Xây "đường băng" để "tam nông" cất cánh

23:37, 29/12/2022

Hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”, Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 143 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những định hướng đột phá tạo “đường băng” để “tam nông” Nam Định cất cánh, xứng danh là tỉnh “quán quân” xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu của cả nước.

Nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong (Giao Thủy).
Nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong (Giao Thủy).

Giao Phong “tiên phong, mở đường”

Đón Xuân Quý Mão 2023, cán bộ, nhân dân Giao Phong (Giao Thủy) - miền quê nơi chân sóng, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng vô cùng hân hoan, phấn khởi khi được UBND tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu” đầu tiên của tỉnh; cán đích mục tiêu trở thành “miền quê đáng sống” theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong cho biết: Toàn xã có 2.467 hộ, 6.835 nhân khẩu; Đảng bộ xã có 380 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ (11 chi bộ xóm và 5 chi bộ cơ quan). Một trong những bước đột phá trong xây dựng NTM kiểu mẫu được Đảng ủy, UBND xã chọn lựa để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển là lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực ven biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, trong sản xuất nông nghiệp, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức sản xuất cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết; áp dụng quy trình thâm canh đưa tiến bộ kỹ thuật và đồng ruộng, qua đó đã giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo đà cho việc mở rộng diện tích sản xuất cánh đồng lớn. Xã đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt với quy mô 32,4ha, các vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng cho vùng trồng  các sản phẩm chủ lực.

Đến nay, 100% tuyến đường có hệ thống điện chiếu sáng tại khu dân cư với 652 cột đèn. Các hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và tự xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Tổ thu gom rác thải của địa phương hợp đồng với Công ty Dịch vụ kỹ thuật môi trường ETC thu gom, xử lý rác sinh hoạt đảm bảo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Giao Phong đã huy động nguồn lực trên 196 tỷ đồng để xây dựng xã NTM kiểu mẫu; trong đó, vốn huy động đóng góp, ủng hộ của cộng đồng dân cư là 6 tỷ đồng, chiếm trên 3%; vốn nhân dân tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi các mô hình sản xuất là 50 tỷ đồng, chiếm 25,4%; nhân dân đóng góp 3.000 ngày công; hiến 10 nghìn m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi địa phương phục vụ xây dựng NTM, trị giá 50 tỷ đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 73,62 triệu đồng, năm 2022 đạt 78,0 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Sơn, để trở thành xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, địa phương đã xây dựng lộ trình với các bước đi thích hợp và đưa ra các giải pháp cụ thể. Làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có sự đồng thuận cao, lấy người dân là chủ thể “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ xóm để huy động nguồn lực của con em địa phương trong và ngoài nước cùng với sự đóng góp của nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương.

Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu xã Hải Tây (Hải Hậu).
Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu xã Hải Tây (Hải Hậu).

Trao “chìa khóa” mở cửa đến những “miền quê đáng sống”

Từ những bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, tỉnh Nam Định đã sớm xác định: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong 13 năm (2008-2021), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề liên quan đến “tam nông”; trong đó, đều xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. HĐND tỉnh đã ban hành 35 nghị quyết về các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, trong đó có một số nghị quyết về chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. UBND tỉnh đã ban hành 83 kế hoạch về các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; 160 quyết định về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt Chương trình xây dựng NTM và Đề án tái cơ cấu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo rà soát, lập mới, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy hải sản; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát động sâu rộng phong trào “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng NTM trong từng giai đoạn.

Với quyết tâm cao, đoàn kết đồng thuận, sáng tạo, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng NTM, giai đoạn 2008-2020, bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn; nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 51.577 tỷ đồng (bằng 72,7% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước). Huy động được 19.826 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, đồng thời thông qua dồn điền, đổi thửa, các hộ nông dân đã góp gần 3.000ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến 206ha đất thổ cư (trị giá trên 1.000 tỷ đồng) để xây dựng NTM. (Theo Báo cáo số 81 ngày 21-7-2021 của Tỉnh ủy tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Giai đoạn 2010-2020, Chương trình xây dựng NTM hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra, là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Đến nay toàn tỉnh có 182/204 (89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã được công nhận đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; có 22 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí và căn cứ chứng minh mức đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 143 ngày 25-10-2022. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2,0-2,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 10%/năm. Có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 35% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 99%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động của tỉnh còn 18,5%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 85%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, từng bước nâng cao đời sống người dân nông thôn, xây dựng những miền quê đáng sống./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com