Chủ động quản lý, đảm bảo an toàn hệ thống đê kè

20:16, 18/04/2023

Nam Định có 663km đê và 8km đê biển Cồn Xanh (trong đó gồm 99km đê biển; 274km đê sông từ cấp I đến cấp III; 298km đê dưới cấp III) và có trên 169km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển. Hàng năm, hệ thống đê điều và phòng, chống thiên tai (PCTT) của tỉnh đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTT ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, hệ thống đê điều của tỉnh đều xây dựng từ lâu, lại phải hứng chịu nhiều trận bão lớn do biến đổi khí hậu nên cũng đã xuống cấp; trong khi tỉnh còn khó khăn về kinh phí nên tiến độ cải tạo các điểm xung yếu, nâng cấp đồng bộ hệ thống đê kè còn chậm.

Huyện Giao Thủy cải tạo, đảm bảo an toàn tuyến kè sông đoạn qua xã Giao Tiến.
Huyện Giao Thủy cải tạo, đảm bảo an toàn tuyến kè sông đoạn qua xã Giao Tiến.

Mới đây, huyện Xuân Trường đã đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư để kiên cố hóa kênh Đồng Nê 2, Đồng Nê 4 trước khu vực trung tâm xã Xuân Ngọc và Tòa Giám mục Bùi Chu; kè 2 bờ kênh Nam Điền A-B trên địa bàn xã Xuân Vinh, kênh Tàu 1 trên địa bàn xã Xuân Hòa do đã bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và có nguy cơ cao gây mất an toàn trong mùa mưa bão; cải tạo, nâng cấp cống Kẹo thuộc đê tả sông Ninh Cơ trên địa bàn xã Xuân Ninh nay đã xuống cấp nghiêm trọng để đảm bảo cho việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất và an toàn trong mùa mưa bão. Không chỉ huyện Xuân Trường, tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh đều đề xuất với tỉnh về các đoạn tuyến đê, kè cần ưu tiên, sớm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn hành lang hệ thống đê kè ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng phương tiện cơ giới chở quá tải hoạt động gây hư hỏng mặt đê, dựng barie hạn chế trọng tải trên đê gây cản trở và mất an toàn đê điều, nhất là các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông; một số bãi vật liệu xây dựng chất tải với khối lượng lớn, quá chiều cao cho phép sát chân đê, trong hành lang bảo vệ đê tiếp tục tái diễn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều; một số hộ dân tự ý cải tạo thùng ao, ruộng lúa, đắp bờ bao bảo vệ sản xuất ảnh hưởng đến hành lang, không gian thoát lũ…

Theo UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp, cần phải tu sửa nên nguồn vốn để tu sửa công trình đòi hỏi rất lớn trong khi ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên trước mắt ưu tiên cho các công trình cấp bách. Trên tinh thần đó, trong phương án bố trí vốn đầu tư công đợt cuối năm 2022, tỉnh quyết định ưu tiên bố trí vốn một số dự án cải tạo, nâng cấp đê kè trọng điểm. Cụ thể, giai đoạn 2022-2026 tiến hành đầu tư nâng cấp, gia cố một số đoạn kè xung yếu, bị hư hỏng trên đê sông huyện Ý Yên với tổng chiều dài khoảng 4,1km, tổng vốn đầu tư dự kiến 98 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác nhằm chống sạt lở mái kè, đảm bảo an toàn cho tuyến kè bảo vệ đê; tăng cường khả năng phòng, chống bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng dự án, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường. Các đoạn tuyến bao gồm: Kè Đống Cao đoạn từ K22+580 và K23+250 đến K23+643 đê hữu Đào với chiều dài khoảng 0,67km; 0,5km kè An Quang đoạn từ K18+520 đến K19+020 đê hữu Đào; kè Độc Bộ đoạn từ K169+050 đến K169+500 đê tả Đáy và K25+130 đến K25+250 đê hữu Đào với chiều dài khoảng 0,55km; 1,58km kè Yên Trị đoạn từ K164+200 đê tả Đáy đến K1+65 đê bối Yên Trị; 0,8km kè Đông Duy đoạn từ K152+650 đến K153+423 đê tả Đáy. Tại huyện Mỹ Lộc giai đoạn 2022-2024, cải tạo, nâng cấp hệ thống Trạm bơm Tân Đệ và các công trình phụ trợ với tổng vốn đầu tư dự kiến 30 tỷ đồng từ 50% nguồn ngân sách tỉnh (nguồn thu tiền sử dụng đất tại các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn huyện Mỹ Lộc thuộc phân cấp lại để chi đầu tư các dự án công trình trên địa bàn huyện do tỉnh quyết định đầu tư) và 50% từ các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm chống sạt lở bờ kênh bồi lấp lòng kênh, giảm khối lượng nạo vét, tu sửa hàng năm; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý vận hành trong hệ thống và phát triển giao thông nông thôn khu vực hưởng lợi công trình; ổn định và phát triển. Các công trình bao gồm: Cống lấy nước và gia cố mái đê phía sông hai bên mang cống; hệ thống trạm bơm (nhà trạm, thiết bị và hệ thống điện đồng bộ; cống xả tiêu, kiên cố hoá kênh tưới Âm Xa; kiên cố hoá kênh tưới Cánh Mùng; nạo vét và kiên cố hoá kênh dẫn trạm bơm; cứng hoá mặt đê bối.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 31-3-2023 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, các tổ chức, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống lũ, bão năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Trong đó, ngay trong tháng 4 phải hoàn tất việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN); phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên; tổ chức tổng kết công tác PCTT và TKCN, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi năm 2022, đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại hạn chế để triển khai nhiệm vụ năm 2023. Khẩn trương tiến hành tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê. Đồng thời tăng cường kiểm tra các tuyến đê, kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình xây dựng liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều; kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều. Chú ý xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai hành lang bảo vệ đê điều; xả thải vào nguồn nước; quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh, kiểm soát hoạt động vận chuyển của các phương tiện quá trọng tải; quản lý, sử dụng hiệu quả các barie để ngăn chặn xe quá trọng tải; yêu cầu các chủ bãi vật liệu xây dựng hạ thấp độ cao các bãi cát, đá, gạch và không được chất tải trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi... Đặc biệt, các ngành, các địa phương phải căn cứ theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu; xây dựng, phê duyệt phương án hộ đê đối với các khu vực trọng điểm theo phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đê điều, PCTT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ đê kè, PCTT và TKCN./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com