Thi đua làm theo lời Bác: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”

09:20, 28/04/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tấm gương của đảng viên Vũ Thị Bích Liên, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ là một minh chứng sinh động về làm theo lời Bác trong phong trào thi đua lao động, sản xuất “Tay thoi, tay súng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong nhịp sống hôm nay.

Năm 1966, đảng viên Vũ Thị Bích Liên (đứng thứ hai từ trái sang) vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Năm 1966, đảng viên Vũ Thị Bích Liên (đứng thứ hai từ trái sang) vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Nam Định (21-5-1963 - 21-5-2023), mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh lại xúc động trước tình cảm của Bác đối với Nam Định, luôn ghi nhớ và nguyện làm đúng những lời căn dặn, chỉ bảo qua những lần Người về thăm. Đã 60 năm trôi qua, nhưng đối với bà Vũ Thị Bích Liên, những hình ảnh và những lời huấn thị của Bác căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy luôn khắc ghi sâu đậm. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Liên xúc động: “Tôi là người vinh dự 2 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần thứ nhất là ngày 21-5-1963, khi Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Lần thứ 2 là ngày 22-12-1966, tôi vinh dự được gặp Người tại Phủ Chủ tịch”.

Bà Vũ Thị Bích Liên nhớ lại: Ngày 21-5-1963, sau khi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể và một số phân xưởng Nhà máy Dệt, thăm khu nhà ở của công nhân, thăm bệnh viện và phòng triển lãm của tỉnh. Năm đó, thợ dệt trẻ Vũ Thị Bích Liên có nhiều thành tích trong sản xuất, vinh dự được triệu tập tham gia đón Bác về thăm Nhà máy Dệt. Cán bộ và công nhân rất vui mừng báo cáo với Bác kết quả thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Từ tháng 1 đến tháng 5-1963, Nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn mét vải, 120 tấn sợi và 2.000 chiếc chăn... Bác khen nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy bán tự động. Với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy, với loại máy mới sửa chữa cải tiến lại, mỗi công nhân đứng được từ 4 đến 6 máy. Đến thăm nhà ăn tập thể nhà trẻ Nhà máy Dệt (nay là Trường Mầm non Hoa Hồng) và khu nhà ở của công nhân (nay là khu tập thể 2 tầng số 2, đường Trần Huy Liệu, phường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định), Bác Hồ đã ân cần hỏi han tình hình sinh hoạt học tập và ăn ở của công nhân. Người nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng, đồng thời phải tổ chức cải thiện đời sống tốt hơn nữa.

Đảng viên Vũ Thị Bích Liên, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ.
Đảng viên Vũ Thị Bích Liên, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ.

Với bà Vũ Thị Bích Liên, những lời huấn dụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi nói chuyện với trên 5 vạn cán bộ và nhân dân trong tỉnh ngày 22-5-1963 luôn in đậm trong tiềm thức và là “kim chỉ nam” để bản thân bà cũng như mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, ra sức thi đua trong lao động, sản xuất những năm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, tiến bộ về mọi mặt trong 2 năm qua. Người nhắc nhở toàn thể đảng viên, nhân dân trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ, ra sức thi đua thực hiện tốt các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963. Làm theo những lời căn dặn và chỉ bảo của Người, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước đúng như niềm mong ước của Bác: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, kiểu mẫu”.

Cho chúng tôi xem những tư liệu, hình ảnh Bác Hồ về thăm Nam Định năm 1963 và những bức ảnh quý bà vinh dự được chụp với Bác mà bà luôn gìn giữ, bà Vũ Thị Bích Liên nhớ lại: Thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, thành phố Nam Định là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt, các cơ sở kinh tế là những trọng điểm đánh phá, trong đó có Nhà máy Dệt Nam Định. Mỗi lần đánh phá thành phố Nam Định, địch đều tập trung phần lớn bom đạn đánh vào Nhà máy, có ngày 2-3 trận. Năm 1967, công nhân Nhà máy Dệt còn được ca ngợi với hình ảnh đầy tự hào “Đội bom mà sản xuất”. Qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (từ tháng 7-1965 đến tháng 1-1973), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định đã lãnh đạo đội ngũ công nhân lập nhiều thành tích vẻ vang trong sản xuất và chiến đấu. Nhà máy Dệt Nam Định ở lại sản xuất trên địa bàn thành phố cùng với nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức nhà máy đã dũng cảm đọ sức quyết liệt với 131 trận oanh tạc của đế quốc Mỹ; trong đó có 41 trận bom rơi trực diện vào nhà máy gây thiệt hại nặng nề cả về hạ tầng, máy móc lẫn con người. Giặc Mỹ đã huy động 1.101 lượt máy bay, sử dụng 1.231 tấn bom đạn, gây nhiều tội ác đẫm máu tại các khu vực Hàng Thao, Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, Ga Nam Định… Tuy kẻ thù đã trút hàng nghìn quả bom, tên lửa xuống các khu vực sản xuất nhưng không thể ngăn cản được từng mét vải được dệt từ những ca máy “đội bom mà sản xuât”, những người thợ “tay thoi, tay súng” chi viện cho miền Nam. Từ tháng 7-1965 đến tháng 12-1972, máy bay Mỹ đã phá hủy 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng, 151 cán bộ, công nhân hy sinh, 197 người bị thương. Tự vệ nhà máy đã trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ bằng pháo 100 ly, bắt sống giặc lái Mỹ, động viên hàng nghìn thanh niên công nhân lên đường nhập ngũ trực tiếp vào chiến trường chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khắc ghi lời Bác dạy, ngày ấy, cùng với nhân dân các địa phương trong tỉnh, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất với tinh thần: “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”. Với ý chí “địch đến là đánh, địch chạy lại sản xuất”, trong điều kiện gần 80% nhà xưởng, hầm hào; 20% máy móc, thiết bị phá hủy… trong bối cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, nhà máy vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất. Năm 1967, nhà máy đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 81,5 nghìn mét vải; năm 1968 hoàn thành vượt mức kế hoạch 10,2%. Trong giai đoạn này, hưởng ứng phong trào “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”, nhà máy đã phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất bất kể ngày đêm và đã hoàn thành 1,74 triệu mét vải trước thời gian quy định. Trong những ngày tháng gian nan, hào hùng ấy, nhà máy đã phát triển được hàng trăm tổ, đội “lao động xung kích”; hàng trăm công nhân điển hình được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Bà Liên nhớ lại, thời ấy, công nhân nhà máy không chỉ thi đua luyện tay nghề thợ giỏi để đứng được nhiều máy, dệt được nhiều vải, mà còn luôn sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để bảo vệ máy móc và nguyên liệu sản xuất là các kho bông, sợi. Trong những trận bom ác liệt trút xuống Nam Định, có những người là chị em đồng nghiệp của bà trực tiếp chiến đấu, hy sinh, trở thành liệt sĩ. Đó là những ký ức không thể quên, trong một thời khói lửa mà mỗi người công nhân sống với tinh thần “máy ngừng chạy như tim ngừng đập”, biến những mất mát, đau thương thành động lực lao động, sản xuất.

