Làm giàu trên vùng đất “khó”

10:16, 24/02/2023

Không chỉ “biến” hơn 3ha vùng đất khó canh tác ven đê sông Ninh Cơ trở thành trang trại tổng hợp tiền tỷ, ông Vũ Thanh Chuyển ở thôn Tiền Phong 1, xã Trực Thanh (Trực Ninh) còn tích cực giúp đỡ, tạo việc làm cho người lao động; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, gợi mở cách làm giàu trên những vùng đất “khó” cho nhiều hộ nông dân… Vừa qua, ông Chuyển vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định”.

Ông Vũ Thanh Chuyển, xã Trực Thanh chăm sóc, cắt tỉa cây hoa hồng.
Ông Vũ Thanh Chuyển, xã Trực Thanh chăm sóc, cắt tỉa cây hoa hồng.

Cách khu dân cư thôn Tiền Phong 1 khoảng 1km, trang trại tổng hợp của gia đình ông Vũ Thanh Chuyển ngút ngát sắc xanh của bưởi, táo, chuối... cùng hệ thống ao cá và chuồng trại chăn nuôi tạo thành vùng sản xuất khép kín. Để có được cơ ngơi và thành công như ngày hôm nay, ông Chuyển đã bao phen “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên vùng đất trồng sen, cấy lúa không hiệu quả, đã nhiều năm liền bị bỏ hoang này. Sinh năm 1969 trong một gia đình nông dân nghèo, ông sớm nhận ra những khó khăn ở một vùng nông thôn độc canh cây lúa, khi thời vụ sản xuất kết thúc thì đa số lao động nông nghiệp không có việc làm, không có nghề phụ để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống khó khăn càng nhen nhóm và nung nấu ý chí ước mơ làm giàu trong ông. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và xây dựng gia đình, ông vẫn trăn trở mong muốn vươn lên. Ông hiểu rằng không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là phải đổi mới cách làm. Ông phải đi đến các vùng, các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, “mượn” cách thoát nghèo, làm giàu ngay từ đồng đất. Nhiều đêm tâm sự cùng vợ, ông đã quyết tâm “Nam tiến” đầu tư mua đất rừng ở huyện Di Linh (tinh Lâm Đồng) để trồng cây công nghiệp. Song ở nơi “đất khách quê người” không nắm được đặc điểm tự nhiên, kinh nghiệm bản thân cũng không có nên lần “khởi nghiệp” này thất bại. Không chùn bước, ông tự nhủ “thua keo này, bày keo khác”, ông tính toán phân tích kỹ và tìm nguyên nhân thất bại lần trước, quyết định chuyển hướng khác, dù có phải mất thời gian, công sức, tiền của để học hỏi, làm lại từ đầu. Nhờ tinh thần ấy, ông đã đi lên từ thất bại. 

Được sự giúp đỡ của bạn bè cùng với ý chí quyết tâm cao, ông đã đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế tổng hợp “Vườn - ao - chuồng” hiệu quả ở nhiều nơi và quyết định trở về quê áp dụng. Rất may ông trở về đúng thời điểm địa phương có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2009 ông đã thuê hơn 1,5ha cánh đồng gần nhà với một số đất thùng đào, thùng đấu và ruộng lúa năng suất thấp bị bỏ hoang để tổ chức sản xuất. Được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cộng với vốn gia đình tiết kiệm được và vay mượn từ anh em họ hàng, ông Chuyển đã đầu tư đào ao, vượt lập. Đây là vùng đất rất khó canh tác, mất nhiều công sức và tiền vốn đầu tư cải tạo song với bản tính cần cù, chịu khó nên ông đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh, khoa học. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi ở vùng bãi sông Ninh Cơ, ông đã kết hợp tổ chức sản xuất mô hình kinh tế tổng hợp: trên vườn trồng cây ăn quả, cây cảnh; hệ thống chuồng trại chăn nuôi vịt, gà, ngỗng, lợn; dưới ao nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè trôi… Không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, ao nuôi; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, do vậy toàn bộ cây trồng, vật nuôi của gia đình ông luôn bảo đảm an toàn dịch bệnh và cho thu “quả ngọt”. 

“Ngay từ năm đầu tiên, tôi đã thắng lớn. Chỉ riêng tiền bán cá tôi đã thu về 168 triệu đồng. Sau khoảng 3-4 năm tôi đã thu hồi lại toàn bộ số vốn bỏ ra” - ông Chuyển nhớ lại. “Của ruộng đắp bờ”, ông Chuyển tiếp tục lấy tiền đó đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2018, ông thuê thêm đất để mở rộng diện tích tập trung, tiếp tục thuê máy múc đào ao, lập vườn, tăng quy mô chuồng trại. Sau nhiều năm cố gắng, ông Chuyển đã sở hữu trang trại tổng hợp rộng 3ha trồng các loại cây ăn quả, hoa cây cảnh như: bưởi, táo, chuối, hoa hồng sen…; chăn nuôi kết hợp 100 con lợn thịt, 1.000 con vịt đẻ, 300 con ngỗng đẻ; 6 mẫu mặt nước nuôi cá hàng năm cho thu 25-30 tấn cá… Hàng năm, sau khi trừ chi phí các loại, trang trại tổng hợp của gia đình ông Chuyển cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của ông Chuyển tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/người/tháng; vào kỳ thu hoạch rộ ông Chuyển còn thuê trên 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 300-350 nghìn đồng/người/ngày. Thu nhập ổn định, ông Chuyển có điều kiện nuôi các con học đại học, hiện các cháu sắp ra trường. 

Với tinh thần sống và hành động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Chuyển cùng gia đình luôn có nhiều đóng góp cho các phong trào và công tác xã hội tại địa phương. Đặc biệt, hòa chung trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” ông đã hiến đất đai, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Cũng từ sự quyết tâm và thành quả đạt được, ông Chuyển đã vận động, trao đổi, hướng dẫn nhiều hộ dân địa phương cùng thực hiện, vươn lên làm giàu. Những diện tích đất hoang hóa trong xã giờ đây đều được phủ kín bằng những vườn cây xum xuê, hệ thống chuồng trại, ao cá kiên cố, khang trang, đời sống nhân dân trong thôn ngày một nâng cao, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Ông Chuyển cho biết: “Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển sang sản xuất mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch, an toàn để tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng nông nghiệp sạch, mở hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con”. 

Đồng chí Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Thanh cho biết: “Mô hình trang trại tổng hợp thành công trên đất hoang hóa của gia đình ông Vũ Thanh Chuyển là kinh nghiệm quý để nông dân trong và ngoài xã học tập, từ đó giúp địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ông Chuyển không chỉ là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn minh chứng cho sự thành công từ sự kiên trì học hỏi, khát khao làm giàu ngay tại quê nhà”./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com