Khám phá Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

07:01, 25/01/2019

Để quảng bá cho chương trình Tết “Vui xuân Kỷ Hợi 2019: Sắc thái văn hóa Bắc Giang”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hoạt động “Khám phá Tết Việt” vào ngày 25-1-2019.

Đến với hoạt động "Khám phá Tết Việt", du khách có cơ hội tham gia vào các trò chơi dân gian đặc sắc. Ảnh: BTC
Đến với hoạt động "Khám phá Tết Việt", du khách có cơ hội tham gia vào các trò chơi dân gian đặc sắc. Ảnh: BTC

Điểm nổi bật trong hoạt động “Khám phá Tết Việt” năm nay ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Bắc Giang. Ban tổ chức cho biết, người dân và du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu quan họ Thổ Hà mượt mà, sâu lắng của những liền anh, liền chị; tham gia trò chơi dân gian cầu móc sôi động của người Việt ở Bắc Giang và khám phá văn hóa ẩm thực qua một số đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ có cơ hội khám phá những nét văn hóa trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc qua một số hoạt động như: Gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, chơi các trò chơi dân gian của một số dân tộc… Các hoạt động có sự tham gia hướng dẫn của các nghệ nhân đến từ Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Chương trình sẽ tiếp diễn vào ngày mùng 5 và mùng 6 Tết Kỷ Hợi.

“Tết Việt xuân Kỷ Hợi 2019”

Trong hai ngày 26 và 27-1, tại đình làng Lệ Mật (Long Biên) sẽ diễn ra chương trình “Tết Việt xuân Kỷ Hợi 2019”.

Chương trình bao gồm nhiều hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực hấp dẫn, như: Thực hành gói bánh chưng, lễ cúng ông Công, ông Táo, lễ dựng cây nêu ngày Tết, hát Cửa đình… Cùng với đó, chương trình còn bao gồm nhiều hoạt động phong phú khác, như: Tọa đàm văn hóa Tết Việt; trình diễn nghệ thuật thư pháp, tranh dân gian; nói chuyện về phong tục tập quán địa phương… Đây là hoạt động được câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức thường niên nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, giúp giới trẻ hiểu và yêu hơn giá trị di sản cha ông để lại, từ đó có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu đó.

Triển lãm Sắc Dó và gốm Hương Canh

Ngày 26-1, nhóm họa sĩ G39 phối hợp với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (Hà Nội) tổ chức triển lãm mang tên “Sắc Dó và gốm Hương Canh” với gần 100 tác phẩm (gồm tranh giấy dó, bình gốm, điêu khắc gốm).

Cuộc trưng bày nghệ thuật kết hợp giữa 2 dòng sản phẩm thủ công: Một dòng “thử nước” là giấy dó (từ vỏ cây dó ngâm, giã, seo, phơi…) và một dòng “thử lửa” từ đất sét nung thành gốm trong một diện mạo mới mang chất thi họa,  thể hiện ý nghĩa về sự giao hòa, tôn vinh: Làng nghề truyền thống và nghệ thuật, vẻ đẹp của sự khác biệt trong tổng thể (giấy - gốm, tranh - tượng), mỹ cảm dân gian và tinh thần nghệ sĩ. Triển lãm cũng mang thông điệp về ứng xử với vẻ đẹp truyền thống trong đời sống hiện đại. 

Truyền thống là một giá trị và cần được tôn trọng, nhưng nhìn lại truyền thống, học hỏi truyền thống để làm mới truyền thống là cách tôn vinh truyền thống có ý nghĩa nhất. Triển lãm mở cửa đến hết 24-2.     

Lễ hội Đường sách Tết Kỷ Hợi 2019

Điểm nhấn của Lễ hội năm nay được thể hiện thông qua những gam màu của từng thời đại, qua đó thấy được hình ảnh người dân Việt Nam của quá khứ, hiện đại và tương lai.

Lễ hội Đường sách Tết Kỷ Hợi năm 2019 với chủ đề “Muôn màu của sách” sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 8-2 do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị thực hiện. Đây là sự kiện văn hóa, phục vụ cho đời văn hoá sống tinh thần của người dân và là một trong những hoạt động do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện. Lễ hội Đường sách Tết hằng năm là niềm tự hào của người dân thành phố, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè trong nước và quốc tế./.

PV (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com