Nhà Truyền thống cách mạng Liên Minh - Nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng

09:09, 28/04/2023

Nằm ở miền hạ của huyện Vụ Bản, xã Liên Minh có bề dày lịch sử truyền thống anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Để gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của quê hương, Đảng bộ, chính quyền xã Liên Minh đã xây dựng Nhà Truyền thống lưu giữ các kỷ vật, chứng tích chiến tranh và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ, có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã, nhất là thế hệ trẻ mai sau. 

Sa bàn xây dựng làng kháng chiến thời chống Pháp của xã được trưng bày trong Nhà truyền thống xã Liên Minh.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Sa bàn xây dựng làng kháng chiến thời chống Pháp của xã được trưng bày trong Nhà truyền thống xã Liên Minh.

Từ năm 1961, được Ty Văn hóa thông tin Nam Định (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện Khảo cổ và các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ, Nhà Truyền thống xã Liên Minh được hình thành với nhiều tư liệu, hiện vật quý. Trải qua những năm dài kháng chiến, nhiều lần phải di chuyển vì bom đạn, nhưng bằng sự trân trọng giá trị lịch sử, những di vật đã gắn bó “vào sinh ra tử” với quê hương, làng xã, không những Nhà Truyền thống được giữ gìn, bảo quản gần như nguyên vẹn mà còn liên tục được bổ sung những tư liệu quý. Đến nay, Nhà Truyền thống xã có khoảng 1.200 hiện vật chứng tích chiến tranh, tư liệu khảo cổ… được bố trí khoa học thành 4 khu trưng bày theo chủ đề riêng biệt gồm: Các hiện vật khảo cổ thời Trần, thời Mạc và thời Lê được tìm thấy trong những di tích lịch sử trên địa bàn; kỷ vật, chứng tích qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thành tựu công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ở đây có tấm bia di tích lịch sử, cách mạng về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản vào tháng 4-1939; những tấm bản đồ vẽ tay thô sơ ghi lại quá trình xây dựng “làng kháng chiến” với những tuyến hào cắm chông, hầm bí mật che giấu cán bộ, chiến sĩ và tránh các đợt oanh tạc của máy bay địch; lớp lớp tre rào làng chống giặc. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”, nhân dân Liên Minh đã vùng lên chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như đinh ba, dao, kiếm, giáo, mác, gậy gộc... Những cột nhà cháy rụi lưu giữ tại Nhà Truyền thống là chứng tích về sự tàn phá của giặc trên quê hương Liên Minh. Nhưng với lòng quả cảm, anh dũng của cán bộ, quân và dân, Liên Minh đã thực sự trở thành tiền đồn án ngữ đường 10, bảo vệ các xã phía trong. Nhà Truyền thống còn lưu giữ mảnh gỗ làm hầm bí mật, chiếc bi đông đựng nước, thức ăn cho cán bộ dưới hầm, chiếc hộp gỗ chôn giấu tài liệu của đồng chí Đống (thôn Ngõ Trang), chiếc thuộc cổng dùng để đào hầm bí mật, thanh mã tấu, kiếm sắt của du kích xã và nhiều tài liệu tuyên truyền từ những ngày đầu chống Pháp đều được lưu giữ cẩn thận. 

Cán bộ và nhân dân thôn Trung Nghĩa thuyết minh về Tấm bia di tích lịch sử, cách mạng về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản.
Cán bộ và nhân dân thôn Trung Nghĩa thuyết minh về Tấm bia di tích lịch sử, cách mạng về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản.

Giai đoạn năm 1952 đến năm 1954 cuộc đấu tranh giành mốc đường 10 giữa ta và địch diễn ra rất gay go quyết liệt. Để giành lấy tuyến đường giao thông huyết mạch, thực dân Pháp đã đưa xe san phẳng gần như toàn bộ các xóm của 2 thôn Lương Kiệt và Hào Kiệt với âm mưu xây dựng vành đai trắng nhưng đều thất bại trước du kích Liên Minh với chướng ngại vật là đống đất, bụi tre gai đánh giải trên đường 10. Hàng loạt xe cơ giới của giặc, kể cả xe húc đất đã bị tiêu diệt mà Nhà Truyền thống còn lưu giữ những mảnh sắt thép, xích xe và nhiều bộ phận của xe. Với chiến công trên đường 10, nhiều anh em du kích Liên Minh như đồng chí Vũ Văn Ước, người du kích “Chiến sĩ thi đua” của toàn Liên khu đã từng nhiều lần lập chiến công, tiêu diệt tới 50 xe cơ giới của địch được Ủy ban Kháng chiến tặng Giấy khen; là thanh mã tấu và túi đựng tài liệu của đồng chí Đỗ Đăng Ích (tức Lê Thanh Hải) trong quá trình đấu tranh cách mạng ở địa phương; là chiếc áo trấn thủ Quân khu tặng cho chiến sĩ du kích Liên Minh xuất sắc qua các cuộc chiến đấu dũng cảm kiên cường vào mùa đông năm 1952. 

Trong những năm đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh, bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Liên Minh đi đầu trong công cuộc kiến thiết, xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, năm 1965, khu vực Núi Hổ, Chùa Mái làng Tiền chứng kiến huyện Vụ Bản thành lập “Tiểu đoàn Núi Hổ” với lực lượng chủ yếu là con em Liên Minh chi viện cho chiến trường miền Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến của dân tộc và xây dựng hòa bình, Liên Minh đã đóng góp trên 3.600 người tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân; gần 20 người hoạt động cách mạng trước tháng Tám được công nhận là lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 26 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 439 liệt sĩ, 220 thương, bệnh binh, 70 cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Xã Liên Minh được Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1990 về thành tích trong 15 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được thưởng 2 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Chiến công, 7 Huân chương Lao động; Kỷ niệm chương có công với nước; 1.235 Huân chương, Huy chương các loại và 750 Bằng khen cho các tập thể, gia đình và cá nhân. 

Đồng chí Phạm Xuân Tuyến, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Nhà Truyền thống xã được xây dựng với mong muốn lưu giữ quá trình hình thành, phát triển làng xã, nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của Liên Minh xưa và nay; đồng thời phản ánh tinh thần anh dũng, mưu trí, những chiến công của Đảng bộ, nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng. Nhà Truyền thống cách mạng của xã luôn được bổ sung nhiều tư liệu quý bởi tinh thần trân trọng cội nguồn lịch sử, tinh thần cách mạng luôn hướng đến tập thể, xây dựng phong trào chung hiện hữu trong mỗi người dân. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng Nhà Truyền thống cho đến ngày nay, chính nhân dân tự nguyện tìm tư liệu, những hiện vật là vật dụng gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu của nhân dân; kỷ vật gắn liền với cuộc sống quân ngũ của những người con quê hương đã từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường; đồ dùng cá nhân, những bức thư từ chiến trường gửi về của các Anh hùng Liệt sĩ của quê hương…

Đây là kho tư liệu quý của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Hàng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, tại Nhà Truyền thống xã thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh do cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử - văn hoá của xã đảm nhiệm. Ngoài việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ địa phương vào dịp lễ trọng của quốc gia, của quê hương, Nhà Truyền thống xã còn thường xuyên tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com