[links()]
(Tiếp theo)
Trong những năm qua, mặc dù địch không trực tiếp đánh phá nhưng hầu như năm nào trong tỉnh cũng bị thiên tai gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đầu tháng 8-1969, một đợt lũ lên cao và kéo dài chưa từng có kể từ 21 năm qua, đã tràn về địa phương. Toàn tỉnh đã huy động 367.968 cán bộ, công nhân, bộ đội, học sinh lên mặt đê và 126.676 cây tre, 7.000 cây xoan, 14 vạn bó rào và 2 vạn bao tải cho công việc hộ đê. Sang năm 1970, Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo công tác hộ đê, huy động 55.000 người; bồi đắp 1.062.144 m3 đất cho các quãng đê xung yếu; hoàn thiện và tu sửa 73 kè cống. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên trong 6 ngày liền nước ở mức báo động số 3 nhưng các tuyến đê vẫn an toàn. Vụ mùa năm 1971, ba cơn bão tràn vào tỉnh, uy hiếp nặng tuyến đê biển, đê đồng muối của các huyện Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và đê nông trường Rạng Đông. Không những thế, lũ cũng xuất hiện sớm, đỉnh lũ lên rất cao, kéo dài trong nhiều ngày.
Sau đợt lũ năm 1969, hệ thống đê, kè, cống trong tỉnh đã được củng cố thêm đảm bảo mức nước lên đến 5,2m không bị vỡ. Trên thực tế mức nước tại đây vào ngày 22-8-1971 lên tới 5,77m. Mặc dù đã hết sức cố gắng phòng chống nhưng đợt lũ năm 1971 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Ngoài gần một vạn hécta lúa bị ngập, gần 2,5 vạn hécta lúa bị úng, tỉnh còn có 31.207 hộ gồm 145.312 khẩu và 28.000 nóc nhà nằm ở khu vực bị ngập. Nhiều trạm xá, trường học, nhà trẻ, chuồng trại bị hư hại cùng 417 tấn thóc, 455 tấn phân hoá học bị ướt trôi. Nhiều cơ sở công nghiệp bị hư hại.
Tình hình trên đã đặt ra trước Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh một trách nhiệm lớn lao, nỗ lực cao để nhanh chóng khắc phục hậu quả của lũ lụt, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Theo phương châm xây dựng kinh tế địa phương lớn mạnh, bảo đảm phát triển cân đối, toàn diện, gắn chặt giữa nông nghiệp - công nghiệp - lưu thông phân phối mà Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh lần thứ I đã đề ra, sản xuất nông nghiệp của năm 1969 đi vào toàn diện hơn, cả về trồng trọt và chăn nuôi. Phong trào thâm canh, nhất là cây lúa được đẩy mạnh và đồng đều giữa các vùng. So với năm 1968, tổng diện tích gieo trồng cả năm tăng 8,1%, trong đó lúa tăng 9,2%, diện tích lúa xuân gấp hơn hai lần, diện tích cây thực phẩm tăng 22,3% và cây công nghiệp tăng 2,4%. Tuy nhiên so với diện tích gieo trồng bình quân ba năm 1965 - 1967 thì năm 1969 chỉ bằng 95% và đạt 96,7% kế hoạch.
Đến cuối năm 1969, toàn tỉnh có 94,1% hộ nông dân và 96,5% diện tích đất góp vào làm ăn tập thể với quy mô hợp tác xã toàn thôn hoặc toàn xã.
Trong năm 1970, quán triệt tinh thần Nghị quyêt 194 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã đặc biệt coi trọng việc chỉ đạo sản xuất lương thực, nhất là đối với cây lúa. Giá trị tổng sản lượng trong năm ước đạt 278,825 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 1969. Tổng diện tích gieo trồng có 251.214 ha, bằng 102,7% so với năm trước. Hai huyện Hải Hậu, Xuân Thủy và 183 hợp tác xã (21,5%) đạt 5 tấn thóc/ha trở lên.
Về chăn nuôi, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thức ăn, đàn lợn vẫn có 466.855 con, đạt 99,3% kế hoạch. Đàn trâu có 56.782 con, đàn bò có 10.972 con.
Sản lượng mía đạt 94.681 tấn, đay 906 tấn, cói 5.254 tấn (đạt 83% so với năm 1969), lạc 1.936 tấn (đạt 77,4%).
Vụ đông xuân 1970-1971, toàn tỉnh cấy 69% diện tích là giống lúa mới có năng suất cao và thực hiện một số biện pháp thâm canh, thu được thắng lợi lớn (năng suất 25,29 tạ/ha, sản lượng đạt 27 vạn tấn). Tuy nhiên do vụ đông xuân thu hoạch kéo dài, mãi đến ngày 5-7-1971 mới gặt được 96,7% diện tích. Một số chân ruộng cấy giống NN5 đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 - 1971 mới thu hoạch nên thời vụ làm vụ mùa trở nên căng thẳng. Mặt khác, thời tiết cũng rất khắc nghiệt và sâu bệnh liên tiếp gây khó khăn cho sản xuất từ khi gieo cấy đến lúc chăm bón, thu hoạch.
Việc huy động lương thực trong thời gian 1969-1971 trên phạm vi toàn tỉnh đều đảm bảo hoàn thành kế hoạch: năm 1969 là 80.694 tấn; năm 1970 là 88.157 tấn; năm 1971 là 87.525 tấn.
Công nghiệp địa phương của tỉnh phần lớn được xây dựng và trưởng thành trong chiến tranh, quy mô tổ chức sản xuất và kinh doanh mang nặng tính chất tạm thời và phân tán đang được chuyển dần sang sản xuất tập trung. Đảng bộ đã có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo khôi phục sản xuất ở những nơi có điều kiện. Tuy còn nhiều khó khăn và bất hợp lý nhưng địa phương vẫn khắc phục được một phần tình trạng phân tán, không có lợi cho sản xuất và tăng cường quản lý kinh tế. Các cơ sở sẵn có đã phát huy tác dụng để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
(Còn nữa)