Các kênh vốn hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

08:14, 24/02/2023

Năm 2022, để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, ngành ngân hàng tỉnh đã tích cực gia tăng đồng bộ các giải pháp tiếp vốn kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dệt may Việt Thái ở xã Yên Trị (Ý Yên).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dệt may Việt Thái ở xã Yên Trị (Ý Yên).

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2022 đạt 96.720 tỷ đồng, tăng 9.585 tỷ đồng (11%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay 93.080 tỷ đồng, tăng 12.143 tỷ đồng (15%) so với đầu năm. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 74,8%; cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 25,2%. Đã có 1.810 doanh nghiệp được vay vốn với tổng dư nợ 27.924 tỷ đồng, chiếm 30%; 9 hợp tác xã với dư nợ là 22 tỷ đồng, chiếm 0,02%;  241.262 khách hàng hộ gia đình, cá nhân với dư nợ là 65.134 tỷ đồng, chiếm 69,98%. Kế thừa uy tín từ thương hiệu Vietcombank với phương châm “Phát triển - sáng tạo - an toàn - hiệu quả - bền vững”, năm 2022, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt tăng trưởng nguồn vốn huy động; tích cực mở rộng mạng lưới giao dịch để phục vụ khách hàng, chú trọng phát triển khách hàng FDI, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhờ đó, nguồn vốn huy động của Vietcombank Nam Định đã không ngừng tăng trưởng vượt bậc qua các năm. Tính đến hết 30-11-2022, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 5.036 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 5.348 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 38%/năm, luôn vượt kế hoạch năm do Vietcombank giao. Hiện có hơn 100 nghìn khách hàng có quan hệ tín dụng với Chi nhánh, trong đó có hơn 1.000 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài ra, Vietcombank Chi nhánh Nam Định luôn “sẵn sàng đổi mới”, tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích như: VCB Digibank, VCB Pay, VCB Cashup... thu hút đông đảo khách hàng cá nhân, doanh nghiệp sử dụng bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết ngày 30-11-2022, Vietcombank Nam Định triển khai thu hộ hơn 85,393 tỷ đồng tiền thuế với 8.592 món, 224,21 tỷ đồng tiền điện với 133.282 món, 2,43 tỷ đồng tiền nước với 14.845 món; 4,189 tỷ đồng tiền học phí với 11.182 món.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất của Chính phủ. Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 44 triệu đồng cho 8 khách hàng gồm 4 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Tiệp, chủ trang trại nuôi lợn theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại thôn Tam Quang, xã Yên Thắng (Ý Yên) chia sẻ với chúng tôi: “Trong 2 năm 2020 và 2021 ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank luôn tạo điều kiện tiếp vốn ưu đãi để gia đình phát triển trang trại nuôi lợn, nhất là đã hỗ trợ gia đình có vốn vượt qua bão dịch tả lợn châu Phi, tái đàn thành công”. Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi “tấn công”, đàn lợn của gia đình ông bị mắc bệnh, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau khi “bão” dịch tả lợn châu Phi qua đi, được Agribank Chi nhánh Nam Ý Yên (Agribank Bắc Nam Định) tiếp vốn, ông Tiệp đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lại trang trại rộng 600m2 tiếp tục nuôi lợn theo hướng chăn nuôi bền vững, kiểm soát dịch bệnh. Toàn bộ trang trại được xây dựng chuồng kín, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, có lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, hệ thống cấp nước tự động, camera giám sát đàn lợn nuôi… Đặc biệt, chuồng nuôi lợn sử dụng nền đệm lót sinh học, đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua đó, nâng cao chất lượng chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Đến nay, đàn lợn hơn 300 con lợn thương phẩm, 50 con lợn mẹ đều sinh trưởng tốt. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông sẽ xuất bán được hơn 30 tấn thịt lợn hơi. Mới đây, gia đình ông còn được Agribank Chi nhánh Nam Ý Yên hỗ trợ giảm 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho món nợ 600 triệu đồng, số tiền lãi
được hỗ trợ gần 4 triệu đồng. Ông Tiệp vui vẻ cho biết: “Số tiền lãi hỗ trợ tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình trước áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua, yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Trong năm, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã tiến hành rà soát đối tượng và tính toán số tiền khách hàng được hưởng hỗ trợ lãi suất từ 1-1-2022 đến 31-10-2022 gồm 24.058 món với dư nợ 973,802 tỷ đồng, số tiền được hỗ trợ là 8,766 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã hỗ trợ được 579 món, số tiền lãi đã hỗ trợ là 129 triệu đồng. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng loạt hỗ trợ giảm lãi suất cho vay hiện hữu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng cuối năm. Cụ thể, BIDV giảm lãi suất 0,5-2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân… Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ hiện hữu tại thời điểm 30-11 và dư nợ phát sinh từ ngày 1-12 đến 31-12-2022. HDBank cam kết giảm lãi suất lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau từ ngày 1-11 đến 31-12-2022. SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh... Trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, Vietcombank Chi nhánh Nam Định đã triển khai 5 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đây là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh định hướng tiếp tục điều hành tín dụng đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chú trọng đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất lãi suất 2% là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định; tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com