Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự), thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) là di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988. Chùa Cổ Lễ có lịch sử khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ XII). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Đức Thánh Tổ, Thiền sư Nguyễn Minh Không - Quốc sư thời Lý có công khởi dựng chùa, dạy dân làm nghề chài lưới, nông nghiệp, đúc đồng, làm thuốc…, được người dân địa phương suy tôn là Thành Hoàng làng, Phúc thần bảo an, che chở cho cuộc sống của nhân dân Cổ Lễ nói riêng và cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nói chung.
Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Internet |
Chùa Cổ Lễ ngày nay mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây” do Hòa thượng Thích Quang Tuyên cùng các tín đồ Phật tử và dân làng xây dựng lại chùa vào đầu thế kỷ XX. Chùa là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng đông tây như: cổng chùa, Bảo tháp “Cửu Phẩm Liên Hoa”, cầu cuốn, tam quan, Phật giáo hội quán, Đền thờ Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), Phủ Mẫu, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông “Kim Chung Bảo Các”... Từ xa xưa, người dân Cổ Lễ lưu truyền câu ca để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và lễ hội truyền thống: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng Chín nhớ về hội Ông”. Lễ hội Chùa Cổ Lễ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch hàng năm với phần lễ linh thiêng và phần hội đặc sắc. Các lễ nghi trong lễ hội gồm các hoạt động văn hóa tín ngưỡng như: lễ rước kiệu Tổ từ các từ đường 5 dòng họ (Dương Nhất, Nguyễn, Phan, Lê, Dương Nhì) lên chùa; lễ mộc dục, thắng y (thay áo Thánh); lễ dâng hương; lễ rước phụng nghinh kiệu Đức Thánh Tổ, kiệu Mẫu quanh chùa; nghi lễ múa rối cạn chầu Thánh; tế nam quan, tế nữ quan; lễ hạ chải và rước cờ hiệu (chuẩn bị cho hoạt động bơi chải truyền thống); lễ tạ… Đặc sắc nhất là nghi lễ múa rối cạn chầu Thánh tại Phật Điện của chùa vào buổi tối trong các ngày diễn ra lễ hội, do con cháu phái 2 ngành 2 dòng họ Nguyễn thực hiện. Bộ tượng rối gồm 9 đầu Thánh tượng (1 tượng Chàng và 8 tượng Thánh rối) với nhiều sắc thái khác nhau, biểu hiện các trạng thái: vui, buồn, sướng, khổ... Âm nhạc phục vụ nghi lễ do 4 người sử dụng các nhạc cụ: phách, thanh la, mõ, bạt, trống; trong đó người đánh phách có vai trò quan trọng nhất để giữ nhịp làn điệu bài hát. Khi thực hành, người chủ hội (hát dâng kệ Thánh) ngồi ở giữa, những người múa rối và chơi nhạc cụ đứng 2 bên. Mở đầu nghi lễ, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, chủ hội thực hiện nghi thức dâng hương Đức Phật, Đức Thánh Tổ, đọc chúc văn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không. Sau đó, nghi lễ múa rối chầu Thánh bắt đầu. Sau mỗi nhịp chiêng, trống là một bước nhảy uyển chuyển, nhanh nhẹn của người điều khiển tượng rối theo hình dáng của từng chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế”, “Thiên hạ thái bình”, “Phạn”…, với ý nghĩa cầu mong Đức Thánh Tổ phù hộ cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc… Nghi lễ múa rối chầu Thánh là nghi lễ thiêng nhằm diễn tả lại những tích trò liên quan đến Đức Thánh Tổ cứu vớt các sinh linh trôi dạt trên biển, mang màu sắc tâm linh, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Một hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc khác mang nhiều ý nghĩa trong lễ hội Chùa Cổ Lễ là nghi lễ dâng hương tưởng niệm các nhà sư đã hy sinh trong kháng chiến. Từ năm 1947 đến năm 1981, Chùa Cổ Lễ làm lễ cởi áo cà sa cho 35 vị tăng, ni khoác chiến bào xông pha ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 12 nhà sư đã anh dũng hy sinh, phần mộ hiện nay được an táng tại chùa. Vì vậy, hàng năm cứ vào những ngày lễ, tết, đặc biệt vào dịp lễ hội truyền thống, nhà chùa, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân các “nghĩa sĩ Phật tử”, cầu nguyện cho quốc thái dân an, thể hiện sâu sắc tư tưởng nhập thế “Đạo” gắn kết với “Đời” (Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc và chủ nghĩa xã hội). Phần hội trong lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian sôi nổi: bơi chải, tổ tôm điếm, cờ tướng, chọi gà…
Hội thi bơi chải Chùa Cổ Lễ được tổ chức trên sông, đoạn từ làng Cổ Lễ đến làng Cát Chử, dài khoảng 2,5km. Tham gia hội thi bơi chải có 4 đội đại diện cho 5 dòng họ; mỗi đội có 16 người tham gia, gồm 12 tay chải, 1 tay lái, 1 người cầm cờ hiệu, 1 người cầm mõ, hô hiệu lệnh, 1 người tát nước. Các đội thi bơi 4 vòng, tương ứng với quãng đường dài 10km. Hội thi bơi chải diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn. Dưới sông các đội chải nỗ lực hoàn thành phần thi để về đích, trên bờ người dân hò reo, cổ vũ hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Hội thi bơi chải trong lễ hội Chùa Cổ Lễ là môn thể thao truyền thống đặc sắc, mang tinh thần thượng võ của dân tộc, nhằm tái hiện lại tích thuở sinh thời Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không làm nghề chài lưới ven biển và vùng cửa sông khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Lễ hội Chùa Cổ Lễ là dịp để con cháu xa gần trở về hội tụ cùng gia đình, họ tộc, xóm làng, là “sợi dây” gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Các hoạt động trong lễ hội phản ánh kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng về phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư; đặc biệt là cư dân nông nghiệp lúa nước, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Thông qua các hoạt động trong lễ hội biểu dương sức mạnh đoàn kết cộng đồng, mỗi người dân ôn lại truyền thống của quê hương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng con người tới những giá trị “chân, thiện, mỹ”. Lễ hội Chùa Cổ Lễ được cộng đồng thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tiếp biến, bổ sung thêm các yếu tố văn hóa mới phù hợp với cuộc sống đương đại, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Hiện nay, lễ hội Chùa Cổ Lễ có tiềm năng lớn để kết nối với các di sản văn hóa khác trên địa bàn tỉnh, hình thành các tuyến, điểm đến tham quan du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.
Với những giá trị tiêu biểu, ngày 6-3-2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 472/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội Chùa Cổ Lễ” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc./.
Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin