Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025” do Liên minh HTX tỉnh phát động, các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo khởi sắc diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Diện, xã Trực Chính (Trực Ninh) sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. |
Toàn tỉnh hiện có 480 HTX đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có 377 HTX nông nghiệp, thu hút 376.813 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 7.525 lao động. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể, HTX bước vào giai đoạn phục hồi và có bước phát triển, tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình HTX mới. Số HTX có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của thành viên và của thị trường ngày càng tăng. Các HTX đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 43 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh đến nay có 78 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 1.136 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 997 hộ nông dân, 78 HTX và 33 doanh nghiệp. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đã có 51 HTX với 86 sản phẩm của các HTX được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao (chiếm 24,5% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Hết năm 2022, toàn tỉnh có 26 HTX ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 9 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác; 10 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm; 4 HTX ứng dụng công nghệ tự động hóa; 3 HTX áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch với nhiều cánh đồng lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực đủ lớn để tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao. Hiện đã có 1 HTX và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ với 68 HTX nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Một trong các HTX hoạt động tích cực, hiệu quả là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). HTX đã tham gia dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; đổi mới, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên và nhân dân theo chuỗi giá trị sản phẩm từ dịch vụ đầu vào, giám sát các khâu của quá trình sản xuất đến thị trường đầu ra cho sản phẩm; đồng thời phối hợp với các công ty xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ. HTX còn xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm chủ lực như “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ”...
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, trong tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, 8 HTX hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Điển hình như: HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào (Nam Trực); HTX Dịch vụ môi trường Nam Thanh (Nam Trực); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, HTX Môi trường Giao Long, HTX Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ngô Đồng, HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy); HTX Nông nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bình An (Hải Hậu); HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ môi trường Yên Ninh (Ý Yên)...
Để nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Đóng góp của các HTX đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Hoạt động dịch vụ trong các HTX phát triển đa dạng gắn với chuỗi giá trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Thời gian tới, các HTX trong tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển thêm sản phẩm OCOP; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó phát huy vai trò của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần tích cực vào Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin