Vĩnh Hào quan tâm phát triển sản phẩm địa phương đặc trưng

08:16, 29/02/2024

Nằm trong vùng đồng trũng của huyện Vụ Bản nên sản xuất nông nghiệp của người dân xã Vĩnh Hào xưa kia giá trị kinh tế đạt thấp. Bởi vậy, để đảm bảo cuộc sống, bà con đã chăm chỉ phát triển nghề phụ làm lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập. Xã có 5 thôn thì 4 thôn có nghề phụ là làm gối mây ở thôn Tiên Hào; sơn mài ở thôn Đại Lại; đan cót ở thôn Vĩnh Lại và đan tre, nứa ở thôn Hồ Sen... Một thời, nghề phụ nhưng đem lại thu nhập chính cho nhiều gia đình làm ăn năng động. Chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, hàng hóa trên thị trường phong phú hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi, làng nghề không được sôi động sầm uất như xưa. Tuy nhiên người làm nghề vẫn tìm được lối đi riêng nên vẫn có cơ hội, xã vẫn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân giữ nghề, xây dựng thành sản phẩm nông thôn đặc trưng ở cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Sản phẩm trứng gà Hiền Hoa, thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Hào được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Sản phẩm trứng gà Hiền Hoa, thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Hào được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

UBND xã chú trọng hỗ trợ các làng nghề và hộ nghề tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, thích ứng với điều kiện kinh tế mới để phát triển, nâng cao thu nhập cho lao động. Trong đó, xã đã tập trung nguồn lực, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại; quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề truyền thống. Xã cũng khuyến khích người dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh; phát triển sản phẩm OCOP. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã liên kết với Hợp tác xã Bốn Thuận xây dựng được 2 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi trên tổng diện tích 15ha; đồng thời khuyến khích người dân duy trì tỷ lệ 65% diện tích cấy lúa chất lượng cao và 35% lúa năng suất để vừa nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo ổn định an ninh lương thực. Trong năm 2023, xã hỗ trợ hộ anh Vũ Đình Chiên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trứng gà ở thôn Hồ Sen xây dựng thành công sản phẩm Trứng gà quê Hiền Hoa Hồ Sen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Anh Chiên cho biết: "Gia đình tôi mở trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng được hơn 10 năm nay. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm trứng gà như được khoác lên tấm áo mới khi được định danh rõ ràng, có thương hiệu, nhãn hiệu cụ thể và mã QR để phục vụ truy xuất nguồn gốc, tự tin cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Trung bình mỗi ngày, cơ sở xuất bán ra thị trường trên 1.500 quả trứng. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường".

Cùng với sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện cho các ngành nghề, dịch vụ phát triển; đồng thời đào tạo nghề cho lao động của những nghề đã mai một (như đan cót) chuyển đổi sang làm gối mây, nghề mộc, chắp nứa, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân. Hiện tại, các nghề đan gối mây, chắp nứa đang có xu thế phát triển. Trong đó, nghề đan gối mây ở thôn Tiên Hào được sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện đại, đa dạng nguyên liệu, mẫu mã, hoa văn trang trí nên sản phẩm cũng phong phú hơn, đáp ứng được yêu cầu phục vụ thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong thôn có trên 200 hộ dân tham gia làm gối mây, sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... Gia đình chị Trần Thị Vân, thôn Tiên Hào, theo nghề làm gối mây từ đời cha ông. Để tạo sản phẩm chất lượng cao, có bản sắc riêng, hướng đến thị trường xuất khẩu và tiêu dùng cao cấp, chị duy trì cách làm truyền thống thủ công, sử dụng nguyên liệu cây mây tự nhiên. Theo chị Vân, sản phẩm làm theo cách này có giá thành cao, đòi hỏi lao động có kỹ thuật cao và mất nhiều thời gian hơn so với làm bằng sợi nilon nhưng sản phẩm có độ bền cao, đàn hồi tốt, thoáng mát, thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ của sợi mây và cốt gối làm từ gỗ xoan, gỗ mít, giúp cho người dùng có cảm giác dễ chịu, thư thái. Ngoài ra, nhiều gia đình các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Thinh, Trần Văn Liễu... là những cơ sở sản xuất lớn, có năng lực tài chính nên quy mô sản xuất lớn và cả tổ chức cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho người dân trong thôn. Trung bình mỗi tháng, từ làng nghề làm gối mây Tiên Hào có hàng nghìn sản phẩm được xuất bán ra thị trường, mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ làm nghề.

Chủ động tổ chức lại sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng đã giúp Vĩnh Hào trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2023 xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn xã có trên 95% lao động có việc làm và thu nhập ổn định; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm và tỉ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tiềm năng của đất và người Vĩnh Hào còn rất lớn, đặc biệt là nhóm sản phẩm nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống. Thời gian tới xã tiếp tục khuyến khích người dân khôi phục lại nghề sản xuất truyền thống có tiềm năng, nhất nghề làm bàn ghế mây của làng Tiên Hào đã vắng bóng từ nhiều năm nay để phục vụ các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch. Xã rất mong tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn để phát triển sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nguyên liệu và tập huấn về kỹ năng xúc tiến thương mại, giao dịch thương mại điện tử để chất lượng sản phẩm của làng nghề ngày càng được nâng cao và mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com