Mật ngọt từ rừng sú, vẹt
.

Mật ngọt từ rừng sú, vẹt

07:42, 02/06/2023

 

Nằm ở vùng ven biển của huyện Giao Thủy, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy là một bãi bồi rộng lớn, có diện tích tự nhiên hơn 7.000ha có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với cánh rừng sú, vẹt xanh rộng lớn bao quanh. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 7, những cánh rừng sú, vẹt nở hoa thơm ngát. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để người thợ nuôi ong tất bật với công việc, cùng đàn ong cần mẫn tạo ra những giọt mật vàng sánh, thơm ngon.

Hoạt động khai thác mật ong từ rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy bắt đầu xuất hiện từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Mùa vụ khai thác mật ong rừng sú, vẹt VQG Xuân Thủy bắt đầu từ tháng 4 đến đầu tháng 5 và từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7. Vào mùa vụ khai thác mật sú, từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, các hộ nuôi ong đặt tổ ong tại khu vực đầu Cồn Ngạn, vùng đệm VQG, thuộc phân khu quản lý hành chính của xã Giao Thiện và Giao An là khu vực có diện tích và số lượng cây sú lớn nhất tại khu vực. Các tổ ong thường được đặt nằm sát rừng với khoảng cách từ 300-500m.

 

Từ tháng 4 đến tháng 7 là thời điểm lý tưởng để những người thợ nuôi ong đưa đàn ong về Vườn Quốc gia Xuân Thủy lấy mật.

 

Vào mùa khai thác vẹt, các hộ nuôi ong di chuyển đàn ong tới các vị trí rừng ngập mặn có nhiều cây vẹt để thuận tiện cho việc khai thác. Phần lớn các hộ sử dụng giống ong ngoại để khai thác mật vì ong ngoại có sức đẻ trứng trung bình cao, thế đàn lớn nên cho năng suất và chất lượng sản phẩm lớn hơn nhiều so với ong nội. Số người nuôi ong và số lượng đàn ong khai thác mật ong sú vẹt tại VQG có xu hướng tăng lên theo từng năm.

Phần lớn các hộ sử dụng ong ngoại để khai thác mật vì ong ngoại có sức đẻ trứng trung bình cao,
đàn lớn nên cho năng suất và chất lượng sản phẩm lớn hơn nhiều so với ong nội.

 

Đến nay, có khoảng 20 hộ nuôi với trên 4.500 đàn ong về lấy mật. Đồng chí Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: “Năm 2021, VQG Xuân Thủy đã thành công trong việc tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” cho sản phẩm mật ong của VQG Xuân Thủy.

 

Ong làm tổ vào khung gỗ được đặt trong thùng (hay còn gọi là cầu ong).

 

Hiện nay, mật ong sú vẹt VQG Xuân Thủy có 2 loại chính là loại truyền thống và loại được chế biến hạ thủy phần. Sản phẩm mật ong nguyên chất là mật ong được khai thác từ các cầu ong bằng dụng cụ thủ công, mật được lọc tạp chất, đóng gói, nhãn mác và bảo quản theo tiêu chuẩn. Mật được chế biến hạ thủy phần là sản phẩm mật ong truyền thống, sau đó được đem đi hạ thủy phần bằng công nghệ áp suất chân không để hàm lượng nước nhỏ hơn hoặc bằng 20%. Mật cũng được đóng gói, dán nhãn mác và bảo quản theo tiêu chuẩn. 

 

Anh Bùi Văn Bắc đưa 400 đàn ong mật về hút mật hoa sú vẹt.

 

Năm nay, gia đình anh Bùi Văn Bắc ở xã Giao Lạc đã đưa về đây hơn 400 đàn ong mật để hút mật hoa sú, vẹt. Thông thường từ 10-12 ngày, anh sẽ quay lấy mật. Thời điểm chúng tôi có mặt, cũng là lúc gia đình anh Bắc đang khai thác mật. Từng khung gỗ được đặt trong thùng để ong làm tổ (hay được gọi là cầu ong) được đưa vào thùng quay ly tâm cho ra những giọt mật sánh vàng, tinh túy, ngọt lịm. Bận rộn với những xô chậu, can nhựa sau gần 1 ngày, gia đình anh đã thu hoạch được gần 400kg mật ong.

 

Vận chuyển cầu ong đến nơi quay mật.

 

Hàng năm, anh Bắc thu hoạch được khoảng 10 tấn mật đều được các thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua, với giá từ 60-80 nghìn đồng/kg. Theo anh Bắc, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, phải di chuyển liên tục.  Mật ong rừng sú vẹt thường được người dân ví là “mật của biển,” là thức uống bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa, suy nhược cơ thể, giảm mỏi mệt nên nhiều người tin dùng. Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, cuộc sống gia đình anh khá giả hơn trước. Sau mùa hoa sú vẹt, anh lại tạm xa VQG để rong ruổi khắp các vùng miền cùng đàn ong, bởi ở đâu có hoa, ở đó có ong, có những người thợ miệt mài, cần mẫn.

 

Mật ong sú vẹt có mùi thơm đặc trưng, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên rất được ưa chuộng trên thị trường.

 

Nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt ngoài lợi ích kinh tế còn duy trì tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ven biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa - Diệu Linh
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 2-6-2023



Xem thêm bình luận