Từ nhiều thế kỷ trước, Nam Định được biết đến là đất “trăm nghề”, nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc, sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận… Trong xu thế hội nhập, nhiều làng nghề đã ứng dụng công nghệ mới chuyển dần sang tự động hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số để số hóa thông tin dữ liệu, xây dựng website riêng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và sử dụng mạng xã hội để xúc tiến thương mại cho sản phẩm.
Người dân làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thu thập thông tin để số hóa dữ liệu làng nghề. |
Thích ứng với nhu cầu thị trường
Trước sự biến động của thị trường, sự lấn át của các sản phẩm công nghiệp, các làng nghề truyền thống cũng thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ vào thiết kế, sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, cải tiến mẫu mã để thích ứng với thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Trước đây, các làng nghề truyền thống mây tre đan xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) chỉ dừng lại ở việc đan những chiếc cót, rổ rá tre, gối mây phục vụ cho cuộc sống thường ngày và cung ứng cho người dân trong vùng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng từ mây, tre đã dần bị thay thế bằng các chất liệu khác, nghề đan lát ngày càng bị thu hẹp, đứng trước nguy cơ xóa sổ, người dân các làng nghề luôn trăn trở để đưa công nghệ vào hỗ trợ sản xuất, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, sản phẩm gối mây ở thôn Tiên Hào được đánh giá có đổi thay nhiều nhất và vẫn phát triển được thị trường. Để có được kết quả trên, người dân thôn Tiên Hào đã chủ động đưa cơ giới vào hỗ trợ sản xuất; bổ sung thêm nguyên liệu dây nhựa có in hoa văn trang trí và đa dạng kích cỡ để phù hợp với nhu cầu sử dụng, tạo nên 2 dòng sản phẩm gối mây truyền thống và gối dây nhựa cải tiến nên sản phẩm cũng phong phú hơn, đáp ứng được yêu cầu phục vụ thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong thôn có trên 200 hộ dân tham gia làm gối mây, sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... Nhiều gia đình các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Thinh, Trần Văn Liễu... vừa tổ chức sản xuất quy mô lớn, vừa cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân trong thôn. Trung bình mỗi tháng, từ làng nghề làm gối mây Tiên Hào đã có hàng nghìn sản phẩm được xuất bán ra thị trường, mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ làm nghề. Cùng với xã Vĩnh Hào, các làng nghề mây tre đan trên toàn tỉnh cũng đã thay đổi chất liệu và kiểu dáng để sản phẩm thích nghi với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, chất liệu chính của sản phẩm sơn mài là gỗ, tre, nứa thì ngày nay bổ sung thêm các chất liệu mới như: composite, gốm sứ, sắt trang trí… tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các làng nghề vẫn giữ gìn những sản phẩm đặc trưng như hoành phi, câu đối, tranh, hộp đựng đồ trang sức, đồng hồ, kính, bút… hướng đến thị trường tiêu dùng thực tế.
Ở các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống vốn nổi tiếng với sản phẩm nước mắm chắt nguyên chất, có độ đạm cao nhưng rất kén khách do mùi khá nồng, vị mặn và thường đóng gói thủ công. Thời gian gần đây, những hộ dân làm nghề đã có sự thay đổi tích cực theo xu hướng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Người dân đã khắc phục mùi của nước mắm truyền thống bằng cách thay những bể chượp xi măng thành những chum, vại sành để ủ cá; lắng lọc, phơi nắng nhiều lần để đỡ mùi; bổ sung thêm dứa chín vào quá trình ngâm ủ; ứng dụng công nghệ vi sinh đa enzyme kết hợp với nhiệt độ, rút ngắn quá trình thủy phân protein của cá; sử dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược) lọc những phần thịt cá nhỏ li ti, cặn và vi khuẩn để cho ra thành phẩm trong, bắt mắt hơn nước mắm truyền thống… Việc đóng gói thành phẩm cũng có những thay đổi đáng kể như thay vì sử dụng chai nhựa đã chuyển dần sang chai thuỷ tinh có dung tích phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng (làm quà, sử dụng hàng ngày), có túi giấy thiết kế bắt mắt… Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên.
Ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm
Năng động, nhạy bén, các làng nghề truyền thống đang nỗ lực hòa nhập dòng chảy “số hóa”, tiếp cận ứng dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và giao dịch mua, bán, trao đổi hàng hóa trực tuyến. Người dân các làng nghề nhanh chóng chuyển đổi, phát triển bán hàng công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube…; nhanh chóng học các kỹ năng quay phim, chụp ảnh và viết lời bình mô tả sản phẩm giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến để thu hút khách hàng. Hiệu quả của việc kinh doanh qua mạng đã giúp làng nghề duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt… Làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê xã Điền Xá (Nam Trực) là đơn vị tiên phong trong việc “số hóa” thông tin làng nghề một cách bài bản; tạo công cụ quảng bá thương hiệu của làng nghề, góp phần tôn vinh tài năng, thế mạnh, thương hiệu của từng nghệ nhân. Được sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), Công ty TNHH IOTLink, UBND xã Điền Xá và Hiệp hội Cây cảnh Điền Xá triển khai xây dựng thành công mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê” trên nền tảng bản đồ số. Hiện tại chỉ cần truy cập địa chỉ http://caycanhdienxa.namdinh.gov.vn, khách hàng trong và ngoài nước dễ dàng truy cập website chính thức của làng nghề hoa, cây cảnh Điền Xá. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi bởi từ nay, sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê được định vị trên bản đồ số; mỗi nhà vườn sở hữu một địa chỉ số; mỗi sản phẩm hoa, cây cảnh được định danh, định giá và minh bạch về các thông số kỹ thuật, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm. Không bài bản như làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, nhiều hộ dân kinh doanh hoa, cây cảnh của các xã Nam Phong, Nam Vân (thành phố Nam Định) cũng đã tỷ mẩn số hóa dữ liệu từng sản phẩm hoa, cây cảnh độc đáo của nhà vườn và tạo mã QR cho từng sản phẩm. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là biết rõ mọi thông tin của sản phẩm. Nhờ cách làm này mà sản phẩm hoa, cây cảnh của các nhà vườn của xã Nam Phong, Nam Vân nhanh chóng chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng khi quảng bá trên các giao diện số, các sàn thương mại điện tử. Cũng nhờ nhanh chóng nắm bắt ưu thế của xu hướng số hóa sản phẩm mà người dân trong và ngoài nước biết đến các làng nghề truyền thống nhiều hơn. Ngoài việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, các làng nghề truyền thống trong tỉnh còn có thêm cơ hội tham gia vào các tour du lịch sinh thái cộng đồng như nghề làm muối truyền thống Văn Lý (Hải Hậu), Bạch Long (Giao Thủy); làng nghề làm nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); làng nghề chạm khắc gỗ thủ công mỹ nghệ Yên Tiến (Ý Yên)…
Sự chuyển mình mạnh mẽ của làng nghề truyền thống thời công nghệ số đã chứng minh sức sống bền bỉ, năng động, linh hoạt của làng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, làng nghề truyền thống đang rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho làng nghề một cách bài bản./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin