Những cựu chiến sĩ tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định năm xưa

09:33, 28/04/2023

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi gặp những cựu chiến sĩ tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định và được nghe kể rất nhiều câu chuyện về những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết, anh dũng kiên cường vừa bám máy sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ Nhà máy Dệt.

Trung đội tự vệ nữ Nhà máy Dệt Nam Định đang trực chiến tại trận địa nhà máy.
Ảnh: Tư liệu

Trung đội tự vệ nữ Nhà máy Dệt Nam Định đang trực chiến tại trận địa nhà máy.

Ảnh: Tư liệu

Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập của Thành Nam, chúng tôi tìm đến phố Trần Quang Khải - nơi sinh sống của nhiều người từng là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định trong đó có bà Ngô Thị Phin, nguyên tự vệ nhà máy. Bà Phin dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đã ngả màu thời gian. Khi được hỏi về những năm tháng chiến đấu bảo vệ Nhà máy Dệt, bà Phin phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm đáng nhớ. Năm 1969, bà được nhận vào làm công nhân của nhà máy. Thời điểm đó, thành phố Nam Định, trong đó trọng điểm là Nhà máy Dệt chịu sự phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ. Bà tham gia vào lực lượng tự vệ của nhà máy. Lực lượng tự vệ của nhà máy thời điểm đó có 2 tiểu đoàn, 4 đại đội và 2 trung đội được trang bị các loại súng bộ binh, trọng liên 14,5 ly và súng trường, các loại pháo cao xạ từ 37 đến pháo 100 ly. Các đơn vị chiến đấu được biên chế, tổ chức theo đơn vị sản xuất. Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy nhà máy, sự giúp đỡ thường xuyên của Thành đội và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng tự vệ nhà máy đã trưởng thành nhanh chóng, đạt được nhiều thành tích trong rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Đầu năm 1972, với số vũ khí được trang bị, tự vệ nhà máy đã tổ chức nhiều trận địa pháo cao xạ 100 ly và 57 ly. Khẩu đội pháo của bà Phin đa số pháo thủ là nữ. Chị em đã luyện tập miệt mài và ngày đêm trực chiến tại trận địa thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá. Bà còn nhớ rõ sáng 22-7-1972, đơn vị đã chiến đấu, chống trả quyết liệt với máy bay địch bắn phá từ 8 giờ đến 11 giờ trưa. Có người vì mệt, vì tiếng nổ của pháo vượt quá mức chịu đựng đã ngất xỉu, nhưng khi tỉnh dậy lại tiếp tục tham gia chiến đấu. Trong trận chiến đấu kiên cường này, đơn vị đã bắn rơi một máy bay F4 và phối hợp với các đơn vị trong thành phố bắn rơi 2 chiếc máy bay khác. Sự kiện đặc biệt này làm tăng thêm khí thế sôi nổi để cán bộ, công nhân, viên chức toàn nhà máy hăng hái thi đua lao động, sản xuất và chiến đấu. Dù mấy chục năm trôi qua nhưng khi kể lại, bà Phin vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Bà chia sẻ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng tự vệ nhà máy đã tham gia chiến đấu tất cả các trận cùng quân và dân thành phố, đánh trả quyết liệt máy bay giặc. Tất cả mọi người đều nêu cao gương dũng cảm, kiên cường bắn rơi nhiều máy bay giặc Mỹ”.

Bà
 Bà Ngô Thị Phin, cựu chiến sĩ tự vệ Nhà máy Dệt ôn lại kỷ niệm thời chống Mỹ.

Ông Trần Đình Trí là công nhân về hưu của Nhà máy Dệt và là nhân viên trong đội tuần tra bảo vệ nhà máy. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình lao động sản xuất và bảo vệ Nhà máy Dệt, ông Trí cho biết: “Ngày 11-6-1972, nhiều tốp máy bay địch đánh phá thành phố, quân dân ta đã đánh trả kịch liệt, trong đó một chiếc A7 chúi xuống trút bom thì bị bắn rơi tại chỗ. Phát hiện tên giặc lái nhảy dù xuống khu vực nhà máy, trong khí thế sục sôi căm thù, người đang trực chiến và cả những người đang nghỉ ở nhà cũng chạy ùa vào nhà máy để bắt tên giặc lái. Đội tuần tra bảo vệ chia làm ba mũi truy tìm. Tôi phát hiện ra tên giặc lái đầu tiên. Tôi còn nhớ như in bộ dạng của hắn lúc đó. Hắn cúi gập người giữa các kiện sợi ở gầm cầu thang trụ sở Công đoàn nhà máy. Tôi gọi đồng chí Nguyễn Văn Hào, tự vệ viên và hô to để mọi người hỗ trợ. Tên giặc lái mặt tái nhợt. Phút chốc tự vệ, công nhân đã kéo đến rất đông trói tên giặc đưa về trại”. Qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược (tháng 7-1965 đến tháng 1-1973), Đảng bộ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã lãnh đạo đội ngũ công nhân lập nhiều thành tích vẻ vang trong sản xuất và chiến đấu. Cùng với nhân dân thành phố, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức nhà máy đã dũng cảm chiến đấu với 131 trận đánh nhưng những dây chuyền sản xuất vẫn không ngừng hoạt động, liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm. Năm 1973, hòa bình lập lại tại miền Bắc, cán bộ, đảng viên, công nhân nhà máy tiếp tục củng cố máy móc và đẩy mạnh sản xuất, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn giành thắng lợi trọn vẹn.

Ông Trần Đình Trí, công nhân về hưu của Nhà máy Dệt Nam Định kể lại kỷ niệm bắt được giặc Mỹ.
Ông Trần Đình Trí, công nhân về hưu của Nhà máy Dệt Nam Định kể lại kỷ niệm bắt được giặc Mỹ.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng những ký ức, kỷ niệm của những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ Nhà máy Dệt Nam Định vẫn không hề phai mờ trong tâm trí những cựu tự vệ Nhà máy Dệt năm xưa. Với họ, những kỷ niệm của một thời “anh dũng, kiên cường” vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ Nhà máy, bảo vệ quê hương là những hồi ức không thể nào quên./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com