Nguyễn Đức Thuận - Một nhà cách mạng xuất sắc

04:02, 05/02/2016

Tôi có một tuổi thơ gắn với nhiều thần tượng, nhất là những người anh hùng, hay những con người bất khuất. Khâm phục nhất là tấm gương chiến đấu và chiến thắng tù ngục đế quốc của Nguyễn Đức Thuận. Đọc cuốn hồi ký “Bất khuất” của ông, tôi thật sự xúc động và cảm phục người chiến sĩ cách mạng ấy trong ngục tù đế quốc…

Bất khuất trước đòn thù

Ông Nguyễn Đức Thuận (tức Bùi Tư Phong) sinh năm 1916, quê huyện Vụ Bản, Nam Định, tham gia phong trào công nhân từ năm 1936, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1937, từng là Thành ủy viên Thành phố Hà Nội. Những năm 1940-1945, ông bị địch bắt đày đi Sơn La rồi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, rồi Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1956, ông bị địch bắt, bị tra tấn bằng nhiều kiểu đòn thù dã man, đến khi không khai thác được gì, chúng đày ông ra Côn Đảo. Đọc “Bất khuất” chúng tôi hồi đó ai cũng nghẹn ngào cảm phục sự thủy chung sắt đá của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận, cảm xúc đầu tiên là tầm vóc nhà cách mạng. Thoát ly gia đình từ năm 20 tuổi, ông dấn thân vào con đường cách mạng và từ đất Bắc, ông đã có mặt trên miền đất Nam Bộ bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng ở miền Nam, như Lê Duẩn. “Hôm nay là bao nhiêu? 31 à (31-7-1956 - PV), tôi bị bắt đã ba ngày. Vậy mà chúng chỉ tra hỏi tên tôi và tên vợ tôi. Ngày 30 hôm qua, theo kế hoạch, đáng lẽ tôi gặp anh Thư để bàn việc bố trí tôi đi gặp anh Ba Duẩn (cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) ở Sài Gòn. Tôi bị bắt đã đành, song nếu vì lẽ gì đó mà các anh bị bắt thì tôi đau khổ biết nhường nào! Nếu hai anh bị bắt thì tổn thất cho cách mạng biết mấy! Hình dung đến cảnh hai anh bị chúng tra tấn, tôi rùng mình. Tôi hối hận, càng hối hận người càng bồn chồn như cuồng như điên. Nhưng tôi lại thấy nếu hai anh làm sao rồi thì chắc chắn chúng sẽ xoắn lấy quan hệ giữa ba chúng tôi, anh Ba, anh Thư và tôi. Chúng sẽ truy nhiều việc quan trọng khác kia. Nghĩ ra điều này, tôi nhẹ hẳn người. Yên trí, chỉ mình tôi bị thôi, các anh không làm sao cả!”.

Những trang viết về đòn thù dã man đối với Nguyễn Đức Thuận làm tôi rùng mình trước hình thức tra tấn tàn bạo của kẻ thù và không hiểu nổi sức mạnh nào để ông vượt lên nỗi đau mà không khai báo ra đồng đội, đồng chí của mình, để giữ vững khí tiết cách mạng…

Ông viết: “... Bọn này đánh dai quá chừng, không có giờ giấc gì nữa. Ba giờ sáng, chín mười thằng lại xuống xốc nách tôi kéo đi. Lần này, chúng không treo lên mà bâu lại đấm, đá. Bạ đâu đấm đấy, bạ đâu đá đấy. Thằng giật ngửa tóc lên, thằng nhè giữa mặt tôi thoi tới. Thằng đá vào bụng, thằng lia mũi giày vào cổ chân. Thằng thúc khuỷu tay vào ngực, thằng băm tay vào cổ... Có lúc hai thằng dang hai tay tôi ra cho cả lũ thi nhau đấm, đạp hoặc lao báng súng vào ngực tôi.

Chán kiểu này, chúng lại sang kiểu “lên gối”: Vặn ngược tay tôi ra sau lưng cho người tôi cúi gập xuống và chúng phóng ngược đầu gối vào mỏ ác tôi... Lúc chúng buông tay nghỉ, tôi ngã vật ra. Người tôi đầy máu. Quần áo rách bươm. Đầu ngón chân, ngón tay giập nát. Chúng cứ đứng cả chung quanh, co chân lên thật cao rồi đạp thật mạnh vào người tôi nằm bẹp dí, rũ rượi ở đất. Thằng Xoong - một tên lưu manh làm công an - bảo bốn đứa cầm tay chân tôi dang ra bốn phía, nhấc người tôi là là khỏi mặt đất để cho nó mắm môi mắm lợi dận gót giày vào đúng tim tôi. Mỗi lần gót giày nó dận xuống, tôi cảm thấy rõ ràng tim tôi thót lại và ngừng đập hẳn đi. Nó dận, nó dận, nó dận bao nhiêu lâu? Tôi chỉ thấy một vật gì mềm đặt trước mũi tôi. Rồi có tiếng nói văng vẳng: “Ngoẻo rồi, còn đếch gì nữa, thôi!”. Chúng vứt tôi xuống phòng giam.

Anh Mão lại lấy nước đái xoa bóp cho tôi. Không ngờ chúng rình thấy hết. Sáng sau, chúng kéo anh Mão ra đánh ba mươi cái dùi cui rồi khiêng tôi lên phòng điều tra. Tôi lúc này cổ không mang nổi đầu nữa, cứ rũ ra như con gà cắt tiết. Chúng phải dựng tôi đứng cho thằng Di đánh. Thằng Di có võ, đòn nó nặng hơn bọn kia nhiều. Nó đánh một lúc, tôi lại chết ngất. Lúc tỉnh dậy, trong phòng giam chỉ còn mình tôi. Cựa mình, toàn thân lại đau choáng, chỉ chực ngất đi. Cứ nằm một chiều ở một chỗ mà ăn, ngủ, đái, ỉa...”.

Rồi dã man hơn là bắt “đứng đèn”. Chúng bắt ông đứng dưới bóng đèn cao áp dội lửa nóng xuống đầu và thân thể ba ngày, rồi bảy, tám, chín ngày ròng… Quá khâm phục người chiến sĩ kiên trung, nhà thơ Xuân Diệu đã cảm thán:

“Anh Nguyễn Đức Thuận đứng và trên đầu anh là ánh sáng chói lòa. Nhưng vì anh đã chiến thắng hai đợt đứng đèn, nên ánh sáng ấy trở thành ý nghĩa hào quang trên đầu người cộng sản!”.

Suốt tám năm với đủ mọi cực hình dã man, kẻ thù không khuất phục được khí tiết cách mạng của người chiến sĩ trung kiên, bất khuất, tháng 4-1964, chúng phải trả tự do cho ông. 

Nguyễn Đức Thuận, là một người cộng sản kiên cường, một nhà hoạt động xuất sắc của cách mạng Việt Nam của thế kỷ XX. Từ những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Nguyễn Đức Thuận được Nhà nước tặng: Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh đợt đầu (29-12-1984). Ngày 5-12-2007, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông qua đời ngày 4-10-1985 do bị nhiều bệnh nặng - hệ quả của sự tra tấn trong nhà tù đế quốc nhiều năm.

Và mối tình son sắt của hai người cộng sản

Phu nhân tác giả cuốn “Bất khuất” là người con gái Bình Định Nguyễn Thị Phương Nhu. Bà Nguyễn Thị Phương Nhu sinh năm 1927 trong một gia đình giáo học ở Bình Định, năm 1945, lúc 18 tuổi, cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1946, bà tham gia hoạt động bí mật và được kết nạp vào Hội Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn. 

Năm 1947, bà thoát ly ra bưng biền, đến cơ quan Phụ nữ Nam Bộ, làm Ủy viên Thư ký Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Long. Đầu năm 1950 bà là một trong bốn đại biểu của phụ nữ tỉnh đi dự Hội nghị cán bộ Phụ nữ Nam Bộ họp tại xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Hậu Giang). 

Dự hội nghị, có ông Lê Đức Thọ ở Trung ương cử vào, ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Tại đây cơ duyên chợt đến với hai người đồng chí. Đó là một mối tình đẹp, được tác thành bởi những người đồng chí mà phần lớn sau này trở thành nhân vật lịch sử.  Đồng chí Lê Đức Thọ mời bà Phương Nhu ở lại làm việc trong Ban tuyên huấn Phụ nữ Nam Bộ và có ý tác thành với ông Nguyễn Đức Thuận. Cảm nghĩ ban đầu của cô gái mới lớn là người đàn ông ấy hơn mình non một con giáp, lại từng trải quá nhiều cay cực tù đày từ Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… chắc sẽ khô khan, khó hợp với cô gái mới lớn lắm mơ mộng. Nhưng dần dà qua thời gian, họ đã hiểu nhau, cảm mến nhau. Tình yêu ấy bền chặt mãi về sau có lẽ do được bắt nguồn từ lòng yêu nước của hai người… Bà kể: “Anh nói ít về mình và gia đình mà quan tâm đến người khác nhiều hơn, nhất là người lao động. Tôi ngưỡng mộ và kính trọng anh”.

