Từ ngày 21-8 đến ngày 2-9, tại Bảo tàng Công an Thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm “Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác” nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những hình ảnh, hiện vật lịch sử về những lần Bác Hồ tới thăm, làm việc, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô; hình ảnh về thành tựu của Công an Thành phố Hà Nội trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự qua các thời kỳ; hình ảnh, bài viết về những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Triển lãm là một trong những hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế thấy được những tình cảm của Bác Hồ dành cho Công an Thủ đô và sự nỗ lực, phấn đấu của các tập thể, cá nhân thuộc Công an thành phố luôn gắn học tập và làm theo Bác với công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trong những năm qua.
“Mùa thu nhớ Bác”
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, chương trình hòa nhạc đặc biệt chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 với chủ đề “Mùa thu nhớ Bác” sẽ diễn ra vào tối 3-9-2019, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật “Mùa thu nhớ Bác” gồm 14 tiết mục nghệ thuật, là các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam, như: “Tiếng đàn bầu” (Nguyễn Đình Phúc); “Trồng cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận); “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh); “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ)… Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn đưa các tác phẩm khí nhạc và các trích đoạn opera vào biểu diễn như: hòa tấu “Ngày hội” của Nguyễn Chín; hòa tấu đàn bầu và dàn nhạc dân tộc “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục; hòa tấu “Chung một niềm tin” của Xuân Khải; trích đoạn trong 2 vở opera “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận) và “Lá đỏ” (Đỗ Hồng Quân).
Chuỗi hoạt động tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Từ ngày 25-8 đến hết 1-9, chuỗi sự kiện văn hóa bao gồm đêm thơ, triển lãm tranh - tượng, chiếu phim, trưng bày thơ, mô phỏng căn hộ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh để tưởng nhớ hai cố nhà thơ - nhà viết kịch, diễn ra tại hai địa chỉ 639/39/39 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 360 Đê La Thành, Hà Nội. Công chúng yêu mến hai nhà thơ - nhà viết kịch còn được tham dự buổi tọa đàm “Xuân Quỳnh - Một nửa cuộc đời tôi”, với sự góp mặt của chị gái cố nhà thơ Xuân Quỳnh - bà Đông Mai, cũng là tác giả của cuốn hồi ký “Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi”, hé lộ một chân dung Xuân Quỳnh chân thực và còn nhiều mới mẻ với công chúng.
Những người yêu thơ Lưu Quang Vũ còn có một đêm đặc biệt thưởng thức thơ của anh: đêm nhạc thể nghiệm “Vũ và Mưa”, trưng bày các bài thơ về Mưa của Lưu Quang Vũ. Một đêm thơ nhạc nữa mang tên “Vườn trong phố”, hòa nhạc guitar cổ điển và các nghệ sĩ khách mời trình diễn các bản nhạc lấy cảm hứng từ thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ngoài ra, bộ phim “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại” của NSND, đạo diễn Nguyễn Thước được trình chiếu và khán giả cũng có cơ hội giao lưu, trò chuyện cùng đạo diễn, cũng như những khách mời - chứng nhân quan trọng trong cuộc đời và sáng tác của hai cố nhà thơ. Đây là dự án phi lợi nhuận - nhằm kết nối cộng đồng với nghệ thuật - kết nối nghệ sĩ với công chúng.
Tái bản “Hoàng hậu Margot”
Tác phẩm “Hoàng hậu Margot” kinh điển của đại văn hào Alexandre Dumas sẽ tái ngộ bạn đọc Việt Nam, với bản dịch mới nhất do Nhã Nam ấn hành.
“Hoàng hậu Margot” là bộ tiểu thuyết lịch sử xoay quanh cuộc đời rực rỡ nhưng cũng phóng túng không kém của một hoàng hậu nước Pháp một thời. Với Hoàng hậu Margot, Dumas đem đến cho độc giả một nước Pháp nơi những cuộc chiến tôn giáo thiết lập luật lệ, tạo nên cuộc hôn nhân sắp đặt giữa Công chúa Marguerite de Valois với người sẽ trở thành Henry IV, vị vua trẻ của Navarre. Một cuộc hôn nhân lý trí thay vì xuất phát từ tình cảm, một hợp đồng hôn nhân phục vụ cho tham vọng chính trị của mỗi người, để một lần nữa thiết lập hòa bình giữa người Tin lành và Công giáo.
Hoàng hậu Margot là minh chứng cho tài năng kiến tạo tình tiết bậc thầy của Alexandre Dumas. Ông không chỉ thi vị hóa những dữ kiện lịch sử thành câu chuyện tình lãng mạn giữa hoàng hậu Margot với bá tước de La Mole, hay tình bạn khăng khít giữa de La Mole và bá tước de Coconnas, mà còn khéo léo cuốn người đọc vào những vòng xoay ly kỳ đến nín thở của bánh xe số mệnh đưa nhà Bourbon lên nắm quyền cai trị nước Pháp.
Với sức sáng tác mạnh mẽ, Alexandre Dumas để lại khoảng 250 tác phẩm, gồm 100 tiểu thuyết, 91 vở kịch, cùng bút ký, phóng sự, hồi ký. Các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đông đảo độc giả khắp thế giới hâm mộ trong suốt hơn một thế kỷ qua, tiêu biểu phải kể đến Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo, Hoàng hậu Margot./.
PV (tổng hợp)