tô thư viện lưu động, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ sách, báo lưu động đến các địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin, tri thức, hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là học sinh từ thành thị đến nông thôn và các vùng ven biển.

Trong các năm 2019-2020, Thư viện tỉnh đã nhận được sự tài trợ ủng hộ sách báo, trang thiết bị từ các công ty, doanh nghiệp như: Công ty Tài chính Prudential Việt Nam đã trao tặng 1.300 cuốn sách cùng các trang thiết bị với tổng trị giá 100 triệu đồng từ Dự án “Tủ sách ước mơ” nhằm gia tăng kết nối với cộng đồng các địa phương; Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà trao tặng gói trang thiết bị với tổng trị giá 100 triệu đồng bao gồm: 10 giá, kệ sách, 2 điều hòa, 2 máy hút ẩm, vẽ tranh tường trang trí; Tập đoàn Bệnh viện và Phòng khám đa khoa Việt - Mỹ trao tặng 1.260 cuốn sách… Nhờ tài trợ từ nguồn xã hội hóa, Thư viện tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Phòng đọc thân thiện” cho bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi, tạo bước đột phá trong công tác phục vụ trẻ em đến đọc sách. Phòng đọc thiếu nhi được nâng cấp, cải tạo theo hướng thân thiện, trở thành không gian đọc nhiều màu sắc, tạo hứng thú cho học sinh khi đến Thư viện tỉnh đọc sách, học tập, giải trí, nhất là trong dịp hè. Cùng với việc vận động tài trợ sách, báo, tư liệu, trang thiết bị, Thư viện tỉnh tích cực huy động các cơ quan, đơn vị tham gia phục vụ sách, báo, thực hiện vận động, tuyên truyền, khuyến khích phát triển văn hóa đọc bằng nhiều hình thức; phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc tham mưu, triển khai hiệu quả nội dung các chương trình phối hợp trong lĩnh vực thư viện giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh... Thông qua hoạt động liên kết, công tác luân chuyển tài liệu, sách, báo giữa Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện, phòng đọc cơ sở và phục vụ thư viện lưu động đến các địa phương, trường học ngày càng được đẩy mạnh, góp phần lan tỏa rộng khắp phong trào đọc và làm theo sách, khơi dậy tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển văn hóa đọc có nhiều chuyển biến, đã phát huy giá trị, vai trò của sách trong đời sống xã hội. Việc nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc của hệ thống Thư viện từ tỉnh đến cơ sở trở thành nhiệm vụ chung, có sự tham gia của đông đảo các thành phần xã hội. Hưởng ứng chương trình “Sách hóa nông thôn” do Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng (CKACD) phát động từ năm 2007 các địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn lực to lớn từ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để xây dựng hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, các mô hình: “Tủ sách làng văn hóa”, “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách giáo xứ”… được xây dựng, duy trì hoạt động tốt, phát huy được hiệu quả của văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Được truyền cảm hứng từ chương trình “Sách hóa nông thôn”, nhiều người tham gia hoạt động thiện nguyện ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành những hạt nhân tích cực đưa tri thức về cơ sở. Ở huyện Ý Yên, các doanh nhân của huyện tại Hà Nội không chỉ tài trợ mà còn tham gia hướng dẫn quản lý và luân chuyển, giữ gìn sách. Ở huyện Giao Thủy, từ sự tài trợ của Hội Cựu học sinh Giao Thủy, nhiều trường học trên địa bàn có tủ sách lớp học đồng bộ… Chương trình “Sách hóa nông thôn” được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai với nhiều mô hình như: “Tủ sách phụ huynh” (Hải Hậu), “Tủ sách lớp học” (Nam Trực), “Tủ sách khởi nghiệp” (Giao Thủy)… Việc đưa sách đến từng lớp học trong các nhà trường không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được đọc sách, mượn sách mà còn kích thích sự tò mò, sáng tạo, học và làm theo sách. Đến nay, toàn tỉnh có 10 thư viện cấp huyện, thành phố, 4 thư viện cấp xã, hơn 1.400 phòng đọc, tủ sách cơ sở (226 tủ sách pháp luật, 198 điểm Bưu điện văn hóa xã có phục vụ sách, báo; hơn 900 tủ sách làng, thôn, xóm, tổ dân phố) và 3 thư viện tư nhân phục vụ phong trào đọc sách của cộng đồng, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện trường và hơn 10 nghìn tủ sách lớp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện thông minh, thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho, mượn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Xã hội hóa các hoạt động của hệ thống thư viện không chỉ khai thác tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp thư viện mà còn thể hiện tinh thần tự chủ, sáng tạo của các thư viện trước những yêu cầu thực tế mới. Để tăng cường hiệu quả xã hội hóa, thời gian tới, hệ thống các thư viện trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò và vị thế của thư viện và sách trong đời sống văn hóa xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm đầu tư và nâng cao tinh thần sẻ chia trách nhiệm xã hội trong tạo lập và cải thiện môi trường đọc, học tại thư viện. Tham mưu cho các cấp chính quyền tạo dựng cơ chế, chính sách thích hợp về xã hội hóa các hoạt động thư viện; đảm bảo thực hiện tốt chính sách động viên khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cả về nhân lực, vật lực và tài lực cho hoạt động thư viện; từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc hiệu quả và bền vững./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com