Trong báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Nam Định đạt tổng số 66,67 điểm, cao hơn năm trước 1,38 điểm; nằm trong nhóm tỉnh đạt điểm số trung vị của cả nước (66,66 điểm).
Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao việc chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến của các cơ quan Nhà nước tỉnh giúp tiết giảm thời gian và chi phí. |
So với năm 2022, trong 10 chỉ số thành phần (CSTP) có 6 chỉ số tăng điểm. Trong đó, chỉ số có sự cải thiện nhất là Chi phí thời gian, đạt 8,32 điểm (tăng 0,92 điểm), cao hơn mức điểm trung bình của toàn quốc (7,74 điểm). Đây cũng là chỉ số đạt điểm số cao nhất trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh. Chuyển biến tích cực có thể thấy rõ là tỷ lệ cao các doanh nghiệp ghi nhận: Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức cao, cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ, thủ tục giấy tờ đơn giản, phí và lệ phí được niêm yết công khai, thời gian giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn so với quy định. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao việc các cơ quan chính quyền các cấp đã đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến giúp tiết giảm thời gian và chi phí so với phương thức hồ sơ giấy trước đây; tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã gia tăng; gánh nặng thanh, kiểm tra về cơ bản cũng đã giảm bớt đối với các doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh còn nhiều phiền hà năm 2023 đã thấp hơn so với hai năm trước, trong đó giảm ấn tượng nhất là lĩnh vực thuế, phí.
CSTP Gia nhập thị trường của tỉnh đạt 7,21 điểm (tăng 0,18 điểm). Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn với các chỉ tiêu được cải thiện tích cực như: tính minh bạch, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, cán bộ am hiểu chuyên môn và nhiệt tình, thân thiện; số lượng doanh nghiệp cho biết phải sửa đổi hồ sơ khi đăng ký doanh nghiệp trong khảo sát 2023 giảm đi; việc giải quyết các thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện năm 2023 cũng có bước tiến so với năm 2022. Dù vậy, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phù hợp thực tiễn, bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung...
CSTP Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,07 điểm, tăng 0,23 điểm, trong bối cảnh không ít tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đánh giá là cần xốc lại tinh thần năng động tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều tin tưởng rằng lãnh đạo tỉnh Nam Định đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của mình; đồng thời đánh giá cao tỉnh trong việc linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân; tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh; doanh nghiệp quan sát thấy chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân; các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh; chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân.
CSTP Chi phí không chính thức đạt 6,96 điểm, tăng 0,03 điểm, cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh đã tiếp tục có bước tiến. Để duy trì và phát huy các kết quả đạt được CSTP này, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh toàn diện các nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tiếp tịc cắt giảm chi phí không chính thức. CSTP Đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,26 điểm, tăng 0,74 điểm. Nhiều doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt, việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng. Tuy nhiên các doanh nghiệp mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về sử dụng cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát trong bối cảnh tỉnh đang liên tiếp thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, giúp doanh nghiệp giảm tối đa kinh phí tuyển dụng lao động và đào tạo lao động. CSTP Tính minh bạch của tỉnh đạt 5,97 điểm, tăng 0,30 điểm. Trong đó tỉnh được nhiều doanh nghiệp đánh giá có thể thuận lợi tiếp cận tài liệu quy hoạch và tiếp cận tài liệu pháp lý; số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu trung bình là 3 ngày. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao tính minh bạch trong công tác đấu thầu của tỉnh; các thông tin trên website của tỉnh về các quy định thủ tục hành chính, các văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các văn bản pháp luật của tỉnh, các ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư của tỉnh đem lại nhiều hữu ích cho doanh nghiệp. Dù vậy, các doanh nghiệp chưa thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh
Bên cạnh đó, tỉnh có 4/10 CSTP giảm điểm là: CSTP Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 8,10 điểm, giảm 0,34 điểm. Dù bị giảm điểm nhưng đây là chỉ số thành phần giữ điểm số cao thứ hai của tỉnh và cao hơn khá nhiều so với mức bình quân chung của các nước (7,47 điểm). Các doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tốt và đánh giá cao vào khả năng bảo vệ, thực thi của pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, trong đó có việc xét xử các vụ kiện kinh tế... Tiếp đến là CSTP Tiếp cận đất đai đạt 7,19 điểm, giảm 0,38 điểm, thấp hơn mức điểm bình quân của toàn quốc (8,76 điểm). Kết quả này cho thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, tương đồng với chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh đất đai là lĩnh vực còn nhiều phiền hà. Những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023 là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn niêm yết của văn bản quy định.
Đáng bàn nhất là nhóm 2 CSTP vừa giảm điểm, vừa có điểm số còn thấp gồm: CSTP Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,42 điểm, giảm 0,52 điểm, đây là mức giảm cao nhất trong các chỉ số bị giảm điểm của tỉnh. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn các cơ quan Nhà nước tăng cường cung cấp thông tin và hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp thuận lợi hơn nữa trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). CSTP Cạnh tranh bình đẳng của tỉnh đạt 4,17 điểm (giảm 0,14 điểm), cho thấy mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút; đặc biệt, đây chính là chỉ số tỉnh có mức điểm thấp nhất trong 10 CSTP. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tỉnh ưu tiên hơn nữa các hoạt động hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp....
Báo cáo xếp hạng PCI năm 2023 cũng nhấn mạnh nhiều tỉnh nhóm sau đang vươn lên mạnh mẽ, có tính bứt phá hơn hẳn đẩy một số tỉnh, thành phố từng nhiều năm có mặt trong "top" 30 tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI. Điều này cho thấy, nếu quyết liệt hơn nữa, chắc chắn Nam Định cũng có thể cải thiện, nâng cao chỉ số PCI. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo từ việc thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá các điểm bất cập, hạn chế, thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. Tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng cần bám sát vào nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp để có các chương trình, giải pháp trợ lực thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần lưu tâm học hỏi các kinh nghiệm, giải pháp sáng tạo của các tỉnh, thành phố đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI.
Trong bối cảnh hầu hết các tỉnh, thành phố đều nỗ lực cải thiện, vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng toàn quốc, Nam Định đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá cụ thể từng CSTP, từ đó quyết liệt hơn nữa trong nâng cao chất lượng chỉ số PCI./.
Bài và ảnh: Thúy Vy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin