Chương trình OCOP - giải pháp tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Kỳ 3 - Cần những giải pháp căn cơ

07:58, 05/04/2023

Chương trình OCOP - giải pháp tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Kỳ 2: Tiêu thụ trên môi trường số - Đột phá thị trường cho sản phẩm OCOP

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Cần những giải pháp căn cơ

Mặc dù đã đạt được kết quả khá toàn diện, song Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần tập trung tháo gỡ và có những giải pháp căn cơ để phát triển mạnh mẽ, đồng đều, hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, tương xứng với vai trò tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Sản phẩm Nước mắm Ninh Cơ hạng 3 sao được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm Nước mắm Ninh Cơ hạng 3 sao được thị trường ưa chuộng.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP ở cơ sở còn hạn chế; sự liên kết sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Số lượng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP không đồng đều giữa các địa phương; thậm chí năm 2022 huyện Ý Yên không có sản phẩm nào được công nhận đạt chuẩn OCOP. Số sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới rất ít; phương án kinh doanh của nhiều chủ thể sản phẩm OCOP chậm đổi mới. Việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ và chưa có nhiều sự khác biệt so với trước. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và kênh bán các sản phẩm OCOP chưa đa dạng. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 27 sản phẩm OCOP đã hết hạn nhưng chưa tiến hành đề nghị UBND tỉnh công nhận lại… Số lượng cơ sở và sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng đạt chuẩn OCOP còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đủ khả năng tham gia đánh giá, xếp hạng nhưng chưa đăng ký tham gia. Mẫu mã, quy cách bao bì một số sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn ở mức độ thô sơ, thiếu tính đặc sắc, chưa thu hút, bắt mắt; thông tin trên bao bì chưa đầy đủ, đúng quy định. Một số sản phẩm sản xuất với quy mô nhỏ, thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá sản phẩm; đa số các cơ sở chủ thể sản phẩm OCOP chưa có khái niệm về “câu chuyện sản phẩm”, hoặc nội dung câu chuyện chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa; nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo. Một số sản phẩm chất lượng chưa cao; việc xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm và hồ sơ lô của một số chủ thể sản phẩm còn sơ sài, thiếu sót; nhiều sản phẩm mới ở mức sơ chế, chế biến thô nên chưa thể gia tăng giá trị sản phẩm…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các cơ sở sản xuất cơ bản là nhỏ lẻ nên nguồn lực đầu tư nâng cấp công nghệ, nhà xưởng và sản phẩm còn hạn chế. Tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường diễn biến phức tạp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh các cơ sở bị sụt giảm, thậm chí một số sản phẩm không còn duy trì sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, marketing của một số chủ thể sản phẩm OCOP còn thiếu và yếu. Các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa tập trung công sức, trí tuệ để hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia Chương trình OCOP.

Sản xuất nấm bào ngư tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Sản xuất nấm bào ngư tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Phấn đấu hết năm 2023, toàn tỉnh có ít nhất 50 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương và nhất là các chủ thể sản phẩm OCOP phải tập trung duy trì, nâng cao chất lượng cho 329 sản phẩm đã được chứng nhận và xếp hạng (đạt sao) OCOP; rà soát, nâng hạng, cấp lại giấy chứng nhận OCOP cho các sản phẩm đã được công nhận trong những năm qua.

Để hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP đề ra cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển các phương án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, vai trò và ý nghĩa Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên website Chương trình OCOP của tỉnh; tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước, thiết kế các túi, giỏ quà OCOP đặc trưng của tỉnh... Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP; khuyến khích hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm làng nghề và đặc sản truyền thống của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã QRcode, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.

Sản phẩm Muối sạch của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định (thành phố Nam Định) là sản phẩm OCOP hạng 3 sao được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mang lại giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm Muối sạch của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định (thành phố Nam Định) là sản phẩm OCOP hạng 3 sao được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo các chuyên gia, ngoài việc giúp các chủ thể sản phẩm OCOP thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hiểu rõ hơn về thị trường, biết tường tận thị trường nào cần sản phẩm gì để đầu tư sản xuất đúng, đủ, không chạy theo “tâm lý đám đông” tự phát mở rộng diện tích, quy mô sản xuất các sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng, bất chấp quy mô, nhu cầu, sức mua của thị trường đến đâu?! Hiểu rõ thị trường là yếu tố then chốt để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững. Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định): “Hiện nay, nhu cầu thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu rất lớn và đa dạng. Các thị trường này có các yêu cầu, quy định rất chặt chẽ trong thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt chú trọng các yêu cầu về lao động, môi trường, chi phí về vận tải, dịch vụ… Hiểu rõ yêu cầu này và đưa vào tiêu chí sản xuất các sản phẩm OCOP thì cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm OCOP sẽ đến và thu nhập của chủ thể sản phẩm OCOP nói riêng, kinh tế khu vực nông thôn sẽ được cải thiện từ việc bán được sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm Nghêu thịt đóng hộp Lenger của Công ty đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao và đang tiếp tục nâng cấp hoàn thiện để đề nghị Bộ NN và PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Để đạt được kết quả này, Công ty đã liên kết với các địa phương, hộ nông dân xây dựng vùng sản xuất đạt chứng nhận ASC chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam; phối hợp đào tạo nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý. Từ thành công này, Công ty sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trong tương lai”.

Rõ ràng, việc nhận thức đầy đủ những hạn chế, chỉ ra nguyên nhân là cần thiết để đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững. Đồng thời với những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chương trình thời gian qua sẽ giúp các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt Chương trình OCOP, tạo nguồn lực tại chỗ để các địa phương thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com