Bà Vũ Thị Bích Liên kể chuyện với cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành về kỷ niệm 2 lần bà vinh dự được gặp Bác Hồ.
Bà Vũ Thị Bích Liên kể chuyện với cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành về kỷ niệm 2 lần bà vinh dự được gặp Bác Hồ.

Ký ức vinh dự, tự hào nhất đối với bà Liên là lần được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 12-1966. Tháng 5-1966, cô thợ trẻ Vũ Thị Bích Liên là thợ dệt giỏi của Nhà máy Dệt Nam Định vinh dự được chọn là thành viên của đoàn Việt Nam sang Triều Tiên để biểu diễn thao tác, trao đổi kinh nghiệm về nghề dệt. Trong thời gian công tác ở nước bạn, bà đã trực tiếp đứng máy dệt cùng những công nhân người Triều Tiên. Đặc biệt, bà cùng với bà Lý Hoa Xuân - thợ dệt giỏi nhất Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng đã trao đổi những kinh nghiệm về thao tác của người thợ dệt. Đến cuối năm 1966, đoàn Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng cũng đã cử đoàn đại biểu sang để trao đổi kinh nghiệm với Nhà máy Dệt Nam Định; đồng thời để báo cáo kết quả cuộc giao lưu, học hỏi giữa hai phía với Bác Hồ. Ngày 22-12-1966, bà Liên cùng đoàn đại biểu Triều Tiên đã đến Phủ Chủ tịch để báo cáo với Bác. Khi ấy bà vinh dự được ngồi đối diện với Bác và được Bác hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, về công việc tại Nhà máy Dệt. Bác đã căn dặn bà cố gắng thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng để tạo ra năng suất cao, dệt ra thật nhiều vải để đồng bào sử dụng và phục vụ cho các chú bộ đội. Rồi khi biết hoàn cảnh, Bác bảo chiến sĩ cảnh vệ lấy gói kẹo để bà mang về làm quà cho con nhỏ. “Lúc cả đoàn ra trước Phủ Chủ tịch để chụp ảnh lưu niệm, thấy tôi đứng tay không, Bác lại nói chú cảnh vệ lấy cho tôi bát hoa hồng, cầm chụp ảnh cho đẹp” - Bà Liên tiếp lời.

Đầu năm 1970, Nhà máy Dệt Nam Định tiếp tục phát động đẩy mạnh sản xuất khi giặc Mỹ tổ chức chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc. Công nhân các xưởng nô nức thực hiện khẩu hiệu “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật, bật điển hình, trở thành thợ giỏi” qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp tổ, buồng máy, xưởng và toàn nhà máy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 1 triệu mét vải để phục vụ tiền tuyến giành thắng lợi cuối cùng. Thời gian này, bà Liên luôn phấn đấu, tự nguyện “tăng ca, tăng giờ”. Bà là trong số ít thợ dệt của nhà máy đảm nhiệm từ 8-12 máy/ca sản xuất, đạt danh hiệu Thợ giỏi toàn miền Bắc “Những con thoi nhanh nhất” năm 1970, 1971.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, khuôn mặt hằn những nếp nhăn, ánh niềm vui từ đôi mắt khi bà Liên mô tả về công việc của một người thợ dệt ngày ấy: “Chân phải thoăn thoắt bước giữa dàn máy, mỗi buổi đi bộ hơn 20km. Mắt và tay phải thật nhanh để phát hiện máy lỗi và nối sợi siêu tốc. Chậm một tí là hỏng ngay”.

“Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chồng đi chiến đấu, tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ già, con thơ, vậy nhưng không dám xin nghỉ buổi nào. Đất nước có chiến tranh, những người thợ như chúng tôi nguyện một lòng ra sức thi đua học theo lời Bác dạy, làm việc bằng 2 bằng 3 người với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” - Bà Vũ Thị Bích Liên kể./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com