Bãi Kem, Phú Quốc (Kiên Giang) vừa lọt vào top 100 bãi biển đẹp nhất thế giới 2018 do Flight Network - mạng lưới du lịch lớn nhất của Canada bình chọn.
Theo khảo sát của Flight Network, top 3 bãi biển đẹp nhất thế giới lần lượt thuộc về bãi biển Shipwreck, thuộc hòn đảo Zakynthos, Hy Lạp; bãi biển Whitehaven, bang Queensland của Australia và cuối cùng là bãi Hidden Beach của Thành phố El Nido, Philippines. Bãi Kem (Phú Quốc, Kiên Giang, Việt Nam) vinh dự xếp hạng thứ 43 trong top 100 bãi biển đẹp nhất thế giới năm 2018.
Vẻ đẹp trong lành, thuần khiết của bãi Kem. |
Bãi Khem hay còn được nhiều người dân bản địa gọi là Bãi Kem, nằm ở phía nam đảo Phú Quốc, thuộc Thị trấn An Thới, cách Thị trấn trung tâm Dương Đông 25km. Bãi biển hình cánh cung, tĩnh lặng bình yên giữa hai sườn rừng cây xanh thẫm. Sở dĩ gọi là Bãi Kem là bởi cát ở đây trắng mịn như kem, nước xanh màu ngọc bích, có thể nhìn thấu đáy biển. Gần Bãi Kem, du khách dễ dàng hòa mình, khám phá cuộc sống làng chài, chợ cá, bến cảng của An Thới. Để vui chơi giải trí, có thể đi cáp treo vượt biển Hòn Thơm ngắm biển đảo Phú Quốc từ trên cao, và tới Tổ hợp vui chơi giải trí biển để tham gia nhiều trò chơi giải trí trên biển thú vị.
“Sắc hoa” tại Ngôi nhà chung
Từ ngày 1-12-2018 đến 2-1-2019, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) diễn ra các hoạt động với chủ đề “Sắc hoa”. Đây là hoạt động góp phần tạo không khí sôi nổi đón chào năm mới 2019.
Các hoạt động trong tháng 12 với chủ đề “Sắc hoa” có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên, gồm: 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Điểm nhấn trong các hoạt động tháng 12 là không gian “Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019” tái hiện không gian đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc.
Các hoạt động của cộng đồng dân tộc hằng ngày tại Làng như: Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc; tái hiện cuộc sống hằng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của các dân tộc Tày, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, RagLai Ê Đê, Khmer...
Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt tại phố cổ Hội An
Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong lịch sử qua Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” trưng bày 32 hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các quốc hiệu chính thức và kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về nguồn gốc, ý nghĩa của các quốc hiệu chính thức và kinh đô của nước ta trải qua các thời kỳ lịch sử như: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương; Văn Lang thời Hùng Vương; Âu Lạc thời An Dương Vương; Vạn Xuân thời Tiền Lý; Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê; Đại Việt thời Lý - Trần - Lê; Đại Ngu thời nhà Hồ; Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh.
Triển lãm phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi quốc hiệu và kinh đô đất nước thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân. Qua đó quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Đặc biệt, Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong lịch sử qua Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” được tổ chức trong tuần văn hóa Di sản Việt Nam và phố cổ Hội An được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa thế giới đã tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa./.
PV (tổng hợp)