Vừa qua, Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản (JVF) lần thứ 5 đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong các sự kiện mở màn cho các hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2018).
Lễ hội với chủ đề “Cùng nắm chặt tay nhau”, Lễ hội được tổ chức thành 2 khu vực gồm: Khu gian hàng có các hoạt động thu hút khách đến tham quan như: Giới thiệu địa danh du lịch Nhật Bản; triển lãm đặc sản ẩm thực, thử các món ăn, đồ uống nổi tiếng… Khu vực sân khấu có các hoạt động giới thiệu văn hóa nhạc Pop của Nhật Bản; giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng của hai nước Việt Nam, Nhật Bản; giới thiệu nghệ thuật múa Bon Odori... Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách đến giao lưu, tham quan.
Ra mắt cuốn “Hội nghị Pa-ri - Cánh cửa đến hòa bình”
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973 - 27-1-2018), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Hội nghị Pa-ri - Cánh cửa đến hòa bình”.
Cuốn sách được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ biên soạn theo trình tự thời gian, được chia thành 3 phần kéo dài từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất diễn ra vào tháng 7-1976, tương ứng với 3 giai đoạn: Đường đến Hội nghị Pa-ri; Hội nghị Pa-ri - Cánh cửa đến hòa bình; Từ Hội nghị Pa-ri đến Đại thắng mùa xuân năm 1975. Tôn trọng và bảo vệ chân lý lịch sử và tính toàn diện của thông tin lịch sử, NXB Chính trị quốc gia sự thật giữ nguyên các bức ảnh chụp lại các tài liệu về Hội nghị Pa-ri của các bên tham gia. Đây là cơ hội cho bạn đọc có thể tiếp cận với những hình ảnh gốc, chân thực, sống động, những thông tin ghi dấu một chương vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trưng bày Tết Việt xưa và nay trong Hội xuân 2018
Hội Xuân 2018 diễn ra từ ngày 2 đến 8-2-2018 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong đó, Tết Việt được tái hiện qua mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, chợ hoa Tết, ông đồ ngồi cho chữ...
Toàn bộ không gian của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ được tạo dựng, phối cảnh, hòa sắc mang đặc trưng của Tết Việt với hệ thống trưng bày và thiết kế mỹ thuật đẹp mắt. Trong đó, Tết Việt được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi: mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong... Chợ hoa với nhiều loại cây cảnh phục vụ Tết, các ông đồ ngồi cho chữ ngày xuân, cùng các hoạt động thao diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống như: hoa giấy Thanh Tiên (Huế); chạm bạc Châu Khê (Hải Dương); làm đèn lồng Thường Tín, mỹ nghệ Sơn Đồng Hoài Đức, làm chuồn tre Thạch Thất, chằm nón Chuông Thanh Oai (Hà Nội)... Tất cả tạo nên một tổng thể sống động và thân thuộc tôn vinh giá trị, nét đẹp truyền thống văn hóa, Tết cổ truyền của dân tộc...
Triển lãm “Kiến trúc xanh”
Triển lãm Kiến trúc xanh vừa khai mạc tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam để vinh danh các gương mặt kiến trúc sư trẻ và sinh viên kiến trúc có các tác phẩm, đồ án kiến trúc thân thiện với môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng. Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chính là các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Kiến trúc Xanh Spec Go Green - cuộc thi có phạm vi châu lục, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam bảo trợ, Cổng thông tin điện tử của Hội Kienviet.net tổ chức thực hiện. Được phát động cách nay 7 tháng, BTC cuộc thi đã nhận được tổng cộng 132 bài dự thi, trong đó có 85 bài dự thi của sinh viên và 47 bài từ các kiến trúc sư trẻ. Trong đó, BTC đã chọn ra 24 tác phẩm trao giải với tổng giá trị giải thưởng hơn 1 tỷ đồng./.
PV (tổng hợp)