[links()]
(Tiếp theo)
Cùng với việc khôi phục và xây dựng lại cuộc sống bình thường cho thành phố Nam Định, Tỉnh ủy còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là thời kỳ nền nông nghiệp của tỉnh đang trong quá trình chuyển biến từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn; từ độc canh sang toàn diện; từ sản xuất theo kinh nghiệm sang từng bước tăng cường cơ sở vật chất và đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp; từ sản xuất nặng tính tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa. Trong quá trình chuyển đổi ấy thực trạng tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn còn chậm, chưa vững chắc, thiếu cân đối và có mặt còn trì trệ. Là vùng trọng điểm lúa song vấn đề lương thực vài năm qua có chiều hướng giảm sút, làm ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, đến đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước; nhiều khả năng tiềm tàng chưa được phát huy. Trong trồng trọt, năng suất gia tăng nhưng vì diện tích giảm nhanh nên sản lượng tăng rất chậm và từ năm 1968 có chiều hướng giảm sút. Nếu lấy năm 1964 là 100% thì diện tích trồng trọt từ 1965- 1967 chỉ còn 95% và hai năm 1968 - 1969 còn 86,4%, riêng diện tích trồng lúa chỉ còn 85%. Những năm 1961-1964, mỗi năm tỉnh cung cấp cho Trung ương 21.485 tấn lương thực sau khi đã cân đối nhu cầu bán ra ở địa phương; đến các năm 1965 - 1967 bình quân cung cấp cho Trung ương 37.835 tấn nhưng từ năm 1968 Trung ương phải điều về trung bình mỗi năm 16.861 tấn lương thực.
Bến phà Đò Quan Nam Định phục vụ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. |
Để khắc phục những tồn tại kể trên, ngay khi kẻ địch ngừng đánh phá, Đảng bộ đã tìm mọi biện pháp để phát huy thế mạnh của một tỉnh lớn thuộc vùng trọng điểm lúa của miền Bắc, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai và sức lao động, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, để giành thắng lợi ba mục tiêu, làm cơ sở cho việc xây dựng kinh tế địa phương và từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Để triển khai các chủ trương trên, ngay từ cuối tháng 3- 1969, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp nghe báo cáo về kế hoạch tiến hành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ra Nghị quyết số 08/NQ-TU nêu rõ việc phân vùng kinh tế trong tỉnh tuy chưa hoàn chỉnh nhưng bước đầu đã xác định được phương hướng sản xuất của từng vùng, dự kiến được các vùng chuyên môn hoá sản xuất.
Nội dung của quy hoạch tổng thể vùng sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều quy hoạch bộ phận từng ngành, từng mặt như quy hoạch về phân bổ và sử dụng đất đai; về ngành trồng trọt (nông, lâm nghiệp); về ngành chăn nuôi (nông nghiệp, thủy sản); về phân bổ và sử dụng lao động; về tổng hợp các biện pháp phục vụ sản xuất.
Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều bỡ ngỡ, phức tạp. Để có thể hoàn thành việc quy hoạch vùng sản xuất vào cuối năm 1970, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định chọn huyện Hải Hậu làm thí điểm để từ đó triển khai xuống ba huyện phía nam (Xuân Thủy, Nam Ninh, Nghĩa Hưng); đồng thời tập trung chỉ đạo trước ở một, hai huyện phía bắc để rút kinh nghiệm rồi triển khai tiếp các huyện còn lại.
Để phát triển công nghiệp địa phương, Đảng bộ cũng chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch ngành nghề trên cơ sở tính toán yêu cầu, khả năng và những điều kiện cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của công nghiệp địa phương. Đi đôi với quy hoạch, phải phân bố và phát triển công nghiệp từng vùng cho phù hợp với đặc điểm cụ thể, bảo đảm tính hợp lý lực lượng sản xuất công nghiệp để có sự hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, bảo đảm phát triển chuyên môn hoá và tổng hợp của các vùng kinh tế tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Đối với thành phố Nam Định, vừa là trung tâm công nghiệp, vừa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, trong hoàn cảnh chiến tranh tỉnh vẫn đầu tư cho thành phố sản xuất và chiến đấu vững mạnh; công nghiệp tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp thích hợp với thời chiến. Bên cạnh khối công nghiệp trung ương, công nghiệp địa phường phải gắn bó và tranh thủ sự hỗ trợ để phát triển. Hướng xây dựng lâu dài vẫn là thành phố dệt, có cơ khí và ngành sản xuất thực phẩm cao cấp. Phải phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp.
Vùng biển là vùng kinh tế phong phú, là hướng quan trọng để phát triển kinh tế địa phương; đẩy mạnh nghề muối, nghề cá và các loại hải sản khác; chú trọng chăn nuôi trâu bò, ong; trồng cây lấy gỗ và dừa, cói, dâu tằm. Trên cơ sở đó phát triển công nghiệp chế biến cá và hải sản khác; tăng cường chế biến cói, ươm tơ, dệt chạ lưới, chế biến hoa quả, nung vôi.
(Còn nữa)