Nhộn nhịp làng nghề cá cảnh vào vụ tết

08:29, 01/02/2024

Những ngày này, ở khắp các dong ngõ xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đâu đâu cũng thấy tấp nập người ra vào mua bán, trả giá cá cảnh. Càng gần đến Tết ông Công ông Táo 2024, làng xóm càng nhộn nhịp hơn nữa. Sáng, chiều thậm chí là đầu tối tiếng rì rì của động cơ xe máy, xe ô tô chờ sẵn để “bốc” cá vẫn âm vang xóm nhỏ. Mùa cá Tết năm nay mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn không ảnh hưởng đáng kể đến “sức mua”, ý thích chơi cá của những người đam mê cá cảnh.

Người dân xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) tất bật thu hoạch cá cảnh xuất bán dịp Tết Nguyên đán.
Bài và ảnh: Hoa Xuân và Văn Huỳnh
Người dân xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) tất bật thu hoạch cá cảnh xuất bán dịp Tết Nguyên đán. 

Là một trong những người đầu tiên đưa con cá cảnh về xóm Kim nuôi trồng, ông Trần Văn Huy cho biết: “Trên chục năm về trước, nếu thú chơi cá cảnh của người dân chỉ chủ yếu nhắm vào các “đại gia”, bởi những loại cá bày bán trên thị trường thường có giá khá đắt, có loại lên đến hàng triệu đồng, thì hiện nay, cá cảnh đã trở nên gần gũi, “dễ mua” với người dân”. Nắm bắt được nhu cầu đó, ông Huy cũng như nhiều người nuôi cá ở xóm Kim đã chuyển từ nuôi cá thịt sang nuôi các loại cá cảnh. Ban đầu, họ nuôi cá chép cảnh, cá tam dương ngũ sắc, cá vàng bốn đuôi… Tuy nhiên, khoảng 7-8 năm trở lại đây, người dân xóm Kim tập trung vào nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao hơn là cá Koi và cá rồng. Theo ước tính của ông Huy, tỷ lệ người nuôi cá Koi trong xóm chiếm khoảng 80%. Để nuôi được các giống cá cảnh cũng đòi hỏi lắm công phu. Đối với các loại cá cảnh như cá tam dương ngũ sắc, chép cảnh, người nuôi có thể tự nhân giống bằng cách bán cho nhau. Riêng đối với cá vàng bốn đuôi, phải mua giống từ Hải Phòng. Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con. Theo những người nuôi cá xóm Kim, giống cá cảnh ít khi bị mắc bệnh, có sức chịu đựng, chống chọi với mùa đông rất tốt. Tuy nhiên vào dịp cuối năm do cá ít vận động nên thường bị mắc một số chứng bệnh như thối mang cá. Đối với loài chép cảnh, người nuôi kỳ công hơn, phải bắt từng cặp bố mẹ lên để tiêm thuốc kích thích cho cá đẻ đồng loạt. Người nuôi cá xóm Kim gọi thời kỳ cá đẻ là “vật cá”. Tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm cá cảnh đẻ rộ. Khi đó, người nuôi phải sục nước trong ao, té nước vôi loãng và cho cá ăn thuốc tỏi “Tiên đắc” để phòng thối mang cá. Khi cá gần đẻ thì phải tách các đôi cá bố mẹ riêng để chủ động việc phối giống cho cá.

Mặc dù là giống cá mới, nhưng theo ông Huy, cá Koi tương đối dễ nuôi. “2 yếu tố quyết định sự thành công của việc nuôi cá Koi là nước và thức ăn. Theo đó, nước trong bể, ao nuôi không được để quá sâu và phải sạch. Đặc biệt, con cá Koi rất kỵ với phèn, trong nguồn nước có dính phèn cá sẽ không sống được nên các bể, hồ, ao nuôi phải lọc thật sạch phèn trước khi thả cá. Là giống cá ăn tạp, thức ăn của cá Koi rất đa dạng từ sinh vật phù du, rong rêu, giun, loăng quăng cho đến các loại cám, bã đậu, phân xanh… Tuy nhiên, cá Koi vẫn thích hợp nhất với các loại thức ăn được chế biến từ gạo, bột mì, bột ngô. Vì thế, người nuôi cần phải hiểu rõ đặc tính của cá để cho ăn, điều tiết thức ăn hợp lý”, ông Huy chia sẻ thêm. Để cá lớn nhanh, không chỉ ông Huy mà nhiều hộ gia đình trong xóm Kim ngoài việc nuôi ở bể xi măng còn nuôi cá ở trong các ao nuôi tự nhiên. Ao nuôi cá Koi càng rộng càng tốt vì sẽ có lượng thức ăn tự nhiên nhiều, như thế cá sẽ phát triển và đạt kích cỡ, màu đẹp. Mặc dù là giống cá dễ nuôi, sức đề kháng tốt nhưng cá Koi vẫn mắc một số bệnh về hô hấp, nấm da. Để phòng trừ các loại bệnh này, bên cạnh việc chăm sóc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các hộ gia đình nuôi cá Koi ở xóm Kim còn rất chú trọng việc giữ nhiệt độ ổn định trong các ao nuôi.

Với giá bán các loại cá chép Nhật dao động từ 100-300 nghìn đồng/kg, tuỳ trọng lượng từng con, mỗi năm ông Huy có thể xuất bán vài lứa cá. Mặc dù 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu chơi cá cảnh của người dân có giảm nhưng cũng theo ước tính của ông Huy, hàng năm, trừ chi phí gia đình vẫn thu về khoảng 200 triệu đồng. Vì vậy, con cá cảnh vẫn giữ vai trò kinh tế chủ lực của người dân trong xóm. Ở xóm Kim, nhà ít cũng có vài sào ao nuôi cá cảnh, một số hộ gia đình như ông Sự, ông Huy, ông Hiền có tới 4-7 mẫu ao. Thời điểm hiện tại đang là mùa “cao điểm” của những người nuôi cá cảnh ở Mỹ Thắng. Những ngày này, hộ nhiều có thể xuất bán tới 1-2 tạ cá/ngày. Cá cảnh của xóm hiện được bán cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam như: Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang…

“Khởi phát” từ nghề nuôi cá thịt, bằng sự nhanh nhạy, những nông dân ở xóm Kim dần chuyển sang nuôi cá cảnh và không hiếm người trong số họ đã trở thành các “triệu phú, tỷ phú” cá. Từ nghề nuôi cá cảnh đang mở ra những tín hiệu kinh tế tích cực với người dân xóm Kim. Có lẽ vì thế mà trên nhiều vùng đất của xóm đâu đâu cũng thấy những ao hồ được mở rộng ra mãi./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh
 



Bể cá mini tròn Bể cá mini Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com