“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

07:40, 20/04/2023

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững thời kỳ mới, Huyện ủy Trực Ninh ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/HU, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 90 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện, hướng tới mục tiêu: “Xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”. Đồng thời, huyện phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; huy động các nguồn lực tham gia phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Nông thôn mới nâng cao xã Trực Đại (Trực Ninh).
Bài và ảnh: Việt Thắng
Nông thôn mới nâng cao xã Trực Đại (Trực Ninh). 

Khởi sắc “Tam nông”

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó Chương trình số 05-CTr/HU ngày 17-12-2020 của BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 về “khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025” từng bước đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã huy động có hiệu quả các nguồn lực về vốn, lao động, đất đai cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, tổng diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lúa là 874ha, trong đó có 701,5ha được liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh; Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh seed, Hợp tác xã (HTX) Dược thảo Hoàng Thành. Việc áp dụng đồng bộ cơ giới các khâu từ làm đất, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch đã giảm được khoảng 10% chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đã tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư nâng cấp hạ tầng; đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Công ty TNHH Cường Tân là doanh nghiệp tiêu biểu của huyện thực hiện hiệu quả việc dồn điền, đổi thửa, tạo quỹ đất lớn cho sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty đã thuê, gom ruộng trong thời hạn từ 5-10 năm tại một số xã Trực Hùng, Trực Phú, Trực Đại, Trực Thái của huyện, các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng (Xuân Trường) và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Liên kết sản xuất giống lúa lai F1 trên 450ha với phương thức tổ chức sản xuất: Công ty đầu tư giống gốc, hóa chất, kỹ thuật, thủy lợi, trang bị công cụ cơ giới hóa sản xuất, ứng vốn cho nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt giống lúa lai F1. Hộ nông dân đầu tư công lao động, sản xuất theo đúng quy trình công nghệ và giao nộp toàn bộ sản phẩm hạt giống lai F1 cho Công ty. Hiện nay, giá bán các sản phẩm giống lúa lai F1 thấp hơn giá ngoài thị trường từ 20-30%. Với sản lượng từ 1.000-1.500 tấn giống lúa lai F1 hàng năm đã tiết kiệm cho nông dân từ 10-25 tỷ đồng mỗi năm. Sản lượng giống lúa lai F1 của Công ty đã thay thế một phần giống lúa nhập nội, góp phần từng bước chủ động giống cho sản xuất, tạo thêm hàng trăm nghìn công lao động, đem lại giá trị hàng chục tỷ đồng. Công ty tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm giống lúa tới bà con nông dân tại 38 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Công ty liên kết với các HTX và hộ nông dân tổ chức sản xuất cây vụ đông và bao tiêu sản phẩm dưa chuột bao tử, bí xanh và cây rau màu các loại; phục vụ cho nhu cầu thị trường và chế biến hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người lao động. 

Nhằm tạo đột phá trong phát triển “tam nông” thời kỳ mới, tạo đà cho sự phát triển bền vững, huyện Trực Ninh tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trong toàn huyện được tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hết năm 2022, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt 3.669,1 tỷ đồng, bằng 116,4% so với cùng kỳ năm 2021. Triển khai nhiệm vụ lập, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ninh Cường, thị trấn Cát Thành và quy hoạch chung xây dựng 18 xã đến năm 2030. Xây dựng Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị thị trấn Cát Thành; khu tái định cư và khu dân cư tập trung thị trấn Ninh Cường. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng khu dân cư tập trung xã Trực Thái; các tuyến nhánh tỉnh lộ 488B; dự án xây dựng khu dân cư tập trung xã Trực Hùng; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển thuộc địa bàn 3 xã: Trực Tuấn, Liêm Hải, Việt Hùng. Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 99%. Triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 tại các xã Trực Thanh, Trực Đại, tổng giá trị dự án 849 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% (vượt kế hoạch); tạo việc làm mới cho 3.800 lao động. Tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 còn 1,53%...

Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa

Đồng chí Phạm Trọng Duy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Thực hiện những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 90 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện. Theo đó, Kế hoạch 90 cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII phù hợp với đặc điểm, tình hình của huyện Trực Ninh và gắn kết chặt chẽ với những chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn huyện.

Huyện Trực Ninh phấn đấu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản đạt bình quân 2%/năm trở lên. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 10%/năm trở lên. Có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Nông dân và cư dân nông thôn trên địa bàn huyện văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với lợi thế của địa phương; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn với thị trường. Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh - sạch - đẹp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Huyện tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế của huyện. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, để khai thác lợi thế các sản phẩm đặc trưng của các địa phương, sức sáng tạo của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là HTX, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển các loại cây trồng có giá trị cao, bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực theo hướng: tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực chiếm khoảng 60%, rau đậu các loại và hoa khoảng 28%, cây lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu lâu năm, cây cảnh…) khoảng 12%. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, nhân rộng mô hình nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bố trí quỹ đất phù hợp cho phát triển chăn nuôi. Phát triển ngành thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 10 nghìn tấn trở lên, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 7.000 tấn, khai thác thủy sản đạt 3.000 tấn.

Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích người dân. Phấn đấu đến năm 2030, có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com