Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021

06:01, 11/01/2021

Ngày 11-1,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. Ðồng chí Vũ Ðức Ðam, Uỷ viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh...

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Theo báo cáo của Bộ LÐ-TB và XH, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2016-2020), các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp,chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, đời sống người có công và gia đình được nâng lên; phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” được đẩy mạnh; đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020. An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; đến nay có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên. Thu nhập của người lao động được cải thiện; độ bao phủ của BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng được mở rộng; đặc biệt, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt trên 1 triệu người, tăng 365% so với cuối năm 2015, về đích trước 2 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số chính sách chất lượng chưa cao. Cơ cấu đào tạo nghề theo cấp trình độ và ngành nghề còn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao. Chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn bất cập. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ và ô nhiễm môi trường lao động diễn biến phức tạp. Tỷ lệ đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội vẫn thấp hơn số người thực tế cần trợ giúp, mức trợ cấp còn thấp.

Năm 2021, Bộ LÐ-TB và XH chủ động tham mưu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế. Phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách pháp luật về tiền lương, BHXH và quan hệ lao động, an toàn lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng cao đời sống người có công với cách mạng. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người nghèo so với bình quân chung của cả nước. Mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội và nâng dần mức trợ cấp; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất các đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác phát triển toàn diện trẻ em; thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em. Thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, xã hội; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trên các kênh song phương, đa phương và phi Chính phủ nước ngoài nhằm huy động nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách về lao động, người có công và xã hội. Thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam ghi nhận, biểu dương những kết quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của ngành LÐ-TB và XH đạt được trong những năm qua. Ðồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, ngành LÐ-TB và XH tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành; phát triển tốt mạng lưới an sinh xã hội; đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống tệ nạn mại dâm./.

Tin, ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com