Kỳ 2: Những vấn đề đặt ra sau sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố
(Tiếp theo kỳ trước)
Sau hơn 1 năm thực hiện việc sáp nhập thôn (xóm), TDP, các đơn vị hành chính mới thuộc diện sắp xếp dần đi vào ổn định, hoạt động hiệu quả. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, những khó khăn, bất cập sau sáp nhập đang dần được tháo gỡ.
Nông thôn mới xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện nay. |
Trước khi sáp nhập thành thôn Thượng Trà, cán bộ, đảng viên và người dân ở 2 thôn Thượng Lao và Quần Trà, xã Nam Thanh (Nam Trực) có rất nhiều băn khoăn, đặc biệt là bà con nhân dân thôn Thượng Lao. Họ cho rằng, từ nếp sống, sinh hoạt, cơ sở vật chất hiện có đến các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới… của 2 thôn khác xa nhau nên khó mà “dung hoà” khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm). Cụ thể, trong khi 2/3 dân số thôn Thượng Lao theo đạo Công giáo thì đa phần người dân thôn Quần Trà theo đạo Phật. Chính sự khác biệt lương - giáo, đạo - đời dẫn đến các sinh hoạt, tập tục như ma chay, hiếu hỉ của 2 thôn hoàn toàn khác nhau. Quần Trà và Thượng Lao còn có 2 nghĩa trang riêng biệt. Về các công trình văn hoá, tâm linh, trên địa bàn thôn Thượng Lao có Đền thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ, có 1 nhà văn hoá (NVH) thôn, diện tích 940m2; thôn Quần Trà có chùa Quần Trà, có NVH thôn diện tích 180m2… Những băn khoăn về sự “khác biệt” của 2 thôn không chỉ tồn tại trong người dân mà còn là suy nghĩ của một bộ phận đảng viên. Cá biệt, một số đảng viên còn bày tỏ thái độ không hợp tác, tuyên truyền sai lệch về chủ trương sáp nhập thôn (xóm), TDP trong nhân dân.
Xác định những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên cũng như bà con nhân dân các thôn Thượng Lao và Quần Trà trước khi sáp nhập, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chung tay cùng vào cuộc. Đồng chí Phạm Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết: “Để tiến hành sáp nhập 2 thôn Thượng Lao và Quần Trà, trước đó, cấp uỷ, chính quyền xã đã tổ chức hàng chục buổi họp, làm việc với cấp uỷ, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân 2 thôn. Từ đó “đả thông” tư tưởng về việc sáp nhập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lấy ý kiến cử tri về đề án, tên gọi mới của thôn; chỉ đạo các thôn bầu cấp uỷ tạm thời và bầu cử giới thiệu cấp uỷ, các chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận sau 6 tháng. Đối với các NVH, sau khi sáp nhập, NVH thôn Thượng Lao có diện tích lớn hơn sẽ được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của thôn mới; các sinh hoạt văn hoá, phong tục, tập quán được duy trì, thực hiện một cách hài hoà”. Với nhiều giải pháp “hợp tình hợp lý”, quá trình sáp nhập ở 2 thôn Thượng Lao và Quần Trà diễn ra thuận lợi, cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ với số phiếu cao, trên 90%. Sau sáp nhập, đời sống, các sinh hoạt văn hoá của thôn được duy trì đảm bảo, không có sự xáo trộn. Thôn giảm được 5 cán bộ và người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách, nâng cao mức đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ mới. Đặc biệt, sau khi 2 thôn được sáp nhập, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hoá, xây dựng NTM đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và nguồn kinh phí đóng góp lớn của nhân dân. Đồng chí Trần Văn Liêng, Trưởng thôn Thượng Trà cho biết: “Sau khi sáp nhập, thôn đang làm quy hoạch để xây dựng, cải tạo các tuyến đường dân sinh và nhận được sự đồng tình ủng hộ cũng như đóng góp của đông đảo bà con nhân dân. Quá trình huy động nguồn lực rất nhanh chóng khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi”.
Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của gia đình đảng viên Vũ Hồng Hải, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản. |
Sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập từ 31 TDP ban đầu, phường Quang Trung (thành phố Nam Định) hình thành 7 TDP mới. TDP số 3, (phường Quang Trung) có “tiền thân” là các TDP: 9, 10, 12, 13 và 14. Tổ có 359 hộ, 1.102 khẩu, 69 đảng viên. Sau sáp nhập, cán bộ của TDP số 3 phản ánh một số khó khăn như: quy mô tổ chức đảng và dân số các TDP đều tăng nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước nên chưa “động viên” được lực lượng cán bộ. Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các TDP trước khi sáp nhập. Với điều kiện cụ thể của TDP, các NVH cũ của các TDP trước sáp nhập đều không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, hội họp, nhất là khi tổ chức họp dân. Bố trí cán bộ cơ sở gặp một số khó khăn nhất định để đáp ứng được yêu cầu công việc. Sự ủng hộ của đội ngũ cán bộ TDP cũ và mới chưa cao... Để “gỡ khó” cho các TDP sau sáp nhập, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND phường còn tăng cường các hoạt động gặp gỡ, tiếp dân để kịp thời giải đáp những thắc mắc của nhân dân trong và sau quá trình sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận. Đối với các NVH, nhằm tạo điều kiện cho các TDP hoạt động, sinh hoạt, khi các TDP tổ chức họp dân, UBND phường sẽ tạo điều kiện cho các tổ luân phiên nhau họp tại hội trường UBND phường. Ngoài ra, cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng thường xuyên gặp gỡ, động viên đội ngũ cán bộ các TDP để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Nhiều năm làm Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Xuân Khiêu, Bí thư chi bộ TDP số 3 chia sẻ: “Xác định công việc sẽ vất vả hơn nhưng được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ủng hộ của nhân dân, trên cương vị là Bí thư chi bộ tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trong tổ để điều hành, lãnh đạo mọi công việc, vận động bà con trong tổ đoàn kết, chung sức đồng lòng đóng góp vào sự phát triển của địa phương”. Làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự nhất quán trong nhận thức, đồng thời sâu sát trong kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở sau sáp nhập nên phường Quang Trung đã kịp thời giải quyết những khó khăn, tình huống phát sinh trong và sau sáp nhập. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phường phát triển. 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách Nhà nước của phường đạt trên 4 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,028%; bình quân thu nhập đầu người đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm.
Thôn Thượng Trà (xã Nam Thanh) và TDP số 3 (phường Quang Trung) chỉ là 2 trong số hàng trăm thôn (xóm), TDP đang “gỡ khó” hiệu quả sau sáp nhập. Xác định những khó khăn, bất cập như tình trạng nhiều thôn (xóm) bị… thừa NVH, trong khi đó, nhiều TDP, đặc biệt là ở thành phố Nam Định trước khi sắp xếp, sáp nhập đã không có NVH phục vụ các sinh hoạt hội họp, sau sáp nhập, quy mô dân số lớn hơn, diện tích lớn hơn thì vấn đề này càng gia tăng bất cập; thay đổi tên gọi của nhiều thôn làng, khu phố có thể ảnh hưởng đến người dân trong các hoạt động liên quan đến giấy tờ, địa chỉ; yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ, chế độ phụ cấp… tỉnh cũng đưa ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh đang thực hiện chủ trương, sau sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), TDP vẫn giữ nguyên trụ sở các NVH để sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Vì vậy, một thôn (xóm), TDP có thể có 1, 2, 3 NVH. Đối với các TDP trên địa bàn thành phố Nam Định sau sắp xếp, sáp nhập vẫn chưa có NVH thì tạm thời sẽ “nhờ” trụ sở các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn, UBND phường để tổ chức hội họp. Về sinh hoạt cộng đồng, đối với những nơi dân đông, diện tích rộng thì chia thành các nhóm nhỏ sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Trường hợp không thể tổ chức được cuộc họp trực tiếp theo diện rộng thì có thể phát phiếu xin ý kiến các hộ gia đình. Về yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ thôn (xóm), TDP, thời gian tới, các cấp, ngành sẽ thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, từ đó nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ này. Về việc nhiều thôn (xóm), khu phố thay đổi tên gọi, có thể ảnh hưởng đến người dân trong các hoạt động liên quan đến giấy tờ, địa chỉ, Sở Nội vụ cho biết, nếu các giấy tờ của công dân chỉ ghi địa chỉ từ cấp xã trở lên thì không gặp vấn đề gì, bất cập nếu phát sinh sẽ được các cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp để giải quyết.
(còn nữa)
Thu Thủy - Hoa Xuân và Viết Dư
Ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin