Xuân trên những trang báo Tết xưa

12:01, 22/01/2023

Mùa xuân là thời điểm quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm, là lúc mỗi tờ báo khoác lên mình những gam màu đẹp nhất, những nội dung đặc sắc gửi gắm một niềm mong ước về một năm mới thành công hơn. Không chỉ là thời điểm để mỗi tờ báo ôn lại những cái cũ, những bài báo Xuân còn là dịp để biết thêm những điều mới, tiếp thêm sức mạnh mới. Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại một số thi vị, sắc Xuân xưa qua những trang báo Tết đầy màu sắc, cảm xúc của những năm đầu thế kỷ XX của báo chí Việt Nam.

1. Từ những trang báo Xuân

Qua một số tờ báo xưa, người đọc phần nào có thể hình dung được phong vị đặc biệt của các số báo Tết, đó là điểm nhấn hay nói cách khác, là sự khác biệt so với các số báo thường ngày cả về nội dung và hình thức. Hầu hết báo Xuân đều tập trung nhiều nhất vào chủ đề phong tục tập quán của ngày Tết: Tờ báo làm số Xuân đầu tiên có lẽ chính là Tạp chí Nam Phong với số đặc biệt Tết năm 1918. Nhà báo Phạm Quỳnh, Chủ bút đã có lời nói đầu trong số báo đặc biệt này như sau: “Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ẩm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”.

Bên cạnh những bài viết cảm tác về năm mới của Chủ bút, tạp chí chúc mừng cho năm mới, Nam Phong cũng dành phần cho những trang thơ, câu đối, những bài hát nói (hát xuân) và những bài phú... Tất cả đều mang đậm phong vị về một mùa xuân có từ bao đời nay và luôn được thế hệ sau kế thừa và tô thắm thêm.

Hay như trên Báo Trung Bắc Chủ Nhật do Nhà báo Nguyễn Doãn Vượng làm Chủ nhiệm, xuất bản tại Hà Nội, Nhà báo Vũ Bằng trong bài Xuân không có tuổi đã có những ngôn từ hết sức thắm thiết khi nói về mùa Xuân đăng trên số báo Tết năm 1942 như:

“Hoa và lá đu đưa, tiếng vàng tiếng bạc xen lẫn nhau tạo nên một khúc nhạc lạ lùng không có ai nghe thấy cả, chỉ có người viết báo mộng một buổi sớm xuân nghe thấy rõ mà thôi: “Chàng trẻ tuổi ngủ mà làm gì nữa! Anh ca tụng chúng tôi trong những bài báo xuân tốt đẹp, lẽ nào anh lại không có lúc tin rằng xuân đẹp thực du? ... Tết là cái mốc của thời gian đánh dấu một đời người. Xuân về để nhắc lại cho ta rằng dù chân lấm tay bùn, người ta đôi lúc vẫn phải nhớ tôn thờ cái đẹp...”.

Không những thế, mùa Xuân còn là niềm hy vọng, khát khao mãnh liệt về những mong ước cháy bỏng của mỗi con người về một ngày mai tươi sáng hơn:

“ Chúng tôi chúc năm mới sẽ là năm đầu dân ta được êm thấm hưởng cái sự tự do nền tảng của chủ nghĩa cộng hòa. Người An Nam sẽ tự do đi lại làm ăn trên đất nước An Nam, tự do lập hội để mưu việc ích chung, tự do lập chính đảng để hộ vệ cho lý tưởng của mình. Báo chí sẽ được tự do như chim trời, không có người trói chân, cắt cánh, để mặc cho bay tuyệt mù khơi”. (1936-1937, Nhà báo Hoàng Đạo, Báo Ngày Nay, số Xuân năm 1937).

Báo Ngày Nay là một trong những tờ báo được nhiều người đón đọc và có lượng phát hành lớn lúc bấy giờ bởi nội dung phong phú, châm biếm sâu cay những trò lố lăng, kệch cỡm lúc bấy giờ. Báo được trình bày và in ấn rất đẹp, nội dung bài vở bên trong khá phong phú, quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng hàng đầu trong làng văn miền Bắc thời đó (Ngày Nay là tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi tiếng ở Hà Nội). Còn phần tranh vẽ minh họa do các họa sĩ nổi tiếng thời đó trình bày: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Ấn tượng của người đọc khi cầm tờ báo Ngày Nay trên tay là những bức họa đầy màu sắc, được in ấn công phu bởi nhà in lớn nhất Đông Dương là Viễn Đông Ấn Quán. Bằng công nghệ in có thể nói là tối tân lúc bấy giờ, nhà in có thể giữ được nguyên vẹn nét bút và gam màu trên tranh của họa sĩ. Có rất nhiều những bức vẽ trên bìa báo Ngày Nay đã trở thành tác phẩm để đời của các họa sĩ nổi tiếng: Vườn Xuân - Nguyễn Gia Trí, Dưới hoa - Trần Văn Cẩn, Ba thiếu nữ - Tô Ngọc Vân...

