Thời gian qua, trong quá trình chỉnh trang đô thị, thành phố Nam Định đã thực hiện rất nhiều đợt xử lý hệ thống cáp điện, cáp viễn thông treo mắc chằng chịt trên không gian các đường phố, dong ngõ. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là quy định về ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực trạng này buộc thành phố phải thêm một lần quyết liệt chấn chỉnh và phối hợp với ngành chức năng xác định hướng giải quyết xóa bỏ tồn tại này.
Kết quả bước đầu
Để xây dựng thành phố “không dây” an toàn, văn minh, nhiều năm nay, thành phố Nam Định đã chú trọng quản lý, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng điện, hạ tầng viễn thông. Đối với các khu đô thị mới, các tuyến đường đầu tư cải tạo, nâng cấp, chủ đầu tư phải xây dựng các công trình hạ tầng (cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật) theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các khu dân cư đã hình thành ổn định có lưới điện, cáp viễn thông đi nổi, thành phố có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm và từng bước hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi. Trong giai đoạn chưa ngầm hoá hạ tầng yêu cầu phải sử dụng dây bọc cách điện, lưới viễn thông, phải treo, bó gọn gàng đảm bảo mỹ quan. Thành phố huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các địa phương, thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai kiểm tra, chấn chỉnh, việc lắp đặt, quản lý hệ thống cáp điện, cáp viễn thông của các doanh nghiệp.
Khu đô thị mới Hòa Vượng đã thực hiện cơ bản việc hạ ngầm các tuyến cáp điện, viễn thông. Ảnh: Viết Dư |
Đến cuối năm 2022, các đơn vị điện lực, viễn thông trên địa bàn đã tiến hành chỉnh trang bó gọn và thực hiện đeo khuyên cáp tại 28 tuyến phố. Trong đó, ngành Điện đã thực hiện chỉnh trang, treo dây dưỡng, đeo khuyên trên cột điện hàng chục tuyến phố, nhất là các tuyến phố cổ, hệ thống cột dây treo nhiều, lâu năm: Giải Phóng, Điện Biên, Trường Chinh, Thành Chung, Hà Huy Tập, Hàn Thuyên, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Mạc Thị Bưởi, Vị Hoàng, Trần Hưng Đạo, Phù Nghĩa, Trần Thái Tông, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Du, Hoàng Hoa Thám, Phạm Ngọc Thạch, Đông Mạc, Bùi Bằng Đoàn, Đệ Tứ, đường xã Nam Phong, Đặng Xuân Bảng, Mạc Đĩnh Chi, Đỗ Huy Liệu, Nguyễn Đức Thuận, Đinh Thị Vân, Ngô Tất Tố… Tại các khu đầu tư xây dựng mới như tuyến đường Võ Nguyên Giáp, các Khu đô thị Hoà Vượng, Khu đô thị Thống Nhất, Khu tái định cư Phúc Trọng, Bãi Viên..., các doanh nghiệp đã tiến hành tháo dỡ, thanh thải và hạ ngầm các tuyến cáp điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình. Ghi nhận tại những tuyến phố đã hạ ngầm cáp như các khu đô thị Hoà Vượng, khu đô thị Thống Nhất, Khu tái định cư Phúc Trọng - Bãi Viên cho thấy hàng loạt dây viễn thông, điện lực gây mất mỹ quan đã được thanh thải giúp không gian đường phố phong quang, khang trang, mỹ quan đô thị cải thiện rõ rệt.
Bất cập và hướng giải quyết triệt để
Tuy nhiên đến nay, nhiều tuyến phố vẫn còn tình trạng các loại dây cáp, nhất là cáp viễn thông, không được treo đúng quy chuẩn kỹ thuật, chưa đảm bảo độ cao, độ võng của cáp và kết cấu chịu lực của cột treo cáp; cáp treo không gắn thẻ nhận biết, thẻ báo độ cao khi qua đường giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng đường dây điện thoại cố định, cáp viễn thông thuê bao không còn sử dụng nhưng các đơn vị viễn thông không tiến hành tháo dỡ khiến hệ thống dây trên mỗi cột ngày càng dày đặc, thậm chí dây cáp đứt treo lủng lẳng nhiều ngày gây khó khăn cho người đi đường nhưng không được thu dọn. Cá biệt, tại một số tuyến đường phố đã có hạ tầng kỹ thuật ngầm như Khu đô thị Hòa Vượng, Khu đô thị Thống Nhất, Khu tái định cư Phúc Trọng - Bãi Viên… vẫn tiếp tục phát sinh tình trạng treo lắp các đường dây cáp mới. Thực trạng này gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn cho công nhân khi sửa chữa, nguy hiểm cho người dân.
Hệ thống dây điện, cáp viễn thông treo cắt ngang qua các tuyến phố là tình trạng phổ biến tồn tại trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh, để đảm bảo mỹ quan đô thị, giai đoạn 2016-2018 thành phố phải hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hạ tầng mạng cáp viễn thông với yêu cầu cao về mỹ quan: Buộc gọn hệ thống dây cáp; loại bỏ các sợi cáp, cáp không còn sử dụng; xóa bỏ tình trạng cáp treo tại các ngã tư, tại các nút giao thông cũ; xóa bỏ tình trạng cáp treo cắt ngang qua các tuyến đường, tuyến phố. Đồng thời, phải quy hoạch và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tại khu vực các tuyến đường, phố chính tại khu vực thành phố. Đến năm 2025, phát triển mạnh công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm liên ngành sử dụng chung; trong đó doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các ngành liên quan (giao thông, điện, cấp thoát nước…) ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại (kỹ thuật khoan ngầm, khoan tịnh tiến) cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật ngầm, ngành viễn thông đảm bảo ngầm hóa mạng cáp ngoại vi trên diện rộng.
Hệ thống dây điện, cáp viễn thông chằng chéo ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị tại tuyến đường Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định. |
Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật và các phòng, ban chuyên môn, các địa phương để nhận diện nguyên nhân; từ đó xác định giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật chung trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm của ngành điện, viễn thông theo quy định. Bên cạnh nguyên nhân về kinh phí còn có lý do thiếu quy hoạch chung về quản lý không gian ngầm, thiếu các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các ngành, đơn vị; công tác phối hợp giữa các doanh nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật (viễn thông, điện, chiếu sáng, nước) chưa được quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong triển khai ngầm hóa các tuyến đường phố dẫn đến vấn nạn "mạng nhện" đường phố chậm được xử lý triệt để. Một số địa phương, đơn vị chưa chủ động, thiếu sâu sát trong quá trình thực hiện các nội dung chỉ đạo của thành phố; việc phối hợp giữa ngành điện, các đơn vị viễn thông và chính quyền các địa phương chưa thực sự chặt chẽ, tiến độ chậm, hiệu quả chưa cao…
Để xây dựng một thành phố “không dây” an toàn, văn minh, hiện đại
Bước vào năm 2023, thành phố Nam Định đã thành lập tổ công tác liên ngành quyết liệt chấn chỉnh mạnh mẽ hơn, triệt để hơn các hành vi vi phạm của ngành điện, viễn thông theo quy định. Theo kế hoạch ban hành ngày 15-3-2023, Tổ công tác liên ngành sẽ tiến hành 2 đợt kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng treo mắc các loại dây cáp điện, viễn thông không đúng quy định. Đợt 1, ngay trong cuối tháng 3 sẽ đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu có biện pháp khắc phục, nếu không sẽ cưỡng chế, xử lý dứt điểm vi phạm trên tuyến Đông A (đoạn từ Đài phun nước đến Quốc lộ 10) và tuyến Trần Hưng Đạo (đoạn từ đầu đường Hàng Thao đến đường Trường Chinh). Đợt 2, từ tháng 4-2023, tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm trên các tuyến đường, phố đã có hạ tầng kỹ thuật ngầm và các tuyến đã được ngành điện chỉnh trang, treo dây dưỡng, đeo khuyên trên các cột ngành điện.
Nhân viên VNPT thu dọn, thanh thải cáp viễn thông tại Khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định. |
Theo đồng chí Trần Huy Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong quá trình thực hiện, UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp chủ động chỉnh trang, bó gọn, thanh thải hệ thống cột, cáp treo lắp không đúng quy định; chấp hành nghiêm các quy định về treo, mắc cáp điện, cáp viễn thông. Chỉ đạo Điện lực thành phố phải chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm về treo mắc cáp điện, cáp viễn thông trên hệ thống truyền tải điện được giao quản lý; phải chủ động rà soát, thống kê các tuyến cáp điện, cáp viễn thông căng, treo sai quy định; tự khắc phục tuyến cáp điện và thông báo tới các đơn vị viễn thông, các đơn vị liên quan phương án triển khai thực hiện chỉnh trang, tháo dỡ, thanh thải trên các cột điện cao, hạ thế đảm bảo an toàn; tổ chức tháo dỡ tuyến cáp điện, cáp viễn thông vi phạm; đảm bảo an toàn điện trong quá trình tháo dỡ và xử lý vi phạm, chủ động kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị viễn thông trong quá trình các đơn vị tự tổ chức xử lý khắc phục tồn tại. Chỉ đạo Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định chủ động rà soát, yêu cầu các đơn vị mắc trái phép các tuyến cáp điện, cáp viễn thông trên các cột chiếu sáng kẽm, cột điện trang trí (đèn chùm) tự tổ chức tháo dỡ, di dời. Thành phố Nam Định cũng chỉ đạo UBND các phường, xã kiểm tra địa bàn, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm; tổ chức theo dõi, quản lý tuyến cáp trên địa bàn sau khi thanh thải, tháo dỡ; thông báo kế hoạch chỉnh trang hệ thống cột điện, cáp viễn thông trên địa bàn để nhân dân biết và phối hợp thực hiện. UBND các phường Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lộc Hòa, Lộc Vượng bố trí lực lượng công an đảm bảo an ninh trong quá trình các đơn vị tự tổ chức thực hiện chỉnh trang, xử lý tồn tại, vi phạm trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo và Đông A.
Nhân viên VNPT thu dọn, thanh thải cáp viễn thông tại Khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định. |
Để đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm đường dây cáp điện, cáp viễn thông, thành phố đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành quy định quản lý hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố. Trong đó có nội dung quy định về đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông ngầm tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung theo xu hướng sử dụng chung. Hy vọng đây sẽ là giải pháp bền vững để đảm bảo tiết kiệm nguồn vốn đầu tư trong xây dựng phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo bộ mặt mới an toàn, văn minh, hiện đại cho thành phố Nam Định./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin