Những thủy thủ trên "Đoàn tàu không số" năm xưa

11:02, 12/02/2016

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên dọc dải Trường Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của cả dân tộc. Nhưng còn có một con đường khác trên Biển Đông không kém phần nổi tiếng gắn với những con tàu không số, những chiến sĩ hải quân dũng cảm và những chiến công thầm lặng. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, tháng 12-2015, tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (TP Hải Phòng), 2 cựu chiến binh - cựu thủy thủ của “Đoàn tàu không số” quê Nam Định đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là ông Trần Xuân Hỗ, quê xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) và ông Phan Hải Hồ quê ở xã Nam Vân (TP Nam Định).

Huyền thoại “La Văn Cầu trên biển”
 
Ông Phan Hải Hồ, cựu thủy thủ Đoàn “Tàu không số” quê thôn Địch Lễ A, xã Nam Vân (TP Nam Định) thường được đồng đội trìu mến gọi bằng cái tên: anh “La Văn Cầu trên biển”. Ông là người đã khẩn thiết đề nghị đồng đội chặt đứt hẳn một phần chân bị thương dập nát của mình để tiếp tục chiến đấu suốt đêm phá vòng vây của tàu địch. Đặc biệt, ông còn vinh dự được chuyển Đảng chính thức ngay trong thời khắc ác liệt sinh tử đó. 
 
Cũng như lớp lớp thanh niên trai tráng cùng thời, năm 1962, chàng thanh niên Phan Hải Hồ rời quê hương lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Ông được biên chế vào Đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân), làm chiến sĩ báo vụ trên các con tàu không số chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1964, sau một khoá huấn luyện, Phan Hải Hồ tình nguyện xin đi B và từ đó gắn chặt cuộc đời mình với con tàu huyền thoại mang mật danh 69. Ngày 21-3-1966, ông và 15 đồng đội được lệnh xuất phát chở theo 72 tấn vũ khí vào Vàm Lũng, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Trên đường đi, tàu 69 bị tàu chiến và máy bay địch theo dõi nên hai lần phải quay trở về. Ngày 15-4-1966, tàu được lệnh tiếp tục lên đường. Tối 23-4-1966, vượt qua nhiều hiểm nguy, tàu cập bến Cà Mau. Sau khi bốc dỡ và chuyển hàng hoá đến nơi an toàn, các thủy thủ phát hiện chân vịt tàu bị hỏng. Mất hàng tháng trời loay hoay giữa rừng đước trong sự truy lùng gắt gao của địch, thủy thủ đoàn mới sửa xong chân vịt của con tàu nặng hàng trăm tấn bằng một cái đốc nổi làm bằng thân cây đước và vài chiếc đèn khò thô sơ. Khi tàu 69 của ta đang ở trong rừng đước, địch cho tàu ém ở các cửa biển, chặn lối ra. Mấy lần, ông Hồ cùng các đồng đội tìm cách trở về miền Bắc nhưng không thành. Đêm 31-12-1966 rạng sáng ngày 1-1-1967, nhận định rằng bọn địch đang vui Tết Dương lịch, có thể chểnh mảng việc canh phòng, hơn nữa tin báo cho biết, tình hình ngoài cửa vàm yên tĩnh. Ban chỉ huy Đoàn 962, đơn vị “bến” chuyên tiếp nhận các con “Tàu không số” từ miền Bắc vào quyết định tổ chức để tàu 69 rời nơi ẩn nấp. Mọi việc ban đầu có vẻ xuôi. Tuy nhiên, khi mới rời bờ khoảng 5km, vị trí phía sau báo cho thuyền trưởng có 1 tàu cao tốc của địch đuổi theo. Tàu 69 buộc phải dùng toàn bộ hoả lực gồm 3 khẩu B41, 2 khẩu 12 ly 7, 1 khẩu DKZ tiêu diệt gọn mục tiêu. Tuy nhiên, một số anh em trên tàu 69 bị thương vong. Cán bộ chỉ huy tàu họp chớp nhoáng và quyết định cho tàu 69 quay trở lại nơi xuất phát vì nếu đi tiếp sẽ bị địch bắt và tiêu diệt. Toàn bộ vũ khí đạn dược được chuyển lên boong tàu sẵn sàng chiến đấu. Đến 22 giờ 30, địch dùng 2 máy bay thả pháo sáng từ Rạch Dấp đến Vàm Lũng và điều 5 tàu cao tốc trang bị hoả lực mạnh để truy đuổi. Chúng dàn 3 chiếc bên trái cách tàu ta khoảng 1km, 2 chiếc khác bám sát sau tàu ta cũng ở cự ly khoảng 1km. Súng 12 ly 7 và B41 của ta bắn buộc địch giãn ra. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Nhằm ngăn không cho tàu 69 quay lại vàm, địch gọi thêm tàu chắn ở các cửa Rạch Gốc và Bồ Đề, đồng thời nã pháo lớn trước mũi tàu 69. Tàu địch bao vây xung quanh và đổ đạn không tiếc... Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, chân phải của báo vụ 2 Phan Hải Hồ bị dính đạn. Mảnh đạn găm vào chân khiến xương chân dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài, máu chảy lênh láng. Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục ôm súng bắn trả địch và đề nghị y tá lấy dao chặt đứt cho đỡ “vướng víu”. Ngay dưới bệ pháo, dưới làn đạn xối xả của địch, đồng chí chính trị viên của tàu dùng dao cắt rời phần chân bị nát của người đồng đội, Phan Hải Hồ được y tá ga-rô để cầm máu. Trong khi được “phẫu thuật” bằng con dao làm bếp, Phan Hải Hồ tiếp tục dũng cảm dùng pháo 12 ly 7 tấn công địch. Tàu càng vào gần bờ, bọn địch càng bắn mạnh. Chỉ còn một chân, Phan Hải Hồ vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Nhìn anh Hồ đau đớn nhưng không nao núng, đồng chí Tăng Văn Huyễn, Chính trị viên tàu 69 cảm động, nói to: “Nhân danh bí thư chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng”. Mặc máy bay địch quần thảo trên trời, thả bom, bắn rốc két, các thuỷ thủ cuối cùng cũng đưa được tàu 69 lọt vào cửa vàm, thoát khỏi vòng vây của địch. Phan Hải Hồ và các chiến sĩ bị thương trên tàu được đồng đội đưa vào quân y viện điều trị. Ở đây, ông phải trải qua 3 lần phẫu thuật và nhiều lần bị hôn mê vì mất quá nhiều máu. Với thành tích trong trận đánh đêm 31-12-1966, anh được cấp trên tuyên dương, tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba. Điều trị vết thương ổn định, ông xin về Đoàn 962 công tác làm giáo viên dạy văn hóa cho chiến sĩ trong Đoàn. Tại đơn vị mới, ông được phân công làm trợ lý chính trị của Đoàn 962. Tháng 10-1975, ông được cấp trên cho ra Bắc an dưỡng tại Đoàn 586 thuộc Quân khu 3 đóng tại Lý Nhân (Hà Nam). Trong thời gian chiến đấu, rèn luyện trong quân đội, ông Phan Hải Hồ đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và năm 2016 này, ông tròn 50 năm tuổi Đảng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2015, ông là một trong 7 cựu thủy thủ của Đoàn “Tàu không số” vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện ông đang sinh sống cùng gia đình tại thôn Địch Lễ A, xã Nam Vân (TP Nam Định). Dù sức khỏe của ông hiện giờ không còn được như trước bởi tuổi cao và vết thương cũ lại đau nhức mỗi khi “trái gió, trở trời” nhưng Anh hùng Phan Hải Hồ luôn là tấm gương sáng để lớp con cháu noi theo.
Ghi nhận những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Xuân Hỗ (thứ 2 từ trái sang), ông Phan Hải Hồ (thân nhân của ông thứ 2 từ phải sang) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ghi nhận những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Xuân Hỗ (thứ 2 từ trái sang), ông Phan Hải Hồ (thân nhân của ông thứ 2 từ phải sang) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Chiến công phá hủy tàu dầu 15 nghìn tấn
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn đặc công 126 Hải quân Nhân dân Việt Nam (Đoàn 126) đã lập nên nhiều kỳ tích tầm cỡ lịch sử quân sự thế giới. Có những trận đánh đã đi vào huyền thoại, trong đó có một trận chiến tiêu diệt hoàn toàn tàu dầu 15 nghìn tấn cùng với thủy thủ đoàn phục vụ trên tàu của Mỹ đỗ ngoài biển Cửa Việt (Quảng Trị) bằng phương pháp bơi tiếp cận, gắn mìn hẹn giờ vào tàu. Tàu dầu 15 nghìn tấn bị tiêu diệt đã tạo ra một tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Thắng lợi của trận đánh đã mở ra một phương thức tác chiến mới cho bộ đội đặc công, không những đánh tàu trong cảng, trong sông mà còn đánh tàu neo đậu ngoài biển xa. Sự kiện tàu dầu 15 nghìn tấn của Mỹ bị đánh đắm này được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”… Có tờ báo còn đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà ra-đa trên tàu quét 24/24 giờ xung quanh tàu và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển? Đó là chiến công của 2 chiến sĩ đặc công Trần Xuân Hỗ, quê xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc - Nam Định), hiện trú tại phường Cẩm Đông, Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) và ông Trần Quang Khải (quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Tháng 12-2015 vừa qua, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ ông Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dịp 2 ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 
 
Nhớ lại thời khắc đó, ông Hỗ như sống lại giây phút cam go nhưng đầy huy hoàng. Đúng 19 giờ ngày 6-9-1969 nhận lệnh của cấp trên, tại một điểm xuất phát ở Cửa Tùng, tổ chiến đấu của Đội 1 gồm các ông: Bùi Văn Hy, Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải do ông Bùi Văn Hy làm tổ trưởng xuất phát, bơi ra biển tiếp cận tàu địch. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm… Riêng chiến sĩ Trần Xuân Hỗ và chiến sĩ Trần Quang Khải nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg do Liên Xô sản xuất. Đây là loại vũ khí rất lợi hại của đặc công nước, có ghép bốn mươi tám mảnh nam châm hình móng ngựa, có sức hút 100kg. Khi mìn đã áp vào sườn tàu, rút chốt an toàn, đúng giờ sẽ nổ, nếu chưa đến giờ nổ mà bị tháo gỡ, mìn cũng tự phát nổ bởi nó có ngòi chống tháo. Hai ông bơi ra biển, nhằm thẳng hướng ánh sáng ngoài khơi, nơi tàu dầu thả neo, còn ông Bùi Văn Hy ngồi trong một chiếc thuyền của ngư dân bỏ lại trên bãi biển cảnh giới, theo dõi. Sau gần năm giờ bơi, vật lộn với sóng gió, tổ chiến đấu đã đến gần vị trí tàu. Mặt biển quanh tàu sáng như ban ngày bởi ánh sáng đèn pha của địch. Tổ bắt được dây neo, men theo dây neo, hai chiến sĩ ôm được chân vịt của tàu rồi bơi men ra giữa thành tàu. Thành tàu bám đầy hà, sợ gắn mìn rùa không đảm bảo kỹ thuật, ông Khải rút dao găm bên người, nhẹ nhàng cạo hết lớp vỏ hà bám bên sườn tàu, gắn mìn vào. Rút chốt an toàn, cắt dây phao mìn, rồi hai người ngậm ống thở lặn sâu xuống rút lui.
 
Vừa rời tàu khoảng một mét, cái phao bật lên khỏi mặt nước, lính Mỹ trên tàu hốt hoảng kêu la ầm ĩ. Còi báo động trên tàu rú vang. Chúng tập trung ném lựu đạn và bắn xuống nước, 3 máy bay trực thăng bay ngang dọc, quét đèn pha sáng rực cả một vùng quyết tìm diệt bằng được những người lính đặc công Việt Nam - một trong những đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Khoảng một tiếng sau, từ chiếc tàu vận tải 15 nghìn tấn phát ra hai ánh chớp xanh lè kèm theo hai tiếng nổ lớn rung chuyển cả mặt biển. Cột lửa bùng lên từ con tàu chở dầu sáng cả một vùng. Sức ép làm hai người nghẹt thở, choáng váng rồi chìm nghỉm xuống nước. Dây đồng đội bị đứt, hai ông bị văng mỗi người một nơi, mất liên lạc, cứ như vậy bị nước cuốn đi… Suốt một ngày lạc nhau, đói, khát, ẩn giấu mình dưới sự lùng sục, truy quét của địch, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Đến tối, cả ba chiến sĩ đã gặp nhau ở điểm quy định bên bờ bắc Cửa Việt. Ông Khải bị thương vào đùi còn ông Hỗ bị sức ép của bom gây ù tai. Sau chiến công này, ông Trần Xuân Hỗ được đi báo cáo điển hình và tham gia huấn luyện, bổ sung cho chiến trường, tiếp tục chiến đấu. Năm 1976, ông chuyển ngành về Cty Than Đèo Nai và đến năm 1993 nghỉ hưu tại Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Dù trong hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn giữ vững đạo đức cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân và đồng đội quý trọng, yêu mến.
 
***
 
Chiến tranh lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng các thế hệ người Việt Nam sẽ không bao giờ quên những thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc, trong đó có phần đóng góp công sức, xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Đoàn “Tàu không số”, trong đó có những người con quê hương Nam Định - những người dù biết trước có thể sẽ hy sinh nhưng vẫn giữ vững lòng tin, không hề sợ hãi, không hề do dự. Những cán bộ, chiến sĩ trên “Tàu không số” ngày ấy đã phát huy cao độ tinh thần của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ký ức về những năm tháng được sống và chiến đấu trên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại luôn được họ nâng niu, trân trọng như vật báu./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com