Giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả các làng nghề - Kỳ 3: Nhiều tiềm năng, giải pháp mới cho phát triển làng nghề

17:45, 09/04/2023

Kỳ 3: Nhiều tiềm năng, giải pháp mới cho phát triển làng nghề

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, tỉnh tiếp tục đánh giá, phân tích nhận diện các tiềm năng, gia tăng các giải pháp mới.

Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm tại làng nghề mộc Hải Minh (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm tại làng nghề mộc Hải Minh (Hải Hậu).

Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống nổi tiếng trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; từ năm 2021 đến nay có thêm 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong (Giao Thủy) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh có hệ thống dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng rất nhiều các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đẹp, có giá trị khai thác về du lịch trải nghiệm. Hạ tầng nông thôn, đặc biệt là giao thông thuận tiện, đồng bộ. Các địa phương có tới 226 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên; có 7 món ăn lọt “top” 100 món ăn đặc sản Việt Nam và “top” 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (phở bò, bún đũa, bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, kẹo Sìu Châu, gạo Tám xoan Hải Hậu)… Đây chính là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị gia tăng của làng nghề nông thôn. 

Cùng với việc nhận diện các tiềm năng, lợi thế, thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề (BT và PTLN) Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 7-2-2023). Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tiếp tục duy trì, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận, đảm bảo các nghề truyền thống, làng nghề hoạt động hiệu quả, bền vững. Yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, xây dựng, cụ thể hoá thành các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án/mô hình... của ngành, địa phương về công tác BT và PTLN giai đoạn 2021-2030; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác BT và PTLN; phát huy nội lực của người sản xuất, làng nghề; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội tích cực tham gia BT và PTLN, sử dụng các sản phẩm của làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề, tổ chức các lễ hội làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề. Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) nhằm đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian, môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, đánh giá, phân loại danh mục các nghề truyền thống, làng nghề và LNTT, xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh; xây dựng dự án khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề và LNTT đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ phát triển các làng nghề, LNTT đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề. Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hiệp hội ngành hàng. Rà soát, hoàn thiện chính sách BT và PTLN.

Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nhóm các nghề truyền thống, LNTT; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ các nghề truyền thống, làng nghề, LNTT của địa phương; giới thiệu, quảng bá các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh; tuyên truyền, phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đến người dân, tổ chức có liên quan. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình BT và PTLN, LNTT ở các tỉnh nhằm trao đổi, chia sẻ những giải pháp để xây dựng, PTLN mới ở địa phương. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện xét công nhận, thu hồi quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề và LNTT theo quy định. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề; tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề ứng dụng máy móc, thiết bị mới vào sản xuất. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử, tham gia kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước;... Hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng, phát triển thương hiệu, nhất là các sản phẩm OCOP, tham gia các cuộc hội chợ trong và ngoài tỉnh, kết nối cung cầu với các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho các làng nghề, LNTT tham gia; đề nghị tôn vinh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cho các cá nhân có tay nghề kỹ thuật cao, tâm huyết ở các làng nghề. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề ứng dụng công nghệ và nguyên vật liệu mới vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý. 

Tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đất đai, xử lý môi trường; hướng dẫn các địa phương có làng nghề và các cơ sở sản xuất, chế biến trong làng nghề xây dựng, thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; cập nhật danh sách và khẩn trương xử lý dứt điểm các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hướng dẫn biện pháp bảo vệ môi trường đối với những làng nghề bảo tồn để phát triển tại chỗ. Đối với các làng nghề, ngành nghề phải di dời thì tiến hành xử lý các khu vực đã bị ô nhiễm sau khi di dời hoặc chấm dứt hoạt động.

Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ xây dựng các tua tuyến, điểm phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xúc tiến du lịch gắn với làng nghề; phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hoá nghề, làng nghề (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, phát huy các giá trị văn hoá của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hoá. Tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan trải nghiệm nhân dịp mừng Đảng mừng xuân, lễ Khai ấn, lễ hội Đền Trần, lễ hội chợ Viềng, Phủ Dầy và các lễ hội, hoạt động văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Lồng ghép phát triển du lịch gắn với làng nghề và kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh; mở rộng các tuyến du lịch làng nghề kết hợp du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch nông nghiệp và các tuyến du lịch khác; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, khuyến khích phát triển du lịch…

Bằng việc gia tăng các biện pháp đồng bộ, toàn tỉnh hướng đến mục tiêu giai đoạn 2021-2030 phấn đấu công nhận mới 4-5 làng nghề trong nhóm 9 làng nghề đang phát triển mới gồm nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), rượu Yên Phú, đúc đồng Vạn Điểm A, may Vĩnh Trị, điêu khắc gỗ Tân Ninh (Ý Yên); may mặc làng Sắc (Mỹ Lộc); trồng hoa, cây cảnh Vạn Diệp (thành phố Nam Định), các làng nghề trồng cây dược liệu Hải Toàn, Phú Văn (Hải Hậu). Phát triển thêm 5-7 làng nghề gắn với du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trong nhóm 14 làng nghề có tiềm năng kết hợp du lịch gồm các làng nghề trồng cây cảnh truyền thống Vỵ Khê, Là Điền, Trừng Uyên (Nam Trực); các làng nghề trồng cây cảnh Bắc Hưng, Đông Thành, Nam Sơn, Trần Phú, làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh (Hải Hậu); làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá, các làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống Lũ Phong, Ninh Xá, La Xuyên, làng nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, làng nghề tre ghép nứa truyền thống Thượng Thôn (Ý Yên). Duy trì và bảo tồn 1 nghề truyền thống, 2-3 LNTT có nguy cơ mai một, thất truyền. Đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá và xây dựng quản lý, quảng bá thương hiệu cho từ 3-5 nghề truyền thống, làng nghề. Có thêm ít nhất 10 sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề được xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP từ 3 sao trở lên. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5-2,0 lần so với năm 2025; trên 80% làng nghề, LNTT hoạt động có hiệu quả; có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com