Là người đàn ông già dặn từng trải, ông đã chăm lo săn sóc bà một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Ông kín đáo bỏ tiền tặng vợ khi đi công tác. Khi về, món tiền vẫn còn nguyên, bà kín đáo trả lại ông, kèm theo mấy câu thơ:

Số tiền chẳng bao nhiêu
Nhưng lòng ai quá nhiều
Tạ tình anh chu đáo
Cho em niềm tin yêu...

Đám cưới Nguyễn Đức Thuận  và  Nguyễn Thị Phương Nhu đã đi vào lịch sử bởi đó là hôn lễ giữa người trai xứ Bắc và cô gái miền Trung. Một đám cưới không sính lễ, không xe hoa… Đám cưới được cơ quan Xứ ủy tổ chức sau cuộc họp của Xứ ủy. Chú rể, cô dâu thời chiến dung dị đáng yêu cô dâu vẫn bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ… Hạnh phúc của họ được tính từng ngày. Sau mấy ngày bên nhau họ lại ra đi mỗi người mỗi ngả, ai về cơ quan nấy. Lâu lâu tình cờ công tác mới gặp nhau. Bà Nhu có thai đứa con đầu, khi đang ở cơ quan công tác… Đến gần ngày sinh, cơ quan thu xếp đưa về Sài Gòn, ba má gửi bà sang nhà người quen ở Chợ Lớn, tránh bị lộ chấp nhận đẻ theo kiểu mụ vườn. Khi cháu được ba tháng, ông Nguyễn Đức Thuận mới biết mặt đứa con trai đầu lòng qua tấm hình bà gởi nhờ giao liên chuyển đến. 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 20-7-1954, ông về cơ quan Trung ương cục miền Nam (Khu 9). Còn bà được đi tập kết, nhưng sức yếu, con nhỏ, bà ở lại và hoạt động bí mật ở nội thành. Mồng 1 Tết Ất Mùi 1955, ông đột ngột ghé thăm nhà. Đó là cái Tết sum họp vợ chồng, con cái, ông bà ngoại rất vui vẻ. Đến khi bà Nhu sinh đứa con thứ ba, ông đột ngột bí mật thăm vợ con ở nhà hộ sinh. Đây là lần đầu tiên ông được bế đứa con vừa sinh của mình trong chốc lát.

Cuộc hò hẹn gặp nhau lần thứ ba không thành. Mãi sau này bà mới hay ông bị bắt ngày 29-7-1956 tại Sở thú Sài Gòn… Thế là biền biệt 8 năm trời, bà nuôi con và thay ba má quản lý, gây dựng lại nhà in, vực dậy kinh tế gia đình và cũng là bí mật lo tài chính cho tổ chức.

Ra tù năm 1964, ông Nguyễn Đức Thuận cùng vợ được đưa ra Hà Nội chữa bệnh vào tháng 3-1965. Bình phục, ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng của Tổng Công đoàn Việt Nam, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa IV đến khóa VII. 

Họ đã đi cùng nhau suốt chặng đường chiến đấu, hoạt động, tuy thời gian gần gũi nhau chỉ được tính bằng tháng, bằng ngày. Mãi đến sau năm 1975, gia đình con cái mới được sum họp tại Hà Nội…

Nguyễn Đức Thuận - Người chiến sĩ cách mạng dấn thân từ tuổi trẻ cho đến khi giã biệt cõi đời vào năm 1985, ông là một chiến sĩ cộng sản xuất sắc, một nhà hoạt động cách mạng có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tấm gương “Bất khuất” của ông mãi còn soi sáng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau. Tên ông đã được đặt tên đường ở Nam Định, quê hương ông và tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thủ Dầu Một (Bình Dương)./.

Tân Linh



Thi công lưới an toàn Việt Anh

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com