Phát biểu tổng kết Hội thảo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

20:20, 12/06/2023

Kính thưa đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương!

Thưa đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định!

Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng!

Thưa các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương!

Thưa các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an!

Thưa các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học!

Thưa toàn thể các đồng chí!

GS.TS Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo.

Sau một buổi chiều làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần khoa học, Hội thảo quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Thay mặt lãnh đạo 3 cơ quan đồng chủ trì Hội thảo khoa học là Bộ Công an, Tỉnh ủy Nam Định và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học đã đến dự và có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Kính thưa các đồng chí!

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là hoạt động nghiên cứu, quán triệt đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; đặc biệt đây là hoạt động rất có ý nghĩa kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Hội thảo được tổ chức tại tỉnh Nam Định, mảnh đất văn hiến địa linh nhân kiệt, Thiên trường Nam Định, “hào khí Đông A” - vùng đất cổ phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, một trong những cái nôi của nền văn minh Đại Việt, nơi bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc với các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề, di tích lịch sử văn hóa. Trong sự nghiệp cách mạng, Nam Định đã đóng góp nhiều người con ưu tú, nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ khắp mọi chiến trường đã minh chứng về tinh thần bất khuất của nhân dân tỉnh Nam Định, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, lòng yêu nước để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt, nơi đây là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, người đã khởi thảo “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hơn 160 đại biểu là Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương thuộc lực lượng Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Nam Định. Có thể khẳng định, Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết tham luận, trong đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 172 bài viết có chất lượng của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để đăng kỷ yếu Hội thảo.

Trực tiếp tại Hội thảo hôm nay có 18 tham luận được trình bày và ý kiến phát biểu của các đại biểu. Dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau các bài tham luận đã luận giải, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, thể hiện tầm nhìn rộng và chiều sâu tư duy, đồng thời, đã đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện về lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm về phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam nói chungvà trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói riêng, qua đó làm cơ sở để kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.

Tổng hợp nội dung các bài tham luận đăng kỷ yếu và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Tôi xin khái quát một số nội dung có tính chất gợi mở như sau:

Một là, Đề cương về Văn hóa Việt Nam là một văn kiện có giá trị lịch sử và thời đại, khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đề cương ra đời trong bối cảnh Đảng ta chưa giành được chính quyền, cách mạng Việt Nam đang đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Vì vậy, việc Đảng ta ban hành Đề cương là hết sức cấp thiết, kịp thời, thể hiện sự nhìn xa, trông rộng; là “ngọn đuốc soi đường” và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nền tảng ban đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hóa, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945”. Có thể khẳng định, Đề cương là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn về nhiều mặt đối với việc định hình, định hướng tư duy lý luận của Đảng về văn hóa nói riêng và đối với tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung trong suốt 80 năm qua.

Hai là, những giá trị mang tính định hướng sâu sắc của Đề cương đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo trong điều kiện, bối cảnh mới hiện nay; nhờ đó, lý luận về văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về chất, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần của quá trình phát triển trong thời kỳ mới. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa Công an nhân dân. Nhiều tham luận cũng đã làm nổi bật những kết quả đạt được trong việc phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân; các tham luận cũng đã tiếp tục khẳng định rõ hơn về vai trò “nòng cốt” của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đặc biệt, trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam; khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; phát huy vai trò của văn hóa trong việc xây dựng, hình thành nhân cách, phẩm chất, chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người chiến sĩ Công an nhân dân: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.

Đồng thời, các tham luận cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển văn hóa Công an nhân dân; trong đó, đặc biệt là phải luôn gắn việc xây dựng, phát triển văn hóa Công an nhân dân với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân về “Tư cách người Công an cách mệnh”, các phong trào thi đua, cuộc vận động, như: “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu, chấp hành điều lệnh Công an nhân dân”...

Bốn là, Hội thảo cũng đã đánh giá về bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo trong thời gian tới bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn còn có những khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là những yếu tố tác động đến việc phát triển văn hóa Công an nhân dân trong tình hình mới, từ đó, đặt ra yêu cầu cao về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ nền văn hóa dân tộc gắn với xây dựng văn hóa Công an nhân dân với những yêu cầu rất cụ thể để nâng cao văn hóa, ứng xử, hướng đến xây dựng văn hóa Công an nhân dân “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Năm là, Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp vận dụng các quan điêm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đưa ra những chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa con người nói chung và văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong một buổi chiều, Hội thảo về một vấn đề rất lớn, thời gian hạn chế, về nội dung còn nhiều vấn đề cần tiếp tục trao đổi, luận giải. Trong khuôn khổ của Hội thảo này, thay mặt lãnh đạo 03 cơ quan đồng chủ trì Hội thảo và Ban Tổ chức Hội thảo, Tôi xin trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, xin ghi nhận, tiếp thu các kiến đóng góp và các kiến nghị, giải pháp mà các đồng chí đã nêu, do thời gian hạn hẹp, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí qua trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi tới Ban Tổ chức để tiếp tục tổng hợp. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp về xây dựng văn hóa Việt Nam.

Tại Hội thảo này, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tôi xin cảm ơn đồng chí GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã đến dự, chỉ đạo, phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo; xin cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Tỉnh ủy Nam Định, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và sự ủng hộ giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nam Định để tổ chức thành công Hội thảo hôm nay và đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Kính thưa các đồng chí!

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, hiện nay lực lượng Công an nhân dân đang tập trung thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết số 12 ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Tại Hội thảo này tôi đề nghị Công an các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa Công an nhân dân liêm chính, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, hạt nhân là xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng bộ Công an nhân dân với những giá trị quý báu: Văn hóa chính trị “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh”, “đoàn kết”; Văn hóa công vụ “tận tụy”, “tận tâm”, “liêm khiết”; Văn hóa ứng xử “vì nhân dân phục vụ”; mang đậm tính nhân văn; có ý nghĩa định hướng quan trọng trong thực tiễn công tác chiến đấu và sinh hoạt. Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức đảng trong Công an nhân dân, xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, để Công an thực sự là lực lượng tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; các phong trào văn hóa, văn nghệ trong Công an nhân dân cần được duy trì thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thực sự mẫu muc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, không ngừng nâng cao năng lực, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thực hiện “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”; quán triệt nghiêm túc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” để lực lượng Công an nhân dân là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Với ý nghĩa đó tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe tất cả các đồng chí!



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com