Quyết tâm xây dựng nghề cá phát triển bền vững

08:30, 07/04/2023

Nuôi trồng và khai thác thủy sản là những ngành nghề quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cũng như kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, nghề cá của tỉnh cũng như của Việt Nam hiện đang phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đáp ứng các tiêu chí về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nếu muốn vào thị trường châu Âu, từ đó đi các thị trường lớn khác. Quá trình triển khai nhiệm vụ này thời gian qua cho thấy không ít khó khăn từ nhiều phía, cả trong công tác quản lý cũng như thay đổi thói quen, tư duy của ngư dân về vấn đề này. Vì vậy, việc nâng cấp lên nghề cá hiện đại, phát triển bền vững cần có nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là ngư dân. 

Thuyền về bến cá Giao Hải (Giao Thủy). 
Ảnh: Bùi Tuấn
Thuyền về bến cá Giao Hải (Giao Thủy). 

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 187.318 tấn, tăng 8.746 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 128.777 tấn, tăng 7.646 tấn; sản lượng khai thác đạt 58.541 tấn, tăng 1.100 tấn so với năm trước. Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 9.730 tỷ đồng (giá hiện hành) chiếm khoảng 28,1% tỷ trọng cơ cấu ngành Nông nghiệp; tổng sản lượng theo giá so sánh 2010 ước đạt 5.474 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2022 tăng khoảng 5,4% so với năm 2021. Theo Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 2-8-2021 về phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 của tỉnh đạt khoảng 230.150 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng 170.150 tấn, sản lượng khai thác 60 nghìn tấn; số lượng tàu cá của tỉnh khoảng 1.950 chiếc tàu. UBND tỉnh đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ để xây dựng và phát triển nghề cá bền vững như: Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác vùng lộng và ven bờ đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Thực hiện tốt các nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm từng bước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hoạt động khai thác thủy sản. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, nhằm giám sát có hiệu quả hoạt động của tàu cá, chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tham gia hiệu quả công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi sang các hoạt động thân thiện và bền vững. Tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm; giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đến năm 2030 dưới 10%. Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Chấm dứt khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển. 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển. 

Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) phối hợp với huyện Hải Hậu tập huấn kỹ năng báo hiệu cho ngư dân khi cần hỗ trợ trên biển.
Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) phối hợp với huyện Hải Hậu tập huấn kỹ năng báo hiệu cho ngư dân khi cần hỗ trợ trên biển.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức, cam kết cùng cộng đồng, toàn hệ thống chính trị đồng hành để sớm gỡ “thẻ vàng” chống khai thác IUU. Đồng chí Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nam Định cho biết: “Ban quản lý đã phân công cán bộ trực tiếp đến từng tàu cá tuyên truyền cho bà con ngư dân khi đi khai thác phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Khi tàu muốn cập hoặc rời Cảng cá đi khai thác, các chủ tàu, thuyền trưởng phải báo trước 1 giờ cho Ban quản lý để cập nhật vào sổ, sau đó chúng tôi sẽ kiểm tra thủ tục hồ sơ; đồng thời báo cho Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá kiểm tra Giấy phép khai thác thủy sản, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Ban quản lý khuyến cáo bà con ngư dân khai thác đúng luồng, đúng tuyến, đúng ngư trường, vùng biển và bảo đảm đầy đủ các thiết bị kiểm soát liên quan khi đi khai thác”.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương cần khuyến khích thành lập mới và duy trì các tổ đội sản xuất trên biển, phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thị Tố Nga thì các địa phương cần tập trung tổ chức lại việc khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững; điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường; xác định những nghề khai thác cần cắt giảm, lộ trình và chỉ tiêu cắt giảm cho từng nghề. Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của địa phương. Đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Chú trọng nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cao cho người nuôi; đa dạng các đối tượng có lợi thế góp phần giúp các hộ gia đình và địa phương làm giàu từ nuôi thủy sản.

Trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác IUU; đánh bắt sai vùng, sai tuyến. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi vươn khơi khai thác thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác và mở rộng hội nhập nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh nghề cá đạt hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc./.

 Bài: Văn Đại
Ảnh: Văn Đại, Bùi Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com