Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một dấu mốc vàng son trong tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thành lập trong kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện vô cùng khó khăn tại chiến khu Việt Bắc nhưng qua những dòng cảm tưởng của những người thầy được ghi lại trong cuốn sổ vàng của trường, chúng ta thấy được một tinh thần lạc quan, tràn đầy khí thế về tương lai tươi đẹp của nền báo chí cách mạng nước nhà.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1949. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Một hiện vật quý
Có lẽ những thông tin về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thành lập năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc đã được nhiều người biết đến, có khá nhiều bài viết giới thiệu về ngôi trường này trên báo chí. Tuy nhiên, có một hiện vật vô cùng quý giá đó là cuốn sổ ghi cảm tưởng của các giảng viên trong quá trình dạy học thì chưa hẳn đã có nhiều người được “mục sở thị”, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Việc giải mã được bút tích của các giảng viên cũng là cả một câu chuyện dài. Biết đây là một hiện vật đặc biệt quan trọng nhưng để xác minh được chữ ký của các giảng viên, qua đó làm sáng tỏ thêm về ngôi trường này thì là điều rất khó khăn, bởi giảng viên, học viên của lớp phần nhiều đã mất, số còn lại chỉ còn vài người nhưng đều đã cao tuổi, có người không thể nhớ rõ vì thời gian trôi qua đã rất lâu.
Qua những lần được tiếp xúc và ghi chép những câu chuyện kể của nhà báo Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, học viên của trường (khi đi học ông lấy tên là Hoàng Kiên Trung) kể về những kỷ niệm của ngôi trường này và những giảng viên đã để lại ấn tượng đặc biệt trong ông. Mặc dù tuổi đã cao nhưng trí nhớ của ông rất mẫn tiệp. Ông chỉ cho tôi chữ ký của từng giảng viên: “Đây là chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp này, còn đây là của nhà thơ Tố Hữu, rồi thì Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Tuân, Nam Cao...”. Tôi cảm thấy vô cùng vui sướng, bởi vì cuốn sổ đã nằm rất lâu trong Bảo tàng nhưng chưa ai có thể giải mã được hết giá trị của nó và chỉ đến khi “lớp trưởng” Trần Kiên được cầm trên tay thì từng mảnh ghép đã được mở.
Những nét chữ thân thương cùng bao điều gửi gắm
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng “nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyên truyền báo chí trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi”. Trong quá trình học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư cho lớp (ngày 9-6 và tháng 7-1949) để động viên tinh thần giảng dạy cũng như học tập của các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Các giảng viên của trường là những người rất giỏi về báo chí và chính trị, văn nghệ như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Đồ Phồn, Như Phong, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao... Họ đã góp phần đào tạo nên những học viên xuất sắc đầu tiên của Trường mà sau này nhiều người trong số đó đứng đầu các cơ quan báo chí lớn.
Bút tích của đồng chí Trường Chinh
Ông là giảng viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, là người để lại nhiều ấn tượng cho các học viên bởi những bài giảng rất hay về cách viết bình luận, xã luận. Nhà báo Trần Kiên vẫn nhớ kỷ niệm về người thầy đáng kính: Đồng chí Trường Chinh sau khi giảng, chia sẻ kinh nghiệm, quy tắc viết, đồng chí ra đề bài: Viết một bài xã luận về chỉ thị Thi đua ái quốc do Bác Hồ kêu gọi. Hôm trả bài, đồng chí Trường Chinh nhận xét từng bài, nhà báo Trần Kiên lo lắng vì mãi không thấy nói gì đến bài của mình, sau đó đồng chí khen bài của Trần Kiên là viết được, xếp thứ nhất thì ông mới thở phào nhẹ nhõm.
Trong sổ ghi cảm tưởng về Trường, ông có viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân. Ngày 22-6-1949” (Sách: Kỷ yếu 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam).
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm báo rất sớm, ông viết cho các báo: Tiếng Dân, Le Travail... Năm 1949, ông là giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chuyên dạy về phóng sự, ký sự chiến tranh. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của trường, ngày 10-6-1949, ông viết: “Tuyên truyền là một hình thức chiến tranh. Không kém hiệu lực đối với chiến tranh thực tế. Tổng bộ Việt Minh mở lớp dạy làm báo đã nêu cao nhiệm vụ của tuyên truyền trong cuộc chiến tranh giải phóng và sẽ giúp vào công cuộc kháng chiến một phần quan trọng”.
Bút tích của đồng chí Hoàng Quốc Việt
Đồng chí Hoàng Quốc Việt khi đó là Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đồng thời cũng là giảng viên của Trường, chuyên giảng về chính trị. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về Trường dạy làm báo đề ngày 11-6-1949, ông viết: “Muốn xây dựng những nhà máy mới, cần có những lớp thợ mới. Muốn cho dân tộc mau thấm nhuần được ý thức dân chủ mới, cần có những cây bút mới. Chúng tôi hy vọng rằng anh chị em theo lớp Huỳnh Thúc Kháng, sau khi đã thâu góp được những thường thức về cách làm báo, sẽ biết tự học thêm, tự tiến thêm để trở thành những nhà làm báo mới với tinh thần cương nghị, sáng suốt và bền bỉ của nhà báo gia lão “Cụ Cố Huỳnh Thúc Kháng”. Điều mong mỏi của chúng tôi chắc chắn sớm thành sự thực”.
Bút tích của Nhà báo Đỗ Đức Dục
Ngoài trọng trách Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, làm báo Độc Lập, năm 1949 nhà báo Đỗ Đức Dục được cấp trên phân công làm Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng kiêm giảng viên chuyên dạy về lịch sử và tính chất của báo chí. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhân ngày bế giảng, 6-7-1949, ông có viết: “... Nghề viết báo đòi hỏi hơn đâu hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải. Ở nghề nào còn có thể giấu giếm được phần nào sự vụng về, dung túng được phần nào sự thấp kém, chứ ở nghề viết báo thì vụng về thấp kém nó bầy ngay ra trước mắt mọi người. Và người viết báo phải luôn luôn chịu đựng muôn nghìn phê bình khe khắt của dư luận, của độc giả. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm mà thu nhận những lời phê bình của đủ các hạng độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được...”.
Bút tích của Nhà văn Nam Cao
Năm 1949, nhà văn Nam Cao phụ trách phần Văn nghệ của Báo Cứu Quốc, ông là giảng viên của Trường dạy về mảng kỹ năng viết văn. Trong sổ ghi cảm tưởng, ngày 13-5-1949, nhà văn Nam Cao chia sẻ: “Giá hồi mới bước vào nghề, tôi đã được như các bạn ngày nay, được một học thuyết tiến bộ soi đường, được một lớp như lớp Huỳnh Thúc Kháng này hướng dẫn, thì tôi đã tránh khỏi mất bao nhiêu thì giờ mò mẫm, khỏi viết bao nhiêu cái mà bây giờ nghĩ đến tôi thấy nóng tai. Các bạn may mắn hơn tôi và có tương lai hơn những kẻ như tôi nhiều lắm”.
Lớp nhà báo đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dưới sự quan tâm và chỉ dạy tận tình của các giảng viên, đã đồng cam, cộng khổ, vững vàng song hành cùng nhân dân và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng để đi tới thắng lợi cuối cùng. Tuy chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đào tạo báo chí, đặt nền móng cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam sau này./.
Nguyễn Ba
(Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin