Trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt, khắc nghiệt nên nhu cầu sử dụng điều hòa không khí của người dân, đặc biệt ở thành thị ngày càng tăng cao, mỗi gia đình trang bị ít nhất một bộ điều hòa. Vì thế, mỗi dịp hè đến, thợ điện lạnh lại tất bật, ngược xuôi phục vụ khách hàng, nhọc nhằn mà... vui vì thu nhập cao, bù cho những tháng “chơi” dài.
Gắn bó với nghề điện lạnh, anh Đỗ Xuân Dương (thành phố Nam Định) thường xuyên phải làm việc ở môi trường ngoài trời nắng nóng. |
Quệt mồ hôi chảy dài trên mặt, anh Đỗ Xuân Dương, thợ điện lạnh chuyên nghiệp của Trạm bảo hành Thành Đạt (thành phố Nam Định) với gần chục năm thâm niên trong nghề chia sẻ: “Nghề này làm theo mùa, mùa hè cũng là mùa cao điểm của thợ điện lạnh. Thông thường từ đầu tháng 3 đến hết tháng 7, thậm chí có năm sang cả tháng 8, tháng 9 thợ điện lạnh phải chạy bở hơi tai mới kịp phục vụ khách hàng”. Nghề nào cũng có sự vất vả, nhọc nhằn riêng của nó! Dưới cái nắng hừng hực như đổ lửa, mồ hôi vã ra như tắm, anh Dương cùng với 1 thợ khác vẫn mải miết bắt chân giá, lắp đặt cục nóng ngoài trời rồi kiểm tra máy móc trước khi hoàn thành công đoạn cuối là thử máy. Lượng đơn hàng lắp đặt mới hoặc sửa chữa, bảo trì luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu” nên không cho phép họ chậm trễ. Sức khỏe và sức chịu đựng của thợ điện lạnh được thử thách khắc nghiệt dưới cái nóng gay gắt của mùa hè. Vào mùa cao điểm, thông thường một ngày làm việc của thợ điện lạnh bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến tận nửa đêm. Phơi mình liên tục dưới nắng ngoài trời, nhiều anh em thợ điện lạnh nói vui, một ngày làm việc được “tắm” hơn chục lần bởi phải “rang mình” dưới cái nắng bỏng rát, nền bê tông hấp nhiệt phả ra hơi nóng đến khó thở, không có lấy một chút gió mát. Mồ hôi vã ra như tắm nhưng lại nhanh chóng bị cái nắng thiêu đốt làm cho khô cong chỉ trong 2-3 phút đồng hồ. Lắp xong cục nóng bên ngoài, vào nhà, mắt như “mù” tạm thời, nhìn mọi vật xung quanh đều một màu đen do lóa vì ở quá lâu ngoài trời nắng chói chang, phải nghỉ giải lao 10-15 phút để giúp mắt trở về trạng thái bình thường. Ngày cao điểm, thời gian chạy xe trên đường từ nhà này tới nhà khác là “thời gian vàng” để họ lấy lại sức, tiếp tục gồng mình dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Đó là còn chưa kể đến những rủi ro, nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn khi môi trường làm việc thường xuyên phải leo trên cao, vị trí lắp đặt hiểm trở, các vấn đề an toàn điện, cháy nổ, khói bụi khi thi công lắp đặt thiết bị... Chính vì thế, nghề điện lạnh vào lúc đắt khách, thợ thu nhập tiền triệu mỗi ngày, hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng không có mấy người trụ được nhiều năm với nghề. Để đảm bảo an toàn và linh hoạt khắc phục sự cố hỏng hóc của điều hòa, bản thân thợ điện lạnh thường xuyên phải được trau dồi nâng cao nghiệp vụ và tự trang bị những thiết bị bảo hộ an toàn lao động để yên tâm làm việc, giảm thiểu những tình huống đáng tiếc xảy ra. Anh Dương tâm sự: “Chỉ những người trẻ, khoẻ, lành nghề và có tinh thần trách nhiệm cao mới có thể bám trụ lâu dài được với nghề này”.
Dạo qua một số cửa hàng chuyên sửa điện lạnh tại ngã tư Mạc Thị Bưởi - Trường Chinh, Giải Phóng... dịp này hầu như cửa hàng nào cũng tấp nập thợ vào ra xách phụ kiện điều hòa trên tay, xung quanh thợ luôn bày sẵn 2-3 máy đang được bảo dưỡng, sửa chữa. Anh Phạm Văn Tiến, chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị điện trên đường Mạc Thị Bưởi (thành phố Nam Định) cho biết: “Nghề điện lạnh cũng là nghề ăn đong, vất vả và lắm nguy hiểm. Từ khi bắt đầu vào hè cho đến khi hết mùa, hầu như ngày nào nhóm thợ của anh cũng phải tất bật với công việc. Ngày nào công việc của anh cũng bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và có những hôm đến tận 10-12 giờ đêm mới kết thúc”. Để phục vụ nhu cầu của người dân, giờ làm việc của thợ cũng rất đặc biệt. “Những ngày trong tuần khách bận đi làm, thường hay đi vắng nên chúng tôi phải tận dụng làm vào sáng sớm, giữa trưa hoặc buổi tối. Những ngày cuối tuần thì phải làm hết công suất thì mới hết việc; có hôm đành phải từ chối khách vì quá đông, sợ không dám đảm bảo chất lượng, mất uy tín” - anh Tiến cho biết thêm.
Ngược lại với mùa hè cao điểm, đến mùa đông, thợ điện lạnh lại “chơi” dài, một ngày chỉ đôi ba khách gọi. Thời điểm này, các thợ điện lạnh sẽ chuyển sang sửa chữa, lắp đặt các thiết bị điện khác như: lò vi sóng, máy giặt, máy rửa bát, máy sưởi, máy bơm, các vật dụng nhỏ, hoặc nhận lắp đặt theo công trình để kiếm thêm thu nhập với giá dao động từ 200-400 nghìn đồng/ca tùy thuộc vào “bệnh” của máy. Nghề này có tính cạnh tranh khá cao, thợ điện lạnh phải nắm vững nguyên lý hoạt động thiết bị và thành thạo về kỹ thuật để có thể “bắt bệnh” chính xác, từ đó nhanh chóng xử lý chuẩn xác. Nếu không bắt đúng bệnh để sửa thì mất uy tín và cũng mất khách luôn. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có tình trạng cơ sở dịch vụ “chặt chém” khách hàng, lấy cắp bộ phận hay thay thế phụ kiện kém chất lượng, kê thêm “bệnh” cho máy khi sửa chữa. Anh Tiến khẳng định: “Chúng tôi làm việc luôn đặt chữ tín, chữ tâm lên hàng đầu, không bao giờ làm những việc thiếu lương tâm “chộp giật” như vậy. Cách làm đó chỉ được một đôi lần, “tiếng dữ bay xa” khó tồn tại ở môi trường cạnh tranh như hiện nay. Đặc biệt với những nhân viên làm việc chuyên nghiệp cho các hãng thì họ lại càng phải cẩn thận nên chẳng có ai dám ăn chặn hay móc túi của khách hàng cả”.
Công việc sửa chữa điện lạnh vất vả, khó khăn như vậy nên nhiều sinh viên thường không muốn theo nghề. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cũng gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, theo những người thợ như anh Dương, anh Tiến thì công việc nhiều vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui, đó là sự tin tưởng, là những cái bắt tay, những lời cảm ơn của khách hàng, niềm vui của con trẻ khi đón làn khí lạnh mát rượi từ điều hòa xua tan đi cái nóng khắc nghiệt của mùa hè. Làm nghề nào cũng vậy, cũng cần có cái tâm, cần sự nhiệt huyết để có thể sống tốt với nghề được./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin