Khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai (Kỳ 6)

05:02, 16/02/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và bước đầu có tiến bộ trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và tuyển lựa học sinh vào các cấp. So với niên học 1968-1969, số trường phổ thông tăng 1,71%; số lớp tăng 10,21% và số học sinh tăng 19,8%, trong đó cấp I tăng là 5,6%; cấp II tăng 9,4%; cấp III tăng 4,8%. Phong trào bổ túc văn hoá ở thành phố Nam Định và các khu vực tập trung cũng tăng hơn trước, nhất là cấp II và cấp III. Trong năm 1969, hệ phổ thông và bổ túc văn hoá có 715.000 người đi học, đưa mức bình quân lên 2,4 người dân có 1 người đi học.

    Niên học 1970-1971, giáo dục phổ thông vẫn phát triển mạnh, bổ túc văn hoá và mẫu giáo đi dần vào ổn định. Số học sinh phổ thông tăng 5%, trong đó học sinh cấp III tăng 12,3%; bổ túc văn hoá có 58.356 học viên, bằng 93,6% niên học trước; học sinh mẫu giáo tăng 4%. Để nâng cao chất lượng, việc tuyển chọn học sinh vào các lớp đầu cấp ngày càng chặt chẽ (lớp 1 tuyển 63,3%; lớp 5 tuyển 94,8%; lớp 8 tuyển 20,5%). Ngoài ra, ngành giáo dục còn tích cực tổ chức các trường đội, các trường phổ thông ban đêm ở thành phố Nam Định để thu hút học sinh lớp 5 không đỗ hệ phổ thông. Phong trào thi đua "Hai tốt" noi gương các trường tiên tiến, việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập và lao động hướng theo mục tiêu đào tạo con người mới toàn diện đã có những bước tiến đáng kể.

    Mạng lưới y tế được củng cố. Trong năm 1969, phong trào vệ sinh phòng bệnh có bước chuyển biến tốt, đã có 128 xã hoàn thành xây dựng ba công trình vệ sinh và tính chung toàn tỉnh cứ 1,2 gia đình có 1 công trình vệ sinh; 4,9 gia đình có một giếng khơi và 6,3 gia đình có 1 nhà tắm. Việc tiêm phòng dịch bệnh được chú trọng, có nhiều cố gắng trong việc dập tắt dịch lỵ ở Nam Ninh và sốt xuất huyết ở thành phố Nam Định. Công tác điều trị ở các bệnh viện cũng có tiến bộ hơn. Nhiều trạm xá đã chữa được các bệnh thông thường; 42 xã chế biến được thuốc Đông y. Tỷ lệ tử vong ở bệnh viện từ 2,3% năm 1968 giảm còn 1,9% năm 1969.

    Đầu năm 1970, dịch cúm lan rộng và kéo dài ở nhiều vùng trong tỉnh gây ảnh hưởng đến sản xuất. Nhưng được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ngành y tế đã tập trung vào công tác vệ sinh phòng dịch nên không xảy ra dịch lớn. Các bệnh viện trạm xá được tiếp tục củng cố, tăng thêm giờ khám bệnh tăng cường tổ chức điều trị. Việc phối hợp đông – tây y tương đối tốt nên góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu bồi dưỡng và bảo vệ sức khoẻ để đảm bảo thời gian lao động và tăng năng suất thì còn nhiều tồn tại. Các bệnh nghề nghiệp còn nhiều. Qua việc khám sức khoẻ định kỳ ở 12 xí nghiệp, cơ quan thì sức khoẻ loại A chỉ chiếm có 4,5%, loại B chiếm 45,2%. Số người bị suy nhược chiếm tới 20%, thấp khớp 37%, thần kinh 22%, lao 4,5%. Riêng công nhân bốc vác 40% bị vẹo xương sống; 23,4% bị rệt chân. Công nhân dệt có tới 23% bị bệnh thần kinh, trong đó nữ chiếm 34%.

    Công tác y tế trong năm 1971 đã có nhiều cố gắng để khắc phục khó khăn khi bắt tay vào khôi phục hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của cán bộ, công nhân và nhân dân. Công tác vệ sinh phòng bệnh tiếp tục được giữ vững và chú trọng. Việc sản xuất và phân phối thuốc, kết hợp đông, tây y và chất lượng chữa bệnh có tiến bộ. Phong trào trồng thuốc nam phát triển khá. Một số trạm xá xã thực hiện được việc cấp phát một số thuốc thông thường.

    Kết hợp với phong trào thi đua lao động sản xuất, củng cố hợp tác xã, Đảng bộ còn hết sức coi trọng việc giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhân dân, vai trò tiền phong gương mẫu của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, đảm bảo tốt nhiệm vụ chi viện sức người cho tiền tuyến. Các đợt tuyển quân hằng năm bình quân đều vượt 4% chỉ tiêu được giao. Nhiều đơn vị bộ đội địa phương được xây dựng để tăng cường cho chiến trường đảm bảo chất lượng khá; trong chiến đấu nhiều đơn vị và cá nhân đã lập được thành tích xuất sắc. Trong phong trào tòng quân, thanh niên vùng Thiên Chúa giáo tham gia ngày càng đông đảo, thường xuyên chiếm từ 15-22% số quân giao. Một số nơi trước đây ít người tham gia quân đội đã có chuyển biến. Năm 1969, huyện Vụ Bản đạt 127% chỉ tiêu giao quân, dẫn đầu tỉnh Nam Định. Công tác tiếp nhận, nuôi dưỡng thương, bệnh binh đảm bảo chu đáo và ngày càng đi vào nề nếp. Các đơn vị pháo cao xạ của tỉnh được chuyển thành các đơn vị bảo vệ bờ biển. Thành phố Nam Định, các huyện và xã xây dựng xong phương án tác chiến. Làng chiến đấu được xây dựng và củng cố ở 171 xã. Phong trào thi đua trong các lực lượng vũ trang địa phương được đẩy mạnh, có 394 đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng và số cán bộ "Bốn tốt" tăng 10%. Hai đợt tuyển quân năm 1970 đạt 107% kế hoạch. Công tác giáo dục chính trị, rèn luyện kĩ chiến thuật trong dân quân tự vệ được coi trọng, hoàn thành kế hoạch huấn luyện và củng cố phân đội dự bị ở 100% số xã. Năm 1971, phong trào thi đua Quyết thắng đã đi vào chất lượng hơn. Việc thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, thường xuyên chăm sóc gia đình có người đang trong quân ngũ, nuôi dưỡng thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã góp phần củng cố cơ sở và cổ vũ tiền tuyến.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com