Trong số báo Xuân năm 1940 của Báo Ngày Nay, có nhiều bài viết về Xuân xưa, dư vị và những câu chuyện về ngày xuân được các tác giả thể hiện vô cùng cảm xúc bởi lối hành văn của những tên tuổi lớn: Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ. Đó là: “Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại, người ta thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi, nhất những Tết ngày còn nhỏ. Lúc ấy cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là vô tư lự, ngây thơ và sung sướng...”. (Nghệ thuật ăn Tết, Thạch Lam). Hay như bài Đĩa mứt văn chương, một món quà ngày Tết do Hoàng Đạo, Khái Hưng, Lê Ta, Thạch Lam viết tặng các bạn đọc trong dịp đặc biệt này. Các nhà văn còn tự minh họa các hình vẽ làm cho “đĩa mứt” có thêm nhiều vị khác nhau. Trong mục Vườn thơ, có nhiều bài thơ Xuân của các thi sĩ nổi tiếng: Huy Cận, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ, đặc biệt là bài thơ Ma túy bản viết tay của Thế Lữ... khiến số báo Xuân trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

2. Đến đời sống thực của các nhà báo mỗi dịp Tết đến, Xuân về

Mùa Xuân là khởi đầu cho một năm mới, là ngày mà theo dân gian thì “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết”.  Tuy nhiên trong thời kỳ Pháp thuộc, không phải tờ báo và nhà báo nào cũng có một cuộc sống tươm tất, đầy đủ để có thể lo cho một cái Tết được sung túc. Có nhiều tờ báo yêu nước hoặc có xu hướng yêu nước đều bị kiểm duyệt gắt gao, bản thân nhiều vị Chủ nhiệm và nhà báo còn bị cầm tù hoặc phải ngược xuôi tìm bến đỗ. Trong bài viết Mơ về những cái Tết xa xưa với những anh em văn nghệ tiền chiến của Nhà báo Vũ Bằng đăng trên Tạp chí Văn Học, số Xuân năm 1971, ông cho biết: “Nói cho đúng ra, Tết ở Hà Nội bắt đầu từ hai mươi ba tháng Chạp tức là ngày ông Táo lên chầu trời. Tôi nhớ ngày ấy nhất, là vì trong giới văn chương báo chí tiền chiến, báo Tết đúng vào ngày hôm đó, anh em xong việc, đút tiền vào túi cẩn thận rồi chỉ còn việc ăn chơi cho “đã” để trả thù những ngày tháng nặng nề moi tim óc ra để viết mua vui cho thiên hạ”. Cũng trong bài viết trên, Nhà báo Vũ Bằng đã phải cay đắng nhìn nhận một vấn đề thực tế vào thời điểm đó đối với các nhà văn, nhà báo khi mỗi độ Tết đến, Xuân về, chỉ có số ít nhà báo, nhà văn “có điều kiện” thì Tết là thời gian để họ vui và chơi hết mình, còn phần lớn anh em văn nghệ sĩ chịu cảnh chung là: đói dài. Có người không có gạo ăn, không có trà uống nhưng họ là những người vẫn giữ trong mình nhân cách “đặc biệt” “Vẫn hách, không thèm than thở với ai, ngồi trên gác trọ làm thơ chửi đổng và cho thế là kỳ thú”.

Nhà báo Vũ Bằng cho biết thêm: “Tôi nhớ lại lúc làm báo Tương Lai, vẫn thường đi lại chơi bời ở Báo Travail đầu đường Phạm Phú Thứ. Cả hai báo cùng nghèo cả, có người gần Tết thì về với họ hàng, có người về quê, nhưng cũng có người không biết về đâu cả, đành trải báo xuống sàn gác, nằm khoèo ngủ, sau khi đã ăn ba bốn cái bánh mỳ hai xu một lúc và uống cả một bình nước trà tươi”. Hay: “Tôi biết có những cái tết mà Việt Quyên Trần Văn Lượng (chuyên về thơ hài hước) không có đến hai đồng bạc trong nhà, Vũ Trọng Phụng ao ước có một nồi thịt đông để ăn với dưa chua mà không có, Nam Cao lấy tiền nhuận bút về trả nợ và sắm cho con mỗi đứa một cái quần, cái áo thì nhẵn củ tỏi, mồng Một Tết chỉ có một cái bánh chưng và một đĩa rau cải luộc ăn cơm”.

Những nhà báo, văn nghệ sĩ như những con tằm nhả tơ, bảo là gàn cũng được nhưng họ có một lý tưởng để phục vụ: Phục vụ nhân dân và có một niềm tin để theo đuổi. Dẫu cho khổ là vậy, đói là thế, đầy rẫy áp lực đè năng trên vai họ nhưng họ vẫn tin về một ngày mai tươi sáng hơn và chính họ là những người góp phần vào công cuộc vĩ đại là làm nên những trang lịch sử mới, thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

Những trang báo Xuân xưa là sự pha trộn của những gam màu tươi sáng, thể hiện niềm tin, mong ước về một ngày mai no ấm, tự do của một dân tộc, đất nước bị nô lệ bởi thực dân và chế độ phong kiến bạc nhược, suy tàn. Là những lời vàng ý ngọc hoặc những lời gan ruột của những nhà báo yêu nước đặt niềm tin vào tương lai của dân tộc mỗi độ sang Xuân. Dù thế nào đi nữa, đó đều là những thanh âm của mùa Xuân, mùa khởi đầu của những ước mong và hy vọng./.

Nguyễn Ba



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com