Nơi lưu giữ những tư liệu, hình ảnh quý về Bác Hồ

08:28, 19/05/2023

Nằm ở trung tâm thành phố Nam Định giữa một không gian rợp bóng cây xanh mát, Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam là lưu trữ những hình ảnh, hiện vật, tái hiện lịch sử truyền thống tự hào của ngành Dệt may cả nước nói chung, dệt may Nam Định nói riêng trong hơn 1 thế kỷ qua. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn nhiều hình ảnh, kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ trong những lần Người về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định.

Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.
Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam ở số 5, đường Hoàng Hoa Thám, giới thiệu tỷ mỷ từng khu trưng bày, hướng dẫn viên Phạm Thị Thu Hà, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Em thân thuộc nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Công việc hướng dẫn viên Nhà truyền thống đối với em lúc nào cũng mới mẻ, thu hút, bởi phía sau mỗi hiện vật được trưng bày đều là những câu chuyện, sự kiện lịch sử. Em thích nhất là khu vực trưng bày các hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Thông qua những hiện vật được trưng bày, giúp em có cơ hội hiểu sâu sắc hơn con người Bác, những lần Bác về thăm nhà máy, tình cảm Bác Hồ dành cho Nam Định nói chung, ngành Dệt may nói riêng”. Nhà truyền thống ngành Dệt may được Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiếp quản từ khu nhà truyền thống của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định. Công trình được cải tạo, xây dựng từ năm 2010, hoàn thành năm 2012. Đây cũng chính là cái nôi của ngành Dệt may Việt Nam và là nơi lưu giữ những giá trị, hiện vật thể hiện truyền thống chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, công nhân ngành Dệt may 

Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định) tìm hiểu các hiện vật về Bác Hồ được trưng bày tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định) tìm hiểu các hiện vật về Bác Hồ được trưng bày tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.

Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam có tổng diện tích 1,2ha. Hiện nay, toà nhà vẫn còn lưu giữ được những dấu ấn kiến trúc cổ của Pháp. Toà nhà gồm nhiều gian, trong đó mỗi gian có một chủ đề trưng bày riêng biệt. Đa phần các hiện vật trưng bày trong Nhà truyền thống đều giữ được sự hài hòa, cân đối giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại nhằm phản ánh sự phát triển của ngành Dệt Nam Định nói riêng và ngành Dệt Việt Nam nói chung thông qua các thời kỳ khác nhau thể hiện tinh thần anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới. Ngoài việc trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về lịch sử Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định từ thời Pháp thuộc như: Bức thư của những người công nhân gửi ông chủ khi bị đánh đập, chà đạp; hình ảnh các khu xưởng sợi dệt thời Pháp thuộc, tại đây, còn trưng bày những vũ khí đã được Trung đoàn tự vệ của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định dùng để chiến đấu với giặc Mỹ, bảo vệ nhà máy… Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam còn dành khu vực trung tâm, trang trọng nhất để trưng bày các hình ảnh, kỷ vật về Bác và những tình cảm của công nhân ngành Dệt may với Bác Hồ, những di vật ghi lại lời căn dặn sâu sắc của Bác đối với tập thể cán bộ, công nhân nhà máy khi Người về thăm. Có thể kể đến các kỷ vật, di vật: Phòng nghỉ của Bác khi về thăm nhà máy vào các năm 1957, 1963; những bức ảnh tư liệu quý về cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt vui mừng đón Bác về thăm vào ngày 24-4-1957; Bác Hồ thăm phân xưởng dệt năm 1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh xem các sản phẩm của nhà máy năm 1957; Bác Hồ thăm nhà mẫu giáo dành cho con em cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định năm 1963; những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh nói chung, công nhân ngành Dệt may nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… 

Chiếc ghế đá Bác Hồ từng ngồi, nói chuyện được trưng bày tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.
Chiếc ghế đá Bác Hồ từng ngồi, nói chuyện được trưng bày tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.

Trong số những kỷ vật mà Nhà truyền thống lưu giữ trong 3 lần Bác thăm nhà máy, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với căn phòng Bác từng nghỉ. Căn phòng Bác nghỉ ngơi nhỏ hơn so với các căn phòng khác trong khu nhà. Căn phòng được sắp xếp, bày trí rất đơn sơ, giản dị với các đồ dùng, vật dụng thường nhật hàng ngày như: giường ngủ, hai bên giường có hai tủ gỗ nhỏ để Bác đặt những đồ dùng cá nhân. Ngay sát giường ngủ của Bác là bộ bàn ghế làm việc. Trong thời gian nghỉ tại đây, Người đã làm việc trên chiếc bàn này, đưa ra những quyết sách quan trọng cho dân tộc, những Huấn thị dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, cũng như cho Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Bên cạnh giường ngủ, cạnh lối ra hiện còn trưng bày chiếc mũ cối, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su của Bác. Đây là những đồ vật được Bác sử dụng trong một lần về thăm, làm việc với nhà máy. Phía trước giường ngủ, cạnh cửa sổ còn kê bộ bàn ghế tiếp khách, được làm bằng gỗ, gồm một bàn, hai ghế… Hiện nay, phía trên tường gần bàn làm việc còn trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với những dấu ấn, bút tích của Bác tại Nam Định như: Mẫu cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nhà máy Dệt Nam Định làm để tặng cho Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 nước và 2 nhà máy. Trên mẫu cờ có bút tích sửa chữa của Bác. Bản dự thảo giao ước thi đua của nhà máy Dệt, trong đó có bút tích sửa chữa của Bác ngày 4-4-1963. Đặc biệt là Bức điện báo chúc Tết Bác Hồ gửi công nhân và cán bộ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, ngày 28-12-1963. Trong bức điện có đoạn viết: “… Bác thân ái gửi lời khen công nhân và cán bộ đã thi đua thực hiện tốt kế hoạch năm 1963 trước thời hạn. Bác chúc các cô, các chú năm mới vui vẻ, mạnh khỏe và cố gắng thi đua để giành thắng lợi to hơn nữa theo kịp anh chị em nhà máy dệt Bình Nhưỡng…”

Thăm căn phòng Bác từng ở, từ khung cửa sổ nhìn ra, vẫn còn đây cây muỗm tán đã cao vượt cửa sổ. Dưới gốc cây muỗm già này là chiếc ghế đá Bác từng ngồi trao đổi công việc với các đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong lần cuối Bác về thăm Nam Định. Sau hơn 60 năm, cây muỗm khi xưa ngày càng xanh tốt, cành lá xum xuê, toả bóng mát. Chiếc ghế đá Bác ngồi nói chuyện vẫn được các cán bộ, nhân viên Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam bảo quản, giữ gìn. Vào những dịp quan trọng, khách phương xa đến tham quan Nhà truyền thống lại được các hướng dẫn viên dẫn ra đây, giới thiệu kỹ càng “lai lịch”, từ đó có thêm tư liệu, kiến thức để hiểu sâu hơn về con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch.

60 năm kể từ lần cuối Bác Hồ về thăm Nam Định, căn phòng cũng như các hiện vật, tài liệu Bác Hồ về thăm Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định vẫn luôn được cán bộ, nhân viên Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam nâng niu, trân trọng, gìn giữ, bảo quản với tất cả tấm lòng tôn kính, tri ân. “Chúng tôi xác định đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong việc tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, những tình cảm ấm áp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định nói chung, cán bộ, công nhân ngành Dệt may nói riêng”, chị Hà khẳng định./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com