Hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể

08:16, 29/02/2024

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh luôn chú trọng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, từ đó giúp nông dân tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Hợp tác xã dược liệu Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu) sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguồn dược liệu sạch trồng tại địa phương.
Hợp tác xã dược liệu Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu) sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguồn dược liệu sạch trồng tại địa phương.

Để thúc đẩy xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HNDT về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW của BCH Trung ương HND Việt Nam về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025. HND tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh về thực hiện mục tiêu 15 nghìn HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp; ký kết chương trình với Sở NN và PTNT về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở đó, các cấp Hội tập trung triển khai hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; từ năm 2018-2023 Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 13 HTX và 170 tổ hợp tác. Bên cạnh đó, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi cho trên 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ HND nghề nghiệp.

Nhờ tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể của HND tỉnh, đến nay các cấp HND toàn tỉnh có tổng số 203 mô hình HTX, tổ hợp tác với 2.833 thành viên tham gia; 145 mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp với trên 2.100 thành viên tham gia. Hội viên nông dân còn tham gia xây dựng được 399 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 18.599ha, trong đó có 3.916ha được bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Điển hình như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản của Công ty Hùng Vương… HND các cấp cũng đã xây dựng 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu là các mô hình: “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ củng cố HTX” tại xã Liên Bảo (Vụ Bản); “Liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường); “Xây dựng chi HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên); “Trồng hoa cúc” tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); “Sản xuất cá bống bớp” tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); “Chăn nuôi lợn an toàn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); “Sản xuất cá trắm đen” tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); “Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu)… Tại xã Trực Nội (Trực Ninh), từ ý tưởng phải liên kết nhiều hộ sản xuất giỏi với nhau để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời được sự giúp đỡ quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương, anh Vũ Đình Kiên đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX vào tháng 4-2017. Các hoạt động của HTX ban đầu gồm sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu hoa hòe và các dịch vụ nông nghiệp như: Dịch vụ gieo sạ và cấy lúa bằng máy, dịch vụ phun thuốc bằng máy bay, dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, dịch vụ sấy thóc với lò sấy 20 tấn trên một mẻ sấy, một năm sấy được 800 tấn. Từ thành công này, anh Kiên mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức liên kết với các HTX, các hộ nông dân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận để mở rộng sản xuất. Kết quả đến nay, HTX đã phát triển diện tích sản xuất trực tiếp 10ha, diện tích liên kết 40ha, sản lượng thu mua lúa tươi từ 250 đến 400 tấn/vụ. Hiện nay, HTX đang sản xuất lúa gạo xuất đi các tỉnh miền Bắc với số lượng từ 30-40 tấn/tháng; mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 400 tấn gạo các loại, chủ lực là gạo Bắc thơm, doanh thu hàng năm đạt khoảng 6 tỷ đồng. Sản lượng dược liệu hoa hòe hàng năm khoảng 5 tạ. HTX đã thu hút, tạo việc làm ổn định cho 7-10 lao động với mức thu nhập hàng tháng từ 6-7 triệu đồng/người; vào mùa thu hoạch lượng lao động mùa vụ tăng lên 10-15 người để phục vụ cho việc thu mua sản phẩm và tổ chức sấy lúa tươi đảm bảo theo thời gian quy định.

Tại huyện Mỹ Lộc, các cấp HND trong huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình chi Hội, tổ HND nghề nghiệp theo phương thức “5 tự”, “5 cùng” trên cơ sở những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng HTX của Hội. Từ năm 2018-2023, toàn huyện đã hướng dẫn thành lập 7 tổ hợp tác, 4 tổ hội nghề nghiệp với 80 thành viên; 3 chi hội nghề nghiệp với 42 thành viên. Toàn huyện hiện có tổng số 13 tổ hợp tác với 180 thành viên. Tiêu biểu như chi HND thôn 2, xã Mỹ Hưng đã vận động 16 hội viên tự nguyện tham gia là thành viên tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản gắn với mô hình tổ hợp tác. Đến nay, tổ hội đã kết nạp thêm được 2 thành viên, đi vào hoạt động có nền nếp, định kỳ sinh hoạt 1 lần/tháng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong cùng tổ hội, giữa hội viên với doanh nghiệp, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Hội viên tham gia tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức; cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại con giống, thức ăn; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…, qua đó đã mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân. Ngoài ra, các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp còn được HND các cấp quan tâm, tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu làm ăn hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ các ông Đặng Đình Mão, Đặng Đình Hải, Đặng Thế Chinh, Đặng Văn Ba với mô hình nuôi cá Koi, cá trắm đen quy mô hàng chục ha, lợi nhuận đạt 300-500 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nông thôn với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; trong đó mô hình nuôi cá trắm đen của ông Đặng Thế Chinh đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể, HTX trong hội viên nông dân. Hướng dẫn và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định, khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh... góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com