Bác Hồ trong trái tim tôi

11:39, 19/05/2023

Tròn một buổi trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Tiểu học Yên Trị (Ý Yên), đạt giải Nhất cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” không hiếm lần chúng tôi thấy chị xúc động.“Quá trình làm bài dự thi tôi được gặp nhiều nhân chứng từng gặp Bác, được nghe họ kể về những việc làm, lời dặn dò của Bác… khiến tôi vô cùng cảm phục và hình ảnh Bác Hồ in sâu trong trái tim tôi. Tôi sẽ cố gắng truyền tình cảm, cảm nhận của tôi về Bác cho học sinh, để các em cùng học và làm theo Bác”, chị Dung chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Tiểu học Yên Trị (Ý Yên), đạt giải Nhất cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Tiểu học Yên Trị (Ý Yên), đạt giải Nhất cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ".

Sau khi được phổ biến thông tin về Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ", cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung bắt tay ngay vào thực hiện bài dự thi. “Tuy nhiên, lúc đó các ý tưởng của tôi cho bài dự thi chưa thật rõ ràng. Trong đầu tôi lúc này chỉ nghĩ đến xã Yên Tiến, một địa danh của huyện vinh dự được Bác Hồ về thăm. Về Yên Tiến, tôi được gặp những nhân chứng đã từng gặp Bác, từ đó được gợi mở nhiều ý tưởng khi làm bài dự thi”, chị Dung chia sẻ thêm về quá trình xây dựng bài dự thi. Thực hiện bài dự thi, ngoài việc bám sát yêu cầu, thể lệ Cuộc thi, chị còn có sự sáng tạo để tác phẩm dự thi thêm phong phú, sinh động. Chị Dung chia bài thi thành các chương mục cụ thể, trong đó phần đầu nêu giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phần 2 có tựa đề “60 năm Nam Định in dấu chân Người” (điểm lại 5 lần Bác về thăm, làm việc với Nam Định); phần 3 “Nhớ mãi lời Bác dạy” (quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh của Đảng bộ và chính quyền nhân dân trong tỉnh). Cũng trong phần này, chị Dung đã có phần liên hệ rất sâu sắc với nội dung “Bác Hồ trong trái tim tôi" về việc học và làm theo Bác của chị.

Ngoài phần thi chính, để tác phẩm dự thi thêm phong phú, “hấp dẫn”, chị Dung còn xây dựng thêm phần phụ lục gồm các bài viết: “Lối xưa ta về, nghe kể chuyện Bác Hồ”; “Lan toả tình cảm của nhân dân Nam Định với Bác Hồ” và một số hình ảnh sưu tầm báo chí viết, đăng tải về Bác nhân dịp Người về thăm Nam Định. Ngoài các bài viết, chị còn gửi kèm bài dự thi 1 clip phóng sự “Bác Hồ với thế hệ măng non” dài 4 phút được quét mã QR Code, ghi lại một số sinh hoạt tiếp lửa truyền thống học và làm theo Bác của thầy và trò Trường Tiểu học Yên Trị, cảm xúc của các em học sinh khi tham gia Cuộc thi “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”. “Mặc dù là phụ lục nhưng đây lại là phần thi tôi tâm huyết và cũng bỏ nhiều tâm sức nhất để thực hiện”, chị Dung cho biết. Để thực hiện phần thi này, trong bài “Lối xưa ta về, nghe kể chuyện Bác Hồ” chị đã liên hệ với Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Yên Tiến nhờ các bác giới thiệu những người từng được gặp Bác năm xưa. Và rất may mắn, chị đã gặp được các CCB Phạm Hồng Thinh, Phạm Đình Phan hiện là Trưởng và Phó Ban quản lý Khu di tích thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến. Ông Thinh đã kể cho chị nghe diễn biến ngày 13-8-1958, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tại xã Yên Tiến. “Đúng 10h30 phút ngày 13-8, đoàn xe chở Bác cùng các đại biểu từ từ dừng lại bên cạnh miếu Bắc Sơn, đường 57C, đê Yên Khang. Đoàn gồm 5 xe con, mọi người đón Bác đứng chật 2 bên đường cờ hoa rực rỡ. Khi chiếc xe thứ ba dừng hẳn, cánh cửa xe từ từ mở ra, trong xe xuất hiện cụ già đầu râu tóc bạc, mặc bộ áo lụa Hà Đông, đội mũ cát trắng, đi dép cao su. Đúng Bác Hồ rồi! Mọi người dâng cao cờ hoa vẫy chào Bác. Tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm” vang lên như từng lớp sóng, hết lớp này đến lớp khác”, ông Thinh nhớ lại. Cũng trong bài viết “Lối xưa ta về, nghe kể chuyện Bác Hồ”, qua những nhân chứng được gặp Bác ở xã Yên Tiến, chị Dung còn góp nhặt được những câu chuyện mà theo chị, chưa từng xuất hiện trên báo chí. Có thể kể đến mẩu chuyện Bác cùng Ban lãnh đạo HTX Đông Hưng đi thăm cánh đồng lúa Mả Vối. Đến gần cống tháo nước Bác cùng mọi người dừng lại, Bác xắn quần, bỏ dép ra rồi lội xuống ruộng. Bác gang tay đo từng khóm lúa theo hàng sông, hàng tay. Bác nhổ một khóm lúa, giơ lên và nói: “Bác đi ra ngoài, thấy người ta cấy 20x20cm, ta cấy 35x40cm thế này thì thưa lắm, lãng phí đất. Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”. Hay như câu chuyện cụ Phạm Công Viễn nghe tin Bác về, đang cày ở cánh đồng gần đấy, bỏ trâu cày chạy về đón Bác. Bác nhìn thấy cụ râu tóc bạc, quần áo ướt lướt thướt, vội bước tới nắm chặt tay cụ nói: “Chúc Cụ mạnh khỏe!”. Cụ Viễn run run hai bàn tay: “Kính chúc Cụ Chủ tịch, kính chúc Bác..." cụ nghẹn ngào không nói lên lời… Trong phần này, chị Dung còn có thêm một bài viết “Lan toả tình cảm của nhân dân Nam Định với Bác Hồ”, nói về phòng sưu tầm với hơn 200 tấn báo giấy, trong đó có nhiều tư liệu quý về Bác Hồ của ông Nguyễn Phi Dũng, số nhà 595 đường Trường Chinh (thành phố Nam Định). Cũng trong phần phụ lục, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bài viết “Gặp gỡ bàn tay vàng trong làng nghề đúc tượng Bác Hồ” của chị Dung. Để thực hiện bài viết này, chị tiếp tục phối hợp với Hội CCB các xã, thị trấn, nhờ các bác giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong học và làm theo Bác của huyện. Sau khi được Hội CCB thị trấn Lâm giới thiệu, chị Dung tìm đến làng nghề Tống Xá, gặp doanh nhân Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nam. Bén duyên với nghề đúc đồng từ năm 1994, từ cơ sở nhỏ lẻ, đến nay, Công ty TNHH Đại Nam của anh Nam đã mở rộng được quy mô sản xuất, nhận được những đơn đặt hàng lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Một số “tác phẩm”, công trình đúc tiêu biểu của anh có thể kể đến như: đúc 14 vị vua nhà Trần; tượng đài Thánh Gióng, nặng 85 tấn đặt núi đá Chồng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng đài Hòa Bình, cao 8m đặt tại công viên Hòa Bình, Nam Thăng Long (Hà Nội); pho tượng Trúc Lâm Thiên Trường đặt ở Trường Trung cấp Phật học Nam Định. Đặc biệt, với lòng tôn kính Bác Hồ, khoảng chục năm trở lại đây, anh Nam còn chuyên nghiên cứu để đúc tượng Bác. Để đúc tượng Bác, anh kỳ công mời các nhà điêu khắc có tiếng trong huyện tạo hình Bác. Mong muốn của anh Nam là đưa chân dung Bác Hồ tới những nơi mà Người đã in dấu. Năm 2016, Công ty của anh Nam đã đúc 63 pho tượng Bác Hồ cho 63 tỉnh, thành phố, 666 pho tượng Bác đặt ở trụ sở các kho bạc trên toàn quốc. Đến nay, anh đã đúc và cho xuất xưởng hàng trăm nghìn pho tượng Bác Hồ.

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế./ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, mở đầu bài dự thi Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”, chị Dung đã trích những câu thơ trong bài “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Chị tâm sự: “Đây cũng là những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của tôi về Bác Hồ, người anh hùng vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới nhưng cũng hết sức gần gũi, bình dị. Bài viết như một nén tâm nhang thành kính của một người con gửi đến vị Cha già dân tộc. Nhớ Bác, chúng tôi những người trẻ hôm nay nguyện học và làm theo Bác, xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Người”./.

           Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com