Tổng Bí thư Trường Chinh - "Kiến trúc sư " của sự nghiệp đổi mới đất nước

10:02, 12/02/2016

Nam Định tự hào là quê hương Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài ba về chính trị, quân sự và là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc. Những thành tựu đã đạt được qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước càng khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI đề ra mà đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư là người khởi xướng và có những cống hiến xuất sắc về lý luận trong việc xác định đường lối đổi mới của Đảng.

“Đổi mới là bức thiết”

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trường Chinh đã ba lần được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Tháng 7-1986, Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương bầu đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư. Với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, đồng chí Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị tìm hiểu và nghiên cứu hoạch định đường lối đổi mới, nêu ra những kết luận sâu sắc về “Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế” đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội (tháng 10-1986), đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Thế giới ngày nay đang nhanh chóng đổi mới: Chủ nghĩa xã hội phải phấn đấu để chứng minh tính ưu việt của mình về mọi mặt so với chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại”(1).

Ngay từ năm 1981, sau đợt điều chỉnh nâng giá hàng loạt các mặt hàng mà không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng, dẫn đến lạm phát trầm trọng, ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, đồng chí Trường Chinh đã quả quyết: “... Không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ, cũng như những chính sách và cơ chế quản lý như trước”(2). Để thực hiện công cuộc “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”, đồng chí Trường Chinh quyết định trước mắt cần làm gấp hai việc: Một là, tập hợp nhóm nghiên cứu gồm những người có tư duy để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của nước ta, làm căn cứ cho việc xác định con đường và bước đi sắp tới. Hai là, triển khai những chuyến đi thực tế ở các địa phương, tìm ra cái hay, cái mới, những bài học thành công và thất bại của cơ sở để đổi mới cách nghĩ, cách làm. Hai quá trình này được kết hợp làm một: Lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng.

Tượng đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Tượng đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Tháng 12-1982, thực hiện ý kiến của đồng chí Trường Chinh, nhóm nghiên cứu gồm 8 người được thành lập (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Khoa học xã hội Việt Nam...). Từ khi thành lập đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích, gợi mở và làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam để trình đồng chí Trường Chinh làm cơ sở lý luận cho việc hình thành tư duy đổi mới như: Nhận thức lại chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; vấn đề phân kỳ thời kỳ quá độ, đặc biệt là nội dung, nhiệm vụ cơ bản của mỗi chặng đường; phân tích một cách khách quan, toàn diện cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài và phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó...

Đối với đồng chí Trường Chinh, quá trình thâm nhập thực tế tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu nhân tố mới là vấn đề quan trọng. Từ năm 1983 đến năm 1985, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều chuyến đi khảo sát các tỉnh: Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu - Côn Đảo, Đồng Nai, Long An, Quảng Nam - Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang (Cần Thơ), Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nam Ninh. Những chuyến đi thực tế của đồng chí Trường Chinh là quá trình thâm nhập thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đúc kết thành quan điểm, tư tưởng đổi mới của đồng chí. Sau chuyến thăm và làm việc tại hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai - Kon Tum, đồng chí Trường Chinh đã có tờ trình đề nghị Bộ Chính trị có chỉ thị về một số vấn đề trước mắt trong sự nghiệp đưa các dân tộc Tây Nguyên tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong tờ trình này, đồng chí đã nêu ra những đặc điểm xuất phát của các dân tộc Tây Nguyên và kiến nghị một loạt hình thức, bước đi, trong đó hình thức phát triển kinh tế vườn, hình thức khoán hộ rất cụ thể, khoa học. Hay trong chuyến khảo sát tại Long An (tháng 1-1984) - địa phương đã giải quyết tốt vấn đề giá và lương, đồng chí Trường Chinh đã nghiên cứu một số mô hình tốt, rút ra những bài học kinh nghiệm để hình thành trong tư duy về quá trình từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang mô hình mới, cơ chế mới. Đây chính là yếu tố “Lý luận kết hợp với thực tiễn” được đúc rút trong hai bài phát biểu của đồng chí tại Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7, được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 18-5-1986, bằng lý luận và thực tiễn của mình, đồng chí cho rằng: Trong quá trình đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, chúng ta không thể không sử dụng các phạm trù sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, đòn bẩy kinh tế, tiền tệ, giá cả thị trường. Đó là những phạm trù chính trị - kinh tế học được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đúc kết và khái quát lên, thì tại sao chúng ta lại không dùng được, xem như là công cụ phổ biến của tư duy kinh tế. Vấn đề là những phạm trù kinh tế ấy có phù hợp với điều kiện cụ thể, phản ánh được những quy luật kinh tế khách quan của nước ta hay không chứ không phải là bắt chước những quan điểm nước ngoài. Quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta phải trải qua sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới... “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải nhanh chóng chuyển từ bao cấp sang hạch toán, kinh doanh, loại bỏ tính chất, hình thức giả tạo, khôi phục tính chân thực của mọi hoạt động kinh tế nhằm thực hiện bằng được bước chuyển đổi”(3). Từ năm 1982 đến khi tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với nhiều bài phát biểu thẳng thắn “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” trong các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8…, đồng chí Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng khóa V xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối toàn diện của Đảng ta tại Đại hội VI. Điểm nổi bật trong những luận điểm đổi mới về tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế của đồng chí Trường Chinh là: Thực hiện xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở xác định đúng cơ cấu xã hội của nền kinh tế; phát triển nền kinh tế hàng hóa; thừa nhận sự tồn tại và chủ động vận hành cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Nam Định - Hành trình 30 năm đổi mới

Sinh thời, trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, dù bận nhiều công việc, đồng chí Trường Chinh vẫn dành thời gian về thăm quê hương và quan tâm tới sự phát triển của tỉnh. Đồng chí Trường Chinh viết: “Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm bà con. Tuy ở xa, nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà...!”(4). Từ năm 1960 đến năm 1987, đồng chí Trường Chinh đã 8 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Trong các lần về thăm, đồng chí dành nhiều thời gian về cơ sở, tiếp xúc với bà con nông dân, công nhân; tìm hiểu và lắng nghe những suy nghĩ, ý kiến của nhân dân về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang thực hiện; động viên khích lệ những thành tích đã đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm trong công tác quản lý, củng cố khối đoàn kết nhất trí, chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng để phát huy sức mạnh của Đảng bộ. Đồng chí Phạm Tất Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Hậu kể: Tháng 3-1981, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã về thăm và khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ở tỉnh Hà Nam Ninh; thăm huyện Hải Hậu. Thời kỳ này, thực hiện Chỉ thị 100, Huyện ủy Hải Hậu chỉ đạo làm điểm “khoán sản phẩm cho nhóm và người lao động” ở xã Hải Nam. Kết quả, việc khoán hộ đã tạo ra không khí sản xuất mới ở các HTX và gia đình xã viên; công tác thủy lợi nội đồng, các khâu cung ứng phục vụ sản xuất như giống, phân bón đều có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đây là cơ chế quản lý mới, nên khi thực hiện không ít cán bộ, đảng viên, xã viên chưa nắm chắc mục đích, nguyên tắc, phương hướng của “Khoán 100”, vì thế còn do dự, thiếu quyết tâm, triển khai chậm. Khi kiểm tra, khảo sát Chỉ thị 100 ở xã Hải Trung, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ 5 nguyên tắc đảm bảo đường lối hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông thôn ngày một phát triển khởi sắc. Ruộng đất phải thật sự thuộc sở hữu của toàn dân; lao động sản xuất trong HTX là lao động tập thể, phải khuyến khích mọi người tham gia sản xuất. Đảm bảo phân phối theo lao động, quan tâm cả 3 lợi ích: Lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và lợi ích của người lao động. Chớ có lệch bên này hoặc lệch bên kia. Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng chí nhắc nhở: Phải nghiên cứu kỹ Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để thực hiện tốt, nắm vững mục đích và nguyên tắc của việc khoán, bàn bạc dân chủ để có hình thức khoán thích hợp, không được khoán trắng và chia ruộng đất manh mún, cản trở sử dụng kỹ thuật. Phải trên cơ sở thực tế để tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình như Hải Hậu trên toàn tỉnh.

Mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân, trong khí thế phấn khởi chung của cả dân tộc về những thành tựu nổi bật của đất nước sau 30 năm đổi mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Định tự hào là quê hương đồng chí Trường Chinh. Những lời động viên, cổ vũ, những lời chỉ đạo ân cần mang tầm cao tư tưởng, sâu nặng nghĩa tình của đồng chí Trường Chinh cho tới nay vẫn đang được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện. Trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Định không ngừng phấn đấu vươn lên và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt trong 5 năm (2010-2015), Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm, chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương, tập trung tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới. Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 1994) bình quân đạt 12,5%/năm. Quy mô kinh tế được mở rộng, so với thời kỳ 2006-2010: tổng GRDP gấp hơn 2,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 2,74 lần; thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2015 ước đạt 3.000 tỷ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,7 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năm 2015, công nghiệp - xây dựng chiếm 41%, dịch vụ chiếm 35%, nông nghiệp chiếm 24% trong tổng GRDP. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 22,3%/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,2%/năm. Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, giá trị tăng bình quân 12,5%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thu được kết quả nổi bật, là 1 trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015. Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được triển khai bước đầu thu được một số kết quả quan trọng. Tích cực huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành vượt kế hoạch về thời gian nâng cấp Thành phố Nam Định lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, từng bước hình thành một số chức năng trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm, đạt nhiều thành tựu mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng và đảng viên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên.

Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân Nam Định phát huy truyền thống, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra: Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh CNH-HĐH; triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh NTM”. Tập trung xây dựng Thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội./.

Việt Thắng

-------------------------------------------

(1), (2), (3): “Lê Duẩn - Trường Chinh: Hai nhà lý luận xuất sắc của Cách mạng Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia, năm 2002.

(4): Lưu bút của đồng chí Trường Chinh tại Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com