Khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1973-1975) - Kỳ 3

05:03, 17/03/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Tính đến hết năm 1972, ngoài 35 tỉnh ủy viên, số lượng cán bộ lãnh đạo so với khi mới hợp nhất Đảng bộ đều tăng lên nhiều. Số thành, huyện và thị ủy viên từ 212 tăng lên 317 đồng chí (49,32%); đảng ủy viên xã từ 3.506 lên 3.928 đồng chí (12%). Số cán bộ trưởng, phó ty, ban, ngành, công ty, xí nghiệp từ 230 lên 295 đồng chí (28,26%); trưởng, phó phòng, ban của thành, thị, huyện từ 809 lên 3.597 đồng chí (344,6%). Cùng với việc tăng trưởng trên, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cũng gia tăng: đại học 320,50%; trung học 412,34% và sơ học 779,84%. Đã điều động phục vụ các chiến trường B, C, K là 511 cán bộ, vào thanh niên xung phong 583 cán bộ, cho công tác cơ yếu 114 cán bộ và các yêu cầu khác của Trung ương 216 cán bộ.

    Từ thực tế trên, Tỉnh ủy yêu cầu phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có số lượng đủ, có chất lượng ngày càng cao, có cơ cấu hợp lý để đủ khả năng phục vụ xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật và củng cố quốc phòng.

Nhân dân Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Nhân dân Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.

    Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến cuối tháng 11-1973, 10 huyện, thành phố tổ chức xong Đại hội Đảng bộ. Đại hội đã xác định rõ nhiệm vụ của từng địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết 6 của Tỉnh ủy. Sau Đại hội, các Huyện ủy đã tập trung chi đạo Đảng bộ cơ sở nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương với việc rèn luyện và giáo dục đảng viên mà tiêu biểu là các Đảng bộ Hải Thịnh, Hải An (Hải Hậu), Yên Chính (Ý Yên), Xuân Phương (Xuân Thủy).

    Thắng lợi nổi bật nhất của năm 1973 là khắc phục được một phần quan trọng những hậu quả của chiến tranh và bão úng, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

    Sản xuất nông nghiệp được từng bước đẩy mạnh. Mặc dù gặp thiên tai lớn, diện tích mất trắng nhiều làm cho sản lượng lương thực giảm sút, nhưng ba huyện Hải Hậu, Xuân Thuỷ, Nam Ninh vẫn đạt năng suất 5 tấn/ha trở lên và sản lượng vụ mùa toàn tỉnh vẫn tăng hơn năm 1968 gần 2 vạn tấn. Chăn nuôi vẫn tiếp tục phát triển và là năm có đàn lợn cao nhất từ trước tới nay, kể cả số lượng, cơ cấu đàn và các điển hình chăn nuôi. Công tác quản lý của các hợp tác xã nông nghiệp có tiến bộ, quy mô được mở rộng, cơ sở vật chất kỹ thuật tăng thêm những hợp tác xã yếu đã có chuyển biến.

    Công nghiệp địa phương phát triển khá, giá trị tổng sản lượng vượt 6% kế hoạch và tăng 8,1% so với năm 1972 - năm đạt giá trị tổng sản lượng cao nhất. Tiểu thủ công nghiệp có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn về nguyên liệu, tích cực chuyển hướng mặt hàng để giữ vững và đẩy mạnh sản xuất. Trong 10 ngành công nghiệp địa phương thì 8 ngành (trừ dệt may và cung ứng than) sản xuất tăng hơn năm 1972 từ 0,6% đến 84% và 26/60 sản phẩm chính tăng hơn trước, nhất là vôi, gạch, ngói, gỗ xẻ, nước chấm. Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 15,4%. Việc sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải thủy được đẩy mạnh. Đã thí nghiệm thành công việc lắp máy đẩy cho các loại thuyền, đạt một số kỹ thuật mới và làm thuyền lưới thép xi măng.

Công tác xây dựng cơ bản được coi trọng và đẩy mạnh ở mọi ngành, mọi cấp. Lực lượng công nhân được tăng cường nên bảo đảm khối lượng xây dựng gần gấp rưỡi năm trước, góp phần đáng kể vào việc phục hồi sản xuất, ổn định sinh hoạt của nhân dân, tạo thêm cơ sở vật chất kỹ thuật và mở rộng sản xuất sau này.

    Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức ngày một gia tăng; phương thức phân phối bước đầu có cải tiến nên đã đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, học cho nhân dân; đảm bảo các nghĩa vụ đóng góp về lương thực, thực phẩm, nông sản với nhà nước.

    Trong điều kiện phải liên tục chuyển hướng xây dựng kinh tế từ thời bình sang thời chiến và từ thời chiến sang thời bình, trong đó năm 1973 hai lần phải phục hồi sản xuất (sau chiến tranh, sau bão úng) thì những thắng lợi kể trên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Tinh thần trách nhỉệm cao của các cấp ủy Đảng, sự cố gắng của các ngành, các cấp cùng với sự tận tuỵ của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là sự hy sinh to lớn của công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định mọi thành công kể trên.

    Song nền sản xuất và công tác quản lý kinh tế vốn yếu kém lại bị tác động và sự chi phối của chiến tranh không dễ dàng trở lại ổn định và có bước phát triển nhanh chóng.

    Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, ngày 26-1-1974, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, quyết định các nhiệm vụ lớn trong năm 1974, tập trung củng cố hợp tác xã; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc; khôi phục và ổn định các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp; phát triển giao thông vận tải; tăng đầu tư cho nông nghiệp và giải quyết các nhu cầu bức thiết của thành phố